Ông chủ trẻ Nguyễn Bá Trực trong vườn sâm của mình - Ảnh: NGUYỄN THÚY
Chuyện của họ dễ lan truyền cảm hứng, nhưng phía sau đồng nội lãng mạn là những bài toán khó tựa như sỏi đá, gai nhọn phải vượt qua...
Những năm trước, khi câu chuyện cây sâm Ngọc Linh còn huyền bí thì một chàng trai Kon Tum đã lặng lẽ ra bìa rừng gieo mầm sâm từ phương pháp nuôi cấy mô.
Hai bằng đại học vẫn ngóng núi
11 năm sau, chính những cây sâm ngày nào gieo xuống tầng thảm mục trên núi cao đã thúc giục chàng kỹ sư quay trở về. Không chỉ sâm, những loại thảo mộc bản địa vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên như khổ qua rừng, đẳng sâm... đã được nhấc lên khỏi bờ rào để rực rỡ ra thị trường bán với giá cao chót vót.
Chàng trai đó chính là Nguyễn Bá Trực (34 tuổi) ở thị trấn Đắk Tô, dưới chân núi Ngọc Linh, Kon Tum, có hai bằng đại học quản trị kinh doanh tại Đại học Kinh tế TP.HCM và kỹ sư công nghệ sinh học Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Năm 2005 khi còn là sinh viên tại TP.HCM, Trực kể đã dành hết khoản tiền gia đình gửi để lên Lâm Đồng tìm kiến thức nông nghiệp công nghệ cao. Trực kết nối được với nhóm giảng viên, chuyên gia tại ĐH Đà Lạt.
Khi biết Trực ở Kon Tum - thủ phủ cây thuốc dấu - thì những câu chuyện của anh đã thuyết phục được các nhóm giảng viên, sinh viên để họ cùng bắt tay thực hiện dự án nghiên cứu nhân giống trong ống nghiệm cây sâm Ngọc Linh.
Thời điểm này, sâm Ngọc Linh vẫn còn nằm chủ yếu ở rừng, một số ít được di thực ra môi trường nhân tạo bằng hạt, cây con chứ chưa nhân giống đại trà.
Từ 5.000 mầm sâm đầu tiên được ra đời ở ống nghiệm, nhóm của Trực đã quyết định chọn vùng núi cao xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum để trồng. Mầm cây chôn xuống đất mang theo không chỉ những hy vọng mà cả những âu lo, rủi ro, tiền của.
Trực kể rằng sau chuyến về quê ngược lên núi ươm sâm, anh trở lại TP.HCM để tiếp tục học. Quãng thời gian này, cây sâm vẫn được bà con tại chân núi Tê Xăng chăm nom thường xuyên. Cây thích nghi và dần lớn ngoài tự nhiên.
Năm 2009, Trực tốt nghiệp đại học và được tuyển vào làm nhân viên, rồi lên quản lý cho một doanh nghiệp chuyên về phân phối sữa, thực phẩm tại TP.HCM.
Không một ai, kể cả ba mẹ biết rằng Trực đang ngấm ngầm nuôi lớn giấc mơ khác đằng sau việc kiếm tiền, tạo lập cuộc sống ở TP.HCM: tích lũy đủ kiến thức để "hồi hương", đợi cây sâm đã gieo ngày nào đủ thời gian để đưa ra khỏi rừng.
Công nhân Công ty thảo dược Tây Nguyên phơi sấy nguyên liệu - Ảnh: NGUYỄN TRỰC
Thuyết phục từng người dân tin mình
Đầu năm 2016, sau nhiều năm lăn lộn, mua được nhà tại TP.HCM và lên làm quản lý với mức thu nhập rất cao, Trực đón xe trở về quê.
Câu chuyện của anh thưa ba mẹ trong bữa cơm tối làm cả nhà ngỡ ngàng: Trực bỏ việc, quay về quê làm nông nghiệp. Ý định của anh là kết nối với bà con, mở trang trại trồng dược liệu, xây dựng kho chế biến để tạo ra các sản phẩm tung ra thị trường rộng lớn.
Vốn liếng vững chãi mà Trực có là kiến thức thị trường mà anh nhiều năm lăn lộn ở TP.HCM cùng kiến thức nông nghiệp công nghệ cao anh tự tích lũy trong thời gian "ra đi".
"Lúc đó ba mẹ rất buồn. Tư duy của ông bà là muốn đầu tư cho con mình học hành rồi lập nghiệp và tạo dựng cuộc sống ở thành phố. Nhưng người trẻ như Trực thì luôn nghĩ khác" - chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, chị ruột của Trực, kể.
Từ năm 2016, Trực cùng với chị họ bắt tay liên kết với với các hộ dân tại địa phương để xây dựng mô hình trồng, tiêu thụ dược liệu tại chỗ gồm khổ qua rừng và sâm dây (đẳng sâm).
Dù đã hình dung hết những rủi ro nhưng việc "trở về" của anh cũng chẳng dễ chút nào. Chỉ riêng việc thuyết phục bà con trồng cây khổ qua rừng (mướp đắng) cũng đủ gian nan. Bà con gần như coi đây là loài cây dại, mọc ngoài hàng rào, chẳng có giá trị gì.
"Mình mất cả tháng đi tới từng nhà, nhưng bà con ai cũng cười rồi quay vô nhà, họ không tin cái cây đó có người mua. Cuối tháng "chốt sổ", cuối cùng có 10 hộ nhận làm nhưng họ cũng nghi ngại lắm" - Trực kể.
Bắt tay với bà con Xê Đăng, Trực dùng kiến thức của mình để thuyết phục, dùng những câu từ dễ hiểu nhất để bà con tin cái bụng. Anh kiên định xây dựng phương án sản xuất nhiều tầng, 45 ngày sẽ cho thu hoạch đối với cây khổ qua rừng và hai năm với cây đẳng sâm.
Nói thì đơn giản thế, nhưng để các hộ dân đồng hành là một hành trình vô cùng gian khổ, nhất là bà con tại các xã đặc biệt khó khăn như xã Văn Lem, huyện Đắk Tô - nơi Trực đã và đang phát triển vùng dược liệu chính.
Đồng bào quen chạy ăn từng bữa, trồng cây thấy vừa lớn là lại muổn nhổ để bán mua gạo. Có lúc Trực phát nản vì "nói hết sức mà bà con không hiểu".
"Mình nói cả buổi, bà con nghe rồi gật đầu lia lịa. Hỏi hiểu không thì bảo hiểu, nhưng ngày mai lại gọi điện thoại lên kêu... cần tiền nên phải nhổ sâm, khổ qua đem bán rồi" - Trực nói. Thế nhưng làm dần rồi cũng quen, thấy Trực kiên định nên bà con sẵn sàng chịu khó để chờ đợi.
Năm 2019, Trực bỏ vốn mở Công ty thảo dược Tây Nguyên, tổ chức nhiều mô hình sản xuất dưới hình thức hợp tác với bà con tạo thành mạng lưới sản xuất - chế biến - bao tiêu nông sản.
Sự chuyên nghiệp trong cách làm nông hiện đại đã dẫn tới một câu chuyện đầy khác biệt: rất nhiều nông dân tự nguyện xin tham gia vào mạng lưới của Trực và người chị.
Công ty có vùng nguyên liệu diện tích lớn lên tới hàng chục hecta chuyên canh khổ qua, sâm dây đạt tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, nông nghiệp thuần tự nhiên. Từ nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng, Trực tiếp tục đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị để sản xuất ra các đặc sản nông sản.
Những mớ cây trái vốn lăn lóc, ít giá trị trong vườn rẫy của người Xê Đăng bỗng chốc thay đổi số phận. Khổ qua, sâm dây được chế biến, nằm trong các bao bì đưa đi khắp nước, trở thành những mặt hàng làm quà tặng xinh xắn.
Hiện tại Trực đã xây dựng thành công hệ thống phân phối tại 16 tỉnh thành. Hàng hóa của bà con do anh kết nối đã nằm trên hệ thống các siêu thị lớn cả nước, 8 nhà phân phối và rất nhiều kênh phân trên nền tảng thương mại điện tử.
Trực nói rằng điều thành công nhất của anh cho tới giờ không phải là doanh thu, mà là giá trị của các loài cây bản địa. Từ chỗ vứt lăn lóc ngoài vườn, hàng rào, hoặc làm thức ăn cho gia súc thì nay đã trở thành những món hàng đắt giá. Những đám rẫy của người dân đã bừng sáng, dần giúp rất nhiều bà con dưới chân núi đổi đời.
Người đồng hành đặc biệt
Trong câu chuyện "trở về" được ấp ủ cả chục năm của mình, Trực nói mình luôn có một người "đồng hành" đặc biệt: đó chính là chị Lương Thị Mỹ Huệ.
Chị Huệ tốt nghiệp đại học, từng là cán bộ tại Huyện ủy Đắk Tô, tỉnh Kon Tum. Năm 2019, khi thấy cơ hội "đủ chín", chị Huệ quyết định nghỉ việc để cùng Trực hùn vốn mở công ty chế biến thảo dược địa phương.
"Đây là một người phụ nữ cực kỳ kinh khủng về đầu óc và nghị lực. Không có chị Huệ, chắc chắn tôi không tự một mình đi đến ngày nay được.
Khi mở công ty thì tôi lo liệu chiến lược kinh doanh. Chị Huệ như một người nội trợ, lặng lẽ làm việc một cách đầy cần mẫn và tận tụy" - Trực chia sẻ.
--------------------------------
Một cô gái Ninh Thuận thông thạo tiếng Anh, Pháp đã nhận được suất du học tại Pháp. Tuy nhiên khi qua đến trời Âu, cô quyết định thay đổi để về làm một nông dân.
Kỳ tới: Bỏ nước Pháp để về quê làm chuối sấy
TTO - 'Đi săn mây, mở mắt giữa làn sương rừng buổi sớm', thoạt nghe như lời quảng cáo về chuyến du lịch nào đó. Nhưng không phải vậy! Có một 'gã lãng tử' dấn bước làm du lịch để được hòa mình giữa thiên nhiên…
Xem thêm: mth.45911609151111202-ad-gnaoh-ion-iog-gneit-oeht-ev-ort-1-yk-nouv-ev-ohp-ob/nv.ertiout