Chiều 24-11, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử 36 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Theo cáo trạng, tháng 9-2018, giai đoạn 1 của tuyến cao tốc (gồm 65 km từ TP Đà Nẵng đến TP Tam Kỳ) đưa vào khai thác sử dụng. Đến tháng 10-2020, tức chỉ hai năm sau, đoạn đường xảy ra 380 điểm hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông. Sự việc gây bức xúc trong dư luận quần chúng, được phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, phản ánh liên tục.
Toàn cảnh phiên xét xử
Hư hỏng chỉ mang tính cục bộ?
Vụ án này, đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) được triệu tập với tư cách nguyên đơn dân sự. Có mặt tại tòa, đại diện VEC được HĐXX đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến chất lượng tuyến cao tốc cũng như thiệt hại mà vụ án gây ra.
Trước hội trường xét xử, đại diện VEC khẳng định với vai trò là chủ đầu tư, công ty đã có nhiều biện pháp, quy trình để đảm bảo an toàn, chất lượng cho dự án. VEC tuân thủ mọi quy định pháp luật, từ việc khảo sát dự án, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, đấu thầu…., ngay như nội bộ VEC cũng có có các quy định về giám sát, quản lý chất lượng.
Chủ tọa đặt câu hỏi “báo chí phản ánh và cơ quan giám định cũng kết luận chất lượng không đảm bảo, ông ý kiến sao?”.
Đại diện VEC nói tôn trọng kết luận của cơ quan giám định cũng như cơ quan tố tụng, đồng thời thừa nhận dự án có các điểm không đảm bảo theo hợp đồng và quy định pháp luật, có sai sót và gây thiệt hại. Tuy nhiên, vị này cho rằng những thiệt hại đó chỉ mang tính chất cục bộ, xuất hiện trên một số điểm của tuyến cao tốc chứ không phải toàn bộ tuyến đều bị hư hại.
Theo lời đại diện, khi dự án đưa vào khai thác tạm, tuyến cao tốc đã góp phần giảm ách tắc cho tuyến quốc lộ 1A cũ và góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của khu vực miền Trung, thực tế đã thu phí được khoảng 1.400 tỉ đồng.
Tiếp đó, đại diện VEC cho rằng cần xem xét thiệt hại vụ án một cách phù hợp hơn, nhưng bị chủ tọa ngắt lời “có xảy ra rất nhiều điểm hỏng như kết luận điều tra và cáo trạng nêu hay không?”. Vị đại diện không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, một lần nữa nói tôn trọng kết luận của các cơ quan điều tra, dù vậy vẫn mong HĐXX xem xét lại về phương pháp và cách thức giám định.
Nhóm bị cáo trong vụ án
“Tiền của nhà nước chứ không phải cá nhân nào”
Chủ tọa đặt vấn đề trong quá trình giám định, cơ quan giám định có phối hợp với VEC để lấy mẫu giám định hay không? Đáp lại, đại diện VEC xin phép về trao đổi lại với cấp thẩm quyền của VEC để chắc chắn rằng VEC có cử cán bộ tham gia hay không.
Nghe vậy, chủ tọa đề nghị người đại diện cần chuẩn bị thông tin đầy đủ, khi ra tòa HĐXX hỏi thì mới trả lời được, “có những thông tin hỏi nhưng đều không biết”.
HĐXX hỏi đại diện VEC về thiệt hại của vụ án. Vị này đề nghị nhà thầu thực hiện các gói thầu 1, 3B, 4, 5, 7 nếu có lỗi, gây thiệt hại cho chủ đầu tư thì xem xét trách nhiệm theo quy định pháp luật.
Về con số thiệt hại 811 tỉ đồng mà cáo trạng đề cập, đại diện VEC lần thứ ba nói tôn trọng các cơ quan tố tụng, tuy nhiên lại cho rằng con số này “chưa phù hợp”.
Đến đây, HĐXX tiếp tục ngắt lời, nhấn mạnh đại diện VEC đi thẳng vào nội dung yêu cầu ai bồi thường, bồi thường bao nhiêu, nếu yêu cầu bồi thường nhưng lại cho rằng con số thiệt hại là không chính xác thì không có căn cứ để xem xét.
“Trong phiên tòa hôm nay, nếu chưa có con số cụ thể thì ông có thể đề nghị HĐXX cho thời gian đến ngày mai sẽ xuất trình chẳng hạn, chứ không nên phát biểu thiếu tính logic như vậy” – chủ tọa nói.
Vị đại diện trình bày thêm, rằng VEC và các đơn vị liên quan đã thử tiến hành xác định thiệt hại, tuy nhiên công việc này vô cùng khó nên chưa thể đưa ra con số cụ thể, sẽ về xin ý kiến người có thẩm quyền tại VEC.
Vẫn theo lời chủ toạ, thiệt hại là giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng nhưng đã được chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nghiệm thu, tức hơn 811 tỉ đồng. Tất cả tài liệu để xác định thiệt hại đều do VEC cung cấp và được lưu giữ tại VEC. Nếu cho rằng con số này chưa chính xác thì phải giải trình và làm rõ, yêu cầu ai bồi thường bao nhiêu cũng phải đề cập rõ, chứ vừa yêu cầu bồi thường vừa không biết đó là bao nhiêu là không làm hết trách nhiệm.
“Đây là tiền của nhà nước bỏ ra đầu tư dự án, chứ không của cá nhân nào cả, người nào có trách nhiệm quản lý tài sản nhà nước thì phải có trách nhiệm về vấn đề này” – chủ tọa nghiêm nghị.