(NLĐO) - Chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy khiến giá nguyện liệu sản xuất trên toàn cầu tăng mạnh, kéo theo lạm phát tại Mỹ và nhiều quốc gia ở châu Âu leo thang.
Do lo ngại về rủi ro về lạm phát nên các nhà đầu tư tài chính quốc tế đồng loạt hướng dòng tiền trú ẩn vào vàng, khiến giá kim loại quý này có những thời điểm bật tăng rất mạnh, lên mức cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, sau khi giá vàng thế giới lên tới 1.876 USD/ounce, giới đầu cơ đã nhanh tay bán tháo vàng thu về lợi nhuận. Thậm chí, một số khác còn mở vị thế bán khống chờ giá vàng đi xuống sẽ mua lại để "ăn" chênh lệch. Điều này lý giải vì sao giá vàng thế giới khi chạm mốc cao đã nhanh chóng "bốc hơi" tới 50 USD/ounce chỉ trong vài giờ giao dịch.
Tại Việt Nam, một số người cũng cho rằng lạm phát thế giới sẽ tác động không tốt đến lạm phát trong nước nên đã tăng nắm giữ vàng SJC để giảm thiểu thiệt hại nếu tiền mặt bị giảm giá.
Trước diễn biến này, các "đại gia" đang nắm giữ vàng 24K, đặc biệt là vàng SJC, càng hạn chế bán ra, trong khi doanh nghiệp vàng trong nước không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Kết quả, thị trường khan hiếm, cầu lớn hơn cung nên vàng SJC đang lình xình quanh mốc 59 triệu đồng/lượng bất ngờ được các doanh nghiệp đẩy lên trên 62 triệu đồng/lượng, tức tăng hơn 3 triệu đồng/lượng chỉ trong thời gian ngắn, thậm chí bỏ xa vàng thế giới tới 10-11 triệu đồng/lượng - mức chênh lệch chưa từng có từ trước đến nay.
Từ giữa tuần trước, khi giá vàng thế giới bắt đầu đảo chiều suy yếu, những người găm giữ vàng bắt đầu bán ra. Giá vàng SJC có lúc giảm hơn 1 triệu đồng/lượng.
Thế nhưng, vẫn có thời điểm giá vàng trong nước biến động ngược chiều với giá thế giới. Cụ thể ngày 23-11, do sức mua mạnh lên nên giới kinh doanh có đến 6 lần tăng giá với mức tăng tổng cộng 700.000 đồng/lượng, đẩy giá vàng SJC lên 60,15 triệu đồng dù trong ngày, giá vàng quốc tế suy yếu .
Đến đầu ngày 24-11, giá vàng thế giới tiếp tục giảm khá mạnh song giá vàng SJC vẫn giữ nguyên 60 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới 11,5 triệu đồng/lượng.
Lạm phát tại Mỹ lên tới 6,2% đã thúc đẩy giới đầu tư đưa vốn vào vàng. Giá kim loại quý này trên thế giới tăng 20 USD/ounce, cán mức 1.852 USD/ounce.
Giá vàng SJC tăng 250.000 đồng/lượng, giao dịch tại 59,65 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới tiếp tục nóng lên. Giá vàng SJC leo lên 60,2 triệu đồng/lượng
Giá vàng thế giới tăng không đáng kể nhưng giới kinh doanh vàng găm hàng để đẩy giá vàng trong nước lên 0,5 triệu đồng/lượng, cán mức 60,75 triệu đồng/lượng
Giá vàng thế giới bắt đầu suy yếu nhưng do trong nước có một số người cần mua nên giới kinh doanh tiếp tục găm giữ để tăng giá vàng SJC lên 62 triệu đồng/lượng.
Lạm phát tại các quốc gia sử dụng đồng tiền chung euro tăng cao. Giá vàng thế giới tăng 17 USD/ounce. Giá vàng SJC vọt lên 62,05 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới giảm nhẹ nhưng giá vàng trong nước "bay hơi" 1 triệu đồng/lượng, nguyên nhân là do sức mua yếu.
Giới đầu cơ quốc tế bán tháo vàng. Giá vàng thế giới giảm 40 USD/ounce. Giá vàng SJC cũng giảm 500.000 đồng/lượng nhưng sau đó bất ngờ đảo chiều tăng 700.000 đồng/lượng.
Giá vàng thế giới bị bán khống xuống còn 1.790 USD/ounce. Thế nhưng, giới kinh doanh vàng trong nước vẫn giữ giá vàng SJC ở mức 60 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân được cho là vào nhiều ngày trước, khi thị trường vàng trong và ngoài nước nóng lên, giới kinh doanh vàng đã mua vào tới 60-61 triệu đồng/lượng. Vì thế, họ "cố thủ" giá vàng SJC ở mức này, bất chấp giá vàng thế giới đang trên đà đi xuống.
Xem thêm: mth.8300013142111202-naol-noh-gnav-aig-enizagame/et-hnik/nv.moc.dln