200 ngày đêm mà TP có một ngày tưởng niệm, một TP hào sảng, kiên cường và đầy kiêu hãnh đã phải mang dấu tích bi thương.
200 ngày qua, TP chúng ta đã ra sao? Có lẽ những ai có mặt ở TP suốt 200 ngày qua đã trải qua rất nhiều cảm xúc lẫn lộn từ chờ đợi, hy vọng, thất vọng và lại chờ đợi, hy vọng… Nhưng trên hết, chưa bao giờ ở TP.HCM có nhiều mất mát về người, suy sụp về tinh thần, tổn hại vật chất như vậy.
Chị Phạm Thị Xuân Trường (quận Tân Bình) không giấu nổi nước mắt trong buổi đại lễ cầu siêu do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM tổ chức. “Mẹ mất, dù bất ngờ và hụt hẫng nhưng tôi và mọi người buộc phải chấp nhận, tôi mong mẹ có thể được bình an. Ảnh: Nguyệt Nhi
Trong 200 ngày qua, TP.HCM có hơn 1.500 trẻ em mồ côi; 62 phụ nữ mang thai qua đời… Cả TP hơn 17.200 người tử vong vì COVID-19. Riêng Giáo xứ Bình An (quận 8) bỗng trở thành giáo xứ đau thương nhất khi chỉ trong một tháng (từ ngày 10-7 đến 10-8) đã có 41 tín hữu qua đời. Hàng loạt nhà hài cốt của các giáo xứ, chùa vẫn còn những tro cốt, bài vị người thân chưa kịp nhận…
200 ngày mọi dịch vụ đóng dần, từng khu phố phong tỏa, từng mái nhà giăng dây… Phố xá mấy mươi ngày vắng ngắt chỉ có tiếng còi xe cứu thương, tiếng loa kêu xét nghiệm toàn dân… Hàng ngàn khu trọ rã rời, hàng trăm ngàn người rời bỏ TP về quê nương náu...
TP chúng ta trải qua 200 ngày tang thương như thế bởi nhiều lý do... Sau khi TP gỡ giãn cách xã hội, bao nhiêu người chỉ mong gặp lại nhau để thấy nhau còn khỏe mạnh, bình an. Mỗi gia đình, mỗi mái nhà không mất người thân, bè bạn… trong suốt mùa hè qua đã là may mắn.
Hôm nay, người dân toàn TP tưởng niệm hơn 17.200 người, cả nước tưởng niệm hơn 23.200 người nằm xuống vì dịch bệnh; và cũng hôm nay sau 200 ngày, tất cả hoạt động giải trí chiếu phim, sân khấu, biểu diễn nghệ thuật, thư viện… sẽ mở cửa lại.
Chúng ta sẽ phải bước tiếp, sống tiếp; vết thương không muốn cũng phải đành gác lại dù đôi khi có những khoảng trống không thể bù đắp; như câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “mỗi vết thương lành một nỗi vui, mắt cười mênh mông giữa đôi bàn tay…”.
20 giờ 30 hôm nay sẽ là thời khắc mà bất cứ ai trên đất nước này cũng có thể tự nguyện thả lòng mình trong ít phút giây để nghĩ về đồng bào của mình, những người đã nằm xuống vì cơn đại dịch; cũng là giây phút để mỗi người chúng ta nghĩ về chính cuộc đời mình, để thêm yêu cuộc sống này hơn, yêu người hơn và sống tốt hơn…