Ngày 16-11, công ty dược phẩm Mỹ Pfizer thông báo đã đạt được thỏa thuận cho phép một số hãng dược khác sản xuất thuốc trị COVID-19 theo giấy phép của Pfizer và cho phép các nước nghèo được tiếp cận thuốc giá rẻ, hãng tin Reuters cho hay.
Thỏa thuận đạt được giữa Pfizer và Tổ chức Bằng sáng chế về dược phẩm (MPP) liên quan tới việc cấp quyền sản xuất thuốc kháng virus PF-07321332 - loại biệt dược cho kết quả thử nghiệm giúp giảm 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở bệnh nhân COVID-19.
PF-07321332 sẽ được kết hợp với Ritonavir - loại thuốc ban đầu dùng trong điều trị hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV) - để trị COVID-19. Tên thương mại của sản phẩm là Paxlovid.
Thuốc Paxlovid trị COVID-19 của Pfizer. Ảnh: AP
Thuốc phiên bản (generic) là loại thuốc có cùng công thức, thành phần hoạt chất giống với loại thuốc gốc. Điều này có nghĩa là các hãng dược tham gia thỏa thuận sẽ sản xuất thuốc Paxlovid theo công thức mà Pfizer đã nghiên cứu thành công và thuốc mới có hiệu quả chữa trị COVID-19 tương đương.
Đây là thỏa thuận chia sẻ bằng sáng chế thuốc chữa COVID-19 thứ hai trên thế giới. Trước đó, vào cuối tháng trước, gã khổng lồ dược phẩm Mỹ là Merck cũng công bố thỏa thuận tương tự với MPP để cấp phép sản xuất thuốc trị COVID-19 mang tên Molnupiravir.
Một khi COVID-19 còn bị coi là một tình trạng khẩn cấp về y tế cộng cộng quốc tế, cả Merck và Pfizer đều tuyên bố sẽ không thu tiền bản quyền khi bán thuốc trị COVID-19 theo khuôn khổ của hai thỏa thuận trên. Tuy nhiên, các thỏa thuận chỉ giới hạn một số nước nhất định, không áp dụng với toàn thế giới.
Nước nào được mua thuốc trị COVID-19 giá rẻ từ Merck, Pfizer?
Trong thông cáo hôm 27-10, Merck cho biết 105 nước có thu nhập thấp hoặc trung bình sẽ hưởng lợi từ thỏa thuận khi được mở rộng cơ hội tiếp cận thuốc trị COVID-19 giá rẻ.
Tương tự, thỏa thuận của Pfizer cũng mở rộng cơ hội mua thuốc giá rẻ cho 95 nước có thu nhập thấp hoặc trung bình.
Trong khi một số nước thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao như Nam Phi, Moldova… vẫn có cơ hội tiếp cận thuốc giá rẻ của hai hãng dược trên, một nước có thu nhập trung bình cao khác như Nga, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Peru… lại không được hưởng quyền lợi này dù đều là các ổ dịch lớn của thế giới.
Ở khu vực Đông Nam Á, bốn nước có thu nhập cao hoặc trung bình cao là Brunei, Malaysia, Singapore và Thái Lan cũng không được quyền hưởng ưu đãi giá thuốc Molnupiravir hay Paxlovid.
Trung Quốc - một nước cũng thuộc nhóm thu nhập trung bình cao - cũng không nằm trong danh sách ưu đãi của Pfizer và Merck.
Thuốc Molnupiravir trị COVID-19 của Merck. Ảnh: BLOOMBERG
Một số nước như Cuba, Libya, Iraq, Jamaica… được phép mua các loại thuốc phiên bản Molnupuravir (được sản xuất theo giấy phép của Merck) với giá rẻ nhưng chỉ có thể mua trực tiếp thuốc Paxlovid từ Pfizer và nhiều khả năng phải chịu mức giá cao hơn.
Ngược lại, một số nước như Ukraine, Jordan, Armenia… được Pfizer cho phép mua thuốc phiên bản giá rẻ nhưng không được hỗ trợ trong thỏa thuận của Merck với MPP.
Những chỉ trích về việc giới hạn đối tượng được ưu đãi giá thuốc
Việc chỉ một số quốc gia nhất định được hưởng lợi từ các thỏa thuận của Pfizer hay Merck đã vấp phải một số ý kiến chỉ trích.
Giáo sư luật Brook Baker thuộc ĐH Northeastern (Mỹ) lo ngại các thỏa thuận này sẽ khiến các nước không nằm trong danh sách ưu đãi không thể đáp ứng nhu cầu thuốc trị COVID-19, theo tờ The New York Times.
Trong số 10 nước có số ca tử vong COVID-19 cao nhất thế giới, chỉ có Iran và Indonesia được hưởng ưu đãi giá thuốc của Pfizer và Merck. Trong khi đó, năm nước Trung Quốc, Brazil, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Peru, với tổng dân số gần 1/4 toàn cầu, có thể gặp phải hạn chế về tài chính trong cuộc đua mua thuốc điều trị để kiểm soát đại dịch COVID-19.
Tổ chức nhân đạo Bác sĩ không biên giới (MSF) cũng cho rằng các điều khoản hạn chế như theo các thỏa thuận trên là chưa đủ.
TS Hu Yuanqiong (Hồ Nguyên Quỳnh) thuộc MSF hoan nghênh thỏa thuận nhưng tỏ ra thất vọng, cho rằng các giới hạn về đối tượng hưởng ưu đãi có thể kìm hãm việc sản xuất và cung cấp thuốc chữa COVID-19.
Bà Hồ còn lưu ý rằng việc loại bỏ Trung Quốc và Brazil ra khỏi danh sách đồng nghĩa với việc các hãng dược đã bỏ qua năng lực sản xuất quy mô lớn của các doanh nghiệp ở hai nước này.
Lý giải về cách lập danh sách các nước được ưu đãi giá thuốc, ông Paul Schaper - giám đốc chính sách công toàn cầu về dược phẩm của Merck - cho biết công ty đã xem xét “một loạt tiêu chí” và quyết định không hỗ trợ các nước được cho là “có khả năng tốt hơn trong việc hỗ trợ hệ thống y tế của mình và trong việc ứng phó với đại dịch”.