Mới đây trong cuộc họp với nhà đầu tư, ban lãnh CTCP Thế giới số (Digiworld) cho biết doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu sẽ tăng trên 50% trong năm 2021 và trên 40% trong năm 2022.
Cụ thể ban lãnh đạo công ty này đặt kế hoạch cho quý 4/2021 với doanh thu đạt 6.000 tỷ đồng (tăng 49% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 177 tỷ đồng (tăng 79% so với cùng kỳ). Các mục tiêu này tương ứng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2021 lần lượt đạt 19.000 tỷ đồng (tăng 52% so với cùng kỳ) và 507 tỷ đồng (gấp đôi năm ngoái).
Với mục tiêu doanh thu tăng trưởng hơn 40% vào năm 2022, điều này tương ứng với mức đạt ít nhất 27.000 tỷ đồng. Mục tiêu Digiworld được đặt ra với giả định doanh thu thương hiệu hiện hữu (tức là các thương hiệu cũng đóng góp doanh thu trong cùng kỳ năm ngoái) tăng 25% với phần còn lại đến từ các thương hiệu mới.
Trong khi đó kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 của doanh nghiệp này chịu tác động bởi Covid-19 khi doanh thu đạt 3.868 tỷ đồng, giảm 11% so với quý 2. Lợi nhuận đạt 107 tỷ đồng, giảm 8% so với quý 2.
Vì sao trong bối cảnh Covid-19, Digiworld lại tự tin đến vậy?
Theo nhận định của công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) mục tiêu tham vọng này được thúc đẩy bởi mức tăng trưởng mạnh của các thương hiệu hiện hữu cũng như việc ký thêm với các thương hiệu mới nhờ năng lực đã được chứng minh của Digiworld trong việc hợp tác với các thương hiệu lớn như Apple, Xiaomi và Huawei.
Theo VCSC, thị phần cao hơn của Xiaomi, đóng góp cả năm từ Apple và nhu cầu laptop tăng cao do làm việc/học tập từ xa đã giúp tạo ra kết quả ấn tượng này. Đối với điện thoại di động, VCSC ước tính rằng doanh thu từ Xiaomi tăng khoảng 13% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2021 dù đã giảm hơn 40% so với cùng kỳ tính riêng trong quý 3/2021 do tình trạng gián đoạn liên quan đến dịch Covid-19. Số liệu của Digiworld cũng cho biết thị phần điện thoại di động của Xiaomi đã tăng từ 12%-13% vào đầu năm 2021 lên 17%. VCSC cũng ước tính Xiaomi hiếm khoảng 70% doanh thu từ mảng điện thoại di động của doanh nghiệp này.
Một điểm đáng chú ý thêm là doanh thu từ iPhone của tăng mạnh hơn 600% so với cùng kỳ và đóng góp 15% vào tổng doanh thu của Digiworld. Công ty này bắt đầu phân phối các sản phẩm của Apple vào quý 3/2020. Doanh thu từ laptop cũng tăng mạnh 45% nhờ xu hướng làm việc/học tập từ xa.
Ngoài các danh mục cốt lõi hiện tại như điện thoại di động, laptop và thiết bị văn phòng, ban lãnh đạo Digiworld kỳ vọng doanh thu hàng tiêu dùng sẽ tăng mạnh. Điều này được hỗ trợ bởi 1 thương hiệu F&B mới đã quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam và đóng góp mới từ các thương hiệu thiết bị gia dụng từ Mỹ và Trung Quốc, giúp tăng cường sự hiện diện của Digiworld trong ngành hàng này.
Mảng kinh doanh này được dự kiến đạt mức doanh thu 1.000 tỷ đồng trong năm 2022 so với mức 282 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2021 và đặt kế hoạch thương hiệu thiết bị gia dụng của Mỹ sẽ chiếm 10% thị phần tại thị trường mục tiêu trị giá 1 tỷ USD của doanh nghiệp (ví dụ: máy giặt, tủ lạnh, máy rửa chén, máy sấy và lò vi sóng) trong vòng 3 năm.
Công ty này cũng đang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng, trong đó công ty vận hành các cửa hàng chính thức của khách hàng thương hiệu trên các nền tảng trực tuyến như chợ thương mại điện tử.
Digiworld đặt mục tiêu kênh này sẽ ghi nhận doanh thu đạt 1.000 tỷ đồng trong năm 2022 so với con số không đáng kể vào năm 2021.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị