Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 10/2021 với mức doanh thu và lợi nhuận khả quan, tăng trưởng mạnh. Tổng doanh thu hơn 12.000 tỷ đồng chủ yếu đến từ chuỗi bán lẻ Thế giới di động (TGDĐ), Điện máy xanh (ĐMX) và Bách hóa xanh (BHX).
Trong đó, tổng doanh số của TGDĐ và ĐMX trong tháng 10 đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ 2020 và tăng 60% so với tháng 9/2021. Theo giải trình kết quả công ty, doanh thu đạt được nhờ hầu hết các cửa hàng được phép hoạt động trở lại từ đầu tháng 10.
Bội thu sau giãn cách
Bên cạnh đó, TGDĐ và ĐMX đã có phương án chuẩn bị để mở cửa bán hàng trở lại. Ngoài ra, 2 chuỗi này đã làm việc với nhà cung cấp từ sớm để đảm bảo có đủ hàng trong bối cảnh thị trường đang bị ảnh hưởng về nguồn cung. 2 hãng cũng đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, khai thác nhu cầu mua sắm mới/thay thế sản phẩm hư hỏng sau 3-4 tháng giãn cách do dịch Covid-19.
Tháng 10 hãng cũng chào bán sản phẩm Iphone13 series và sự kiện ra mắt chuỗi Topzone. Sau 10 ngày khai trương, 4 cửa hàng Topzone đóng góp 40 tỷ doanh thu (1 tỷ đồng/cửa hàng/ngày). Sản lượng Iphone 13 series bán ra tại Topzone chiếm gần 10% tổng số Iphone13 series bán ra trên toàn hệ thống TGDĐ và ĐMX.
Đặc biệt, doanh số của BHX tháng 10 đạt gần 2.000 tỷ đồng. Sau khi nới lỏng giãn cách, doanh thu bình quân trong tháng 10 đạt xấp xỉ 1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng.
Mức doanh số này chưa quay về mức bình quân thời điểm trước dịch. Theo giải trình của MWG, các địa bàn trọng yếu chiếm gần 50% doanh thu của chuỗi BHX là Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang dù đã mở cửa nhưng vẫn đang là những "điểm nóng" về dịch Covid-19. Do đó, sinh hoạt của người dân vẫn chưa trở lại như trước và một bộ phận người lao động đã rời khỏi các "thủ phủ công nghiệp" về quê. Ngoài ra, chợ truyền thống được phép mở cửa, cùng với sự xuất hiện của nhiều cá nhân/cửa hàng nhỏ lẻ bán thực phẩm tươi sống sau mùa dịch tạo ra nhiều lựa chọn về nơi mua sắm cho người dân.
Trong những tháng cuối năm, BHX cho biết sẽ tập trung kiểm soát chi phí để duy trì hiệu quả kinh doanh bằng cách chỉ mở mới các mặt bằng đã ký kết và đã có kế hoạch xây dựng. Hãng này cũng có dự định tối ưu hóa sắp xếp nhân sự, cải thiện năng suất nhân viên và tiếp tục gia tăng tỉ trọng đóng góp các sản phẩm "hàng của mình". Đồng thời, hãng sẽ kiểm soát tỉ lệ hủy hàng để duy trì biên lợi nhuận gộp 27% cho cả năm 2021.
Trước đó, tháng 9/2021, doanh thu thuần của MWG đạt 8.325 tỷ đồng tăng 28% và lợi nhuận sau thuế đạt gần 333 tỷ đồng, tăng 50% so với tháng 8, sau khi các cửa hàng được phép hoạt động trở lại tại một số tỉnh thành. 9 tháng đầu năm 2021, MWG ghi nhận doanh thu thuần đạt 86.820 tỷ đồng, tăng 7% và lợi nhuận sau thuế là 3.338 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Năm 2021, MWG đặt kế hoạch doanh thu đạt 125.000 tỷ đồng, tăng 15% và lợi nhuận sau thuế đạt 4.750 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2020. Như vậy, công ty đã hoàng thành gần 80% kế hoạch doanh thu trong 10 tháng.
Kế hoạch IPO chuỗi Bách Hóa Xanh
Trước đó, tại buổi gặp gỡ giới phân tích, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch MWG cho biết trong dài hạn sẽ tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) chuỗi BHX và cả các công ty con khác nếu hoạt động hiệu quả.
MWG chính thức ra mắt chuỗi mới Bách Hóa Xanh vào năm 2017. Hiện, BHX có 1.934 cửa hàng. Doanh thu cũng liên tục đạt các mức mới nhờ mở rộng quy mô, riêng quý III vừa qua tăng trưởng 63% so với cùng kỳ.
Gần đây tập đoàn cũng có những động thái tái cơ cấu khi Bách Hóa Xanh sẽ nhận chuyển nhượng lại cổ phần trong nhà thuốc An Khang và được cho phép nâng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 99,99%. Ngược lại BHX sẽ chuyển nhượng lại toàn bộ phần vốn trong công ty 4K FARM cho tập đoàn mẹ.
MWG cũng có kế hoạch đầu tư tiếp cho các chuỗi chủ lực, bao gồm rót thêm 3.200 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ cho BHX nhằm phục vụ kế hoạch mở rộng phát triển kinh doanh. Đồng thời góp thêm 800 tỷ đồng cho TGDĐ với mục đích tương tự.
Đặc biệt, ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết thời trang cũng là lĩnh vực mà MWG sẽ dấn thân vào. Đây là mảng bán lẻ lớn, có nhiều khoảng trống sau dịch bệnh khi các nhà bán lẻ nhỏ phải đóng cửa. Tập đoàn sẽ mở sớm nghiên cứu thử nghiệm và nhanh để lấy thị phần.
Ông Hiểu Em nói thêm chuỗi bán lẻ thời trang và các dự án đã ra mắt trước đó đều không nằm trong kế hoạch phát triển hồi đầu năm. Tuy nhiên, giai đoạn nhiều cửa hàng hiện hữu đóng cửa vì dịch bệnh, ban lãnh đạo đã tìm kiếm các mô hình kinh doanh mới với mục tiêu chính là giảm thiệt hại về doanh số năm nay cũng như tạo đà tăng trưởng trong năm tới.
MWG cũng đặt ra hướng đi mới cho kênh online, cụ thể là website sẽ chuyển đổi từ thuần đưa thông tin sản phẩm sang thuần để mua bán nhiều hơn. Ngoài ra, MWG cũng đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT nhằm khai thác khách hàng mới.