Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam chia sẻ với Lao Động về vấn đề tái cấu trúc kinh tế trong tình hình mới.
Thưa Tiến sĩ (TS), ngày 13.11.2021, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế. Như vậy, cần làm gì để phát triển kinh tế mang tính đột phá, tái cấu trúc mang hướng bao trùm đối với 4 địa phương này và toàn bộ nền kinh tế đất nước?
-TS Vũ Tiến Lộc: Hiện nay, bên cạnh Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng, chúng ta đang xây dựng cơ chế đặc thù cho các tỉnh, thành phố khác.
Tôi nghĩ trong tương lai không chỉ dừng lại ở 4 tỉnh mới được đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù này, mà rất có thể phải mở ra ở một số tỉnh, thành phố khác nữa để các tỉnh, thành phố đó thực sự đóng vai trò như trung tâm của khu vực kinh tế, tạo tác động lan tỏa ra các tỉnh, thành phố khác chứ không chỉ tập trung ở 2 đầu hay không chỉ tập trung vào 3 nơi là Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.
Đặc biệt, không tập trung ở 2 đầu đất nước là Hà Nội và TPHCM mà tản ra. Chúng ta có 6-7 vùng kinh tế, thậm chí có thể có các quy hoạch phân tán hơn nữa và cố gắng có những chính sách, cơ chế để thúc đẩy các đô thị trung tâm ở khu vực đó, để “chia lửa” bớt cho TPHCM và Hà Nội, để giải quyết vấn đề phát triển công nghiệp, thương mại và phát triển doanh nghiệp.
Các đô thị sẽ được kết nối với các tỉnh, thành phố trong các khu vực theo công thức trung tâm vệ tinh.
Với một chiến lược như thế, chúng ta sẽ đảm bảo được định hướng phát triển bao trùm, bền vững, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước bất kỳ diễn biến bất lợi nào của biến đổi khí hậu, chiến tranh hay thiên tai. Tôi nghĩ đó là mô hình kinh tế của Việt Nam.
Không chỉ 4 tỉnh, thành phố vừa được Quốc hội thông qua hưởng một số cơ chế, chính sách đặc thù, trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, các địa phương cần lưu ý điều gì, thưa ông?
- TS Vũ Tiến Lộc: Quốc hội thông qua, cho áp dụng các cơ chế đặc thù cho 4 tỉnh, thành phố mới, đây chính là “phòng thí nghiệm” để chúng ta xây dựng các đô thị trung tâm nhưng đồng thời kết nối với các vệ tinh trong khu vực.
Cho nên, định hướng rất quan trọng là, xây dựng các tỉnh, thành phố đặc thù phải được định hướng trong việc xây dựng kiểu mẫu của một không gian chung sống, một đô thị trung tâm và vệ tinh, xử lý hài hòa các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường.
Các đô thị trung tâm phải có mối quan hệ hợp tác theo kiểu liên kết vùng với các tỉnh, thành phố khác theo các cấp độ khác nhau, đảm bảo có sự phát triển hài hòa để không bị lặp lại những vấn đề như Hà Nội, TPHCM hay các thành phố trung tâm hiện nay đang mắc phải.
Ông vừa nói đến một số vấn đề mà Hà Nội, TPHCM và một số trung tâm đô thị lớn đã mắc phải. Đó là những vấn đề nào, thưa Tiến sĩ?
- TS Vũ Tiến Lộc: Trong thời gian vừa qua, có tình huống cho chúng ta thấy rằng, khi chúng ta tập trung xây dựng Hà Nội, TPHCM thành những khu đô thị lớn, chúng ta đã xây dựng những khu công nghiệp xung quanh ở TPHCM, Hà Nội cũng như các địa phương lân cận và điều rất không hợp lý ở chỗ: Những thành phố lớn lẽ ra tập trung ở những ngành công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn chứ không phải tập trung vào những ngành sử dụng nhiều lao động, ngành công nghiệp gia công.
Khi tập trung vào những ngành sử dụng nhiều lao động giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là gia công sẽ tạo nên sự quá tải cho không gian đô thị và công nghiệp, kể cả về kinh tế, xã hội và kỹ thuật, tạo nên thế cạnh tranh không công bằng giữa Hà Nội, TPHCM và các khu công nghiệp với các tỉnh, thành phố khác.
Nhiều tỉnh, thành phố hiện nay cũng đã hiểu và “ngấm” vấn đề này, khi xây dựng quá tập trung như trong thời gian vừa qua.
Tôi hi vọng trong các đề án về thí điểm cải cách thể chế và thực hiện một số chính sách đặc biệt phải gắn liền với một định hướng với tái cấu trúc không gian đô thị, đảm bảo sự kết nối liên kết vùng gắn công nghiệp với nông nghiệp và cố gắng để đảm bảo để người lao động “ly nông bất ly hương”, đây là mô hình rất tốt.
Theo ông trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, Việt Nam nên tập trung vấn đề nào trước nhất?
TS Vũ Tiến Lộc: Hiện nay, không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước đang chứng kiến một tình trạng là có sự phân cực rất lớn trong thu nhập giữa các tỉnh, thành phố, giữa các địa phương và các giai tầng của xã hội. Nếu có một chiến lược phát triển bao trùm từ những động lực cũng như áp lực của biến động vừa qua, qua sự biến động kinh tế cũng như lao động (dòng người hồi hương) thì sẽ giúp chúng ta cơ cấu lại nền kinh tế nhanh hơn, mạnh hơn.
Hiện nay, Hà Nội, TPHCM và các tỉnh xung quanh vẫn là nơi thu hút đầu tư nhưng chắc chắn các nhà đầu tư lớn hướng đến phát triển bền vững sẽ tính đến phân tán đầu tư và đây là cơ hội cho những tỉnh, thành phố đang thực hiện thí điểm cũng như các tỉnh, thành phố khác.
Tôi nghĩ là vấn đề này cần tạo thành nhận thức chung cũng như cần có chính sách khuyến khích để có phương án tái cấu trúc nền kinh tế trên cơ sở đảm bảo hài hòa các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường.
Thực ra, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng này không phải là sự lựa chọn mà là con đường duy nhất, là sống còn của một nền kinh tế nếu muốn phát triển một cách bền vững.
Điều này cũng rất gần với mô hình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta, hướng tới một sự thịnh vượng chung, sự chia sẻ lợi ích trong quá trình phát triển, hướng tới đảm bảo thu nhập và hạnh phúc chung cho tất cả mọi người.
Nếu đề án hiện nay các tỉnh, thành phố trình lên Trung ương mà chưa tính đến tất cả các yếu tố đó thì đề nghị bổ sung và thực hiện hướng đi này.
Tôi nghĩ hiện nay các tập đoàn đầu tư xuyên quốc gia, các nhà đầu tư lớn cũng đã tính đến phương án đó, nên nếu địa phương xây dựng quy hoạch theo hướng này sẽ tạo thuận lợi cho địa phương trong thu hút đầu tư.
- Xin cảm ơn Tiến sĩ và chúc ông thật nhiều sức khỏe!
Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hoá, Thừa Thiên - Huế có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022 và được thực hiện trong 5 năm.