Trần Phương Dung (đứng, thứ ba từ trái sang) trong chương trình trung thu tổ chức tại một mái ấm ở quận 8, TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG DUNG
"Từ lúc đó, mình đã nung nấu ước mơ được làm một dự án giúp giải quyết vấn đề bạo hành trẻ em", cô bạn 18 tuổi nói.
Kể từ khi được thành lập vào giữa năm 2020 đến nay, dự án đã thu hút hơn 100 người trẻ tham gia hỗ trợ giáo dục không chỉ cho các trẻ em mà còn tư vấn tâm lý, tháo gỡ khúc mắc cho các học sinh đang gặp phải vấn nạn bạo hành tại trường học.
Mình mong muốn thông điệp chống bạo hành được lan tỏa rộng hơn, tiếp cận được nhiều phụ huynh và bạn trẻ, hỗ trợ được nhiều hoàn cảnh khó khăn.
Trần Phương Dung
Khi người trẻ chung tay
Dự án do 5 bạn trẻ gồm Nguyễn Ngọc Minh Anh, Lý Thị Minh Anh, Đặng Linh Nhi, Phạm Linh Đan và Trần Phương Dung thực hiện. Trong đó, Linh Nhi đang là học sinh lớp 12, 4 bạn trẻ còn lại đều là tân sinh viên tại các trường đại học trong và ngoài nước.
"Suốt một năm rưỡi kể từ khi gặp cô bé 9 tuổi ấy, mình trở về và trau dồi bản thân để tìm hiểu cách vận hành một tổ chức phi lợi nhuận. Có ý tưởng, mình lập bản kế hoạch chi tiết với các mốc thời gian, sau đó chia sẻ lại với những người bạn của mình", Dung nhớ lại hành trình thành lập dự án.
Đồng cảm với câu chuyện mà Phương Dung chia sẻ, 4 bạn khác đã đồng ý tham gia thực hiện. Năm ấy, Phương Dung học lớp 11, còn Linh Nhi chỉ mới học lớp 10. Những học sinh cấp III ban ngày đi học, tranh thủ thời gian rảnh trao đổi ý tưởng, rồi phân chia nhau nhiệm vụ tùy theo thế mạnh của từng người như truyền thông, nhân sự, thiết kế...
Trong đó, Linh Nhi học tại Hà Nội, nên nhóm bạn cũng chủ động tổ chức các cuộc họp trực tuyến.
Khi dự án được thành hình, là lúc Dung và các bạn bắt đầu nghe nhiều hơn về những thực tế đầy xót xa trong cuộc sống. Dung kể có những đứa trẻ bị mẹ kế đánh đập, bắt nhịn ăn và làm việc liên tục, có trẻ mồ côi cha mẹ và bị bạn bè trong trường cô lập, bắt nạt.
Để nâng cao nhận thức của cộng đồng, trên Facebook của dự án, các bạn trẻ nỗ lực tìm dịch, đăng tải các thông tin xoay quanh việc chống lại nạn bạo hành trẻ em trích từ các nguồn báo chính thống, bài báo khoa học, hay từ các tổ chức uy tín như UNICEF.
Trong đó, có nhiều bài đăng chia sẻ kiến thức, cách xử lý khi đang trong tình trạng bị bạo hành, hay gợi ý hướng giải quyết sau khi phân tích các vấn đề xã hội.
Tháng 6 - 2020, một kênh confession ra đời, là nơi người trẻ giãi bày những tâm tư, cảm xúc tiêu cực, những nỗi niềm trong cuộc sống, đặc biệt là liên quan đến vấn nạn bạo hành. Từ đó, nhóm các bạn trẻ sẽ lắng nghe và đưa ra gợi ý các giải pháp để giúp vượt qua lo lắng và sợ hãi.
"Tụi mình nhận được thư từ một nữ sinh lớp 10 đang bị bắt nạt ở lớp học. Trong cuộc gọi đầu tiên, bạn ấy khóc rất nhiều và nói rằng suốt một học kỳ đã bị bạn bè tẩy chay, ném sách vở vào thùng rác, đổ nước vào tập...
Tất cả xuất phát từ một mâu thuẫn xảy ra trước đó" - Phương Dung, hiện là tân sinh viên ngành quản trị kinh doanh ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhớ lại.
Suốt hai tháng, nhóm dự án dành thời gian để lắng nghe, sau đó gợi ý nữ sinh trò chuyện với cha mẹ và nhà trường để tìm kiếm sự giúp đỡ, và cuối cùng gặt được "quả ngọt" là tiếng cười của cô nữ sinh sau ngần ấy thời gian sống trong chèn ép. Với mỗi điều tốt mà nhóm làm được cho người khác, Phương Dung không trông mong gì hơn là nhìn thấy niềm vui, nụ cười từ họ, bởi đó là minh chứng rõ nhất cho kết quả từ sự nỗ lực của nhóm.
Trưởng thành hơn từng ngày
Đến nay, The Angels’ Halos Organization có hơn 100 thành viên ở độ tuổi từ 16 - 21 tham gia. Trong đó, thành viên nhỏ tuổi nhất, cô bạn Nguyễn Hoàng Bảo Trân, chỉ mới 15 tuổi. Cùng với dự án, họ cũng trưởng thành từng ngày để trở nên hữu ích hơn trong hành trình giúp đỡ các bạn trẻ kém may mắn.
"Trong kỳ nghỉ hè, mình mong muốn được làm việc trong một dự án có nội dung và phương hướng hoạt động phù hợp để phát triển, hoàn thiện bản thân và tích lũy kinh nghiệm vào hồ sơ học tập sau này", Trân chia sẻ lý do tham gia dự án.
Trong quá trình hoạt động, Bảo Trân nói cô được trau dồi những kỹ năng mềm, kinh nghiệm hoạt động ngoại khóa, thao tác với công nghệ thông tin. Cô bạn cũng dành thời gian để bổ sung thêm các kiến thức về vấn nạn bạo hành trẻ em và quyền trẻ em. "Mình thấy bản thân thay đổi theo hướng tích cực hơn. Mình trưởng thành hơn so với mình của ngày hôm qua", cô nói.
Với Minh Anh, tân sinh viên Đại học Y Hà Nội, cô tự tìm hiểu các bài báo khoa học về bạo hành trên các tạp chí tâm lý học như Psychological Bulletin hay Journal of Applied Psychology, sau đó chia sẻ lại cho các thành viên trong nhóm.
Kết hợp với BlueBlue Hotline, một dự án tham vấn tâm lý cho người trẻ do các bạn trẻ ở Hà Nội thành lập, The Angels’ Halos Organization cũng nhận được sự hỗ trợ xử lý từ các chuyên viên tâm lý trong trường hợp đòi hỏi chuyên môn cao.
Còn với Phương Dung, cô nói bản thân cũng đã trải qua hành trình thay đổi. Khởi điểm là cô bé nhút nhát, ngại giao tiếp, Dung thử sức với công việc bán hàng online từ năm lớp 7 và dần trở nên mạnh dạn hơn.
Năm lớp 9, sau khi cật lực ôn tập nhưng trượt khỏi ngôi trường chuyên mơ ước, Dung nói cô học được sự vững vàng và khả năng tự động viên. "Mình tự nhủ cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng. Trước thất bại, dù buồn nhưng mình nghĩ phía trước còn là hành trình dài, nhất định phải tiếp tục cố gắng", cô chia sẻ.
Trong mùa dịch, dù trước kia thường xuyên gặp gỡ bạn bè, Phương Dung tự mình tìm niềm vui ở nhà qua việc nấu ăn, trau dồi thêm kiến thức để bổ trợ cho dự án. Cô cũng phối hợp với các tổ chức thiện nguyện khác để quyên góp thực phẩm, vật phẩm y tế hỗ trợ cho các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch và các bệnh nhân F0.
Dự án 11 ngày cùng BlueBlue Hotline
Đây là dự án hợp tác giữa hai nhóm bạn trẻ tại TP.HCM và Hà Nội nhằm hỗ trợ tham vấn tâm lý cho thanh thiếu niên trong mùa dịch. Khởi động từ tháng 7 đến nay, dự án đã hỗ trợ được hơn 60 người trẻ giải quyết các vấn đề cá nhân.
Theo lộ trình, nhóm sẽ tìm hiểu câu chuyện khó khăn mà người trẻ đang gặp, giúp họ tìm hiểu, khám phá bản thân, sau đó vận dụng những thế mạnh để vượt qua khó khăn. Trong trường hợp đặc biệt, người tham gia sẽ được kết nối với chuyên viên tâm lý. Dự án miễn phí này sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
TTO - "Chúng ta không quên rằng trên thế giới này cứ 7 phút qua đi thì có 1 trẻ em bị tước đi cuộc sống của mình vì bạo hành. Ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam, hàng năm có hàng nghìn vụ xâm hại nghiêm trọng đến trẻ em".
Xem thêm: mth.69004330222111202-me-ert-hnah-oab-nan-iul-yad-gnuc-ert-nab/nv.ertiout