Matt Comyn - CEO Commonwealth Bank of Australia - ngân hàng lớn nhất Australia nhận định tiền số là "tài sản rất dễ bốc hơi và mang tính đầu cơ". Tuy nhiên, các ngân hàng không nên bỏ qua việc phát triển dịch vụ hỗ trợ tiền số trước nhu cầu ngày một tăng của khách hàng.
"Đúng là có rủi ro khi tham gia vào thị trường, nhưng chúng tôi thấy rủi ro còn lớn hơn nếu cứ đứng ngoài", Comyn cho biết trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg.
Ngân hàng lớn nhất Australia đã nắm một ít cổ phần sàn giao dịch tiền số Gemini Trust. Sàn giao dịch này được thành lập bởi hai anh em Tyler và Cameron Winkelvoss, đang được định giá ở mức 7 tỷ USD. Ngân hàng này cũng đang hợp tác với Gemini để cung cấp dịch vụ lưu trữ an toàn cho token của khách hàng Gemini.
Hiện tại, vẫn có nhiều lo ngại về nguy cơ tiềm ẩn khi giới chức toàn cầu vật lộn với việc đề ra quy tắc và khuôn khổ pháp lý cho tiền số. Tuy nhiên, các nhà băng lớn như JPMorgan Chase (Mỹ) và DBS (Singapore) là hai trong các hãng đang săn lùng tài năng trong mảng này, Comyn nói thêm.
"Tiền mã hóa biến động quá mạnh và có tính đầu cơ, nhưng chúng tôi không nghĩ rằng lĩnh vực này cũng như công nghệ Blockchain sẽ sớm biến mất. Vì thế chúng tôi muốn hiểu nó và cung cấp dịch vụ cho khách hàng", Comyn nói.
Tại Mỹ, cơ quan quản lý ngân hàng cũng đã thông báo về kế hoạch quản lý tiền số, bao gồm các đầu mục công việc và ưu tiên của họ trong năm tới. Họ cũng thông báo chính sách mới yêu cầu các ngân hàng phải xin phép trước khi cung cấp các sản phẩm liên quan tới tiền kỹ thuật số.
Văn phòng Giám sát tiền tệ Mỹ cho biết các ngân hàng phải đăng ký với cơ quan quản lý trước khi cung cấp dịch vụ tiền kỹ thuật số. Trong năm tới, các nhà hoạch định chính sách sẽ làm rõ hơn về khung pháp lý, liệu các dịch vụ về tiền mã hóa mà nhà băng dự định cung cấp có hợp pháp hay không.
Quỳnh Trang (theo Bloomberg)