Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả chế biến 9 tháng của năm 2021 đạt 653,5 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020 trong khi tăng trưởng xuất khẩu rau quả thời gian trên là 10,4%. Các thị trường xuất khẩu chính của rau quả chế biến Việt Nam gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Úc… đều có mức tăng trưởng 2 con số.
Chuyển dịch thành công
Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại - Bộ Công Thương, giữa bối cảnh xuất khẩu rau quả tươi sang Trung Quốc gặp khó khăn, doanh nghiệp (DN) đã chuyển dịch thành công sang sản phẩm rau quả chế biến với mức tăng trưởng ấn tượng 24,8% trong 9 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food), cho biết ông vừa có chuyến công tác tại tỉnh Đắk Lắk để chuẩn bị xây dựng nhà máy cấp đông củ quả có tổng vốn đầu tư 100 tỉ đồng, dự kiến khởi công đầu năm 2022. "Tại đây có vùng nguyên liệu rất tốt như: bơ, xoài, sầu riêng, khoai lang… Người tiêu dùng thế giới có nhu cầu cao về những sản phẩm này. Ở nước ngoài, người ta đông lạnh các loại củ quả này rồi bán trực tiếp cho người tiêu dùng" - ông Thứ giải thích lý do đổ vốn để đầu tư nhà máy mới.
Bên trong nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược của Tập đoàn TH tại Sơn La. Ảnh: MẠC HÓA
Từ đầu năm đến nay, dù đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu của GC Food vẫn tăng trưởng cả về sản lượng lẫn giá trị với 2 sản phẩm chủ lực là: thạch dừa và nha đam. "Doanh thu tính đến tháng 11 của công ty đã đạt 200 tỉ đồng, tăng hơn 50% so với cả năm ngoái. Từ đầu năm 2020, dự báo thị trường tốt nên chúng tôi đã đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu nha đam trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP và nâng cấp nhà máy để tăng sản lượng. Nhu cầu thị cao từ trường nhập khẩu như Nhật Bản, Hàn Quốc… cộng với ưu đãi về thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do đã giúp DN đạt kết quả trên" - ông Thứ nói.
Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên, cho hay sau nhiều năm phát triển thị trường nội địa, năm nay, lần đầu tiên DN tham gia xuất khẩu. "Sản phẩm chính là sầu riêng, xoài, bơ, gừng, khoai lang, khoai môn… cấp đông cho các thị trường Nhật Bản, Nga, Thái Lan. Tương lai chúng tôi sẽ xây dựng nhà máy chế biến để phát huy được lợi thế của vùng nguyên liệu trái cây, củ quả dồi dào và chất lượng ở Tây Nguyên" - bà Hương chia sẻ.
Xu hướng lâu dài
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhìn nhận sự tăng trưởng của sản phẩm chế biến là xu hướng, không chỉ là tác động tạm thời do dịch bệnh. "Xuất khẩu rau quả tươi có tăng, có giảm nhưng rau quả chế biến tăng trưởng dương liên tục. Năm 2019, tỉ trọng hàng chế biến chỉ chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu thì nay đã đạt 24%-25% và sẽ tiếp tục tăng.
Trước khi có dịch Covid-19, các nhà máy chế biến rau quả của Việt Nam chỉ hoạt động khoảng 50% công suất nên nay nhu cầu tăng thì dễ dàng tăng sản lượng. Hơn nữa, xuất khẩu hàng tươi khó khăn cũng giúp các nhà máy dễ mua nguyên liệu hơn trước. Trong vài năm tới, ngành logistics toàn cầu vẫn chưa khôi phục, hàng chế biến có ưu thế về thời gian bảo quản và người tiêu dùng cũng quen với sản phẩm chế biến, dễ tích trữ nên ngành này sẽ còn tiếp tục phát triển" - ông Nguyên dự báo.
Là DN khởi nghiệp với sản phẩm tiêu biểu là bột rau má uống liền, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt bị sụt giảm sản lượng xuất khẩu trong năm nay nhưng thị trường nội địa tăng đến 30%. Bà Nguyễn Ngọc Hương, giám đốc DN này, cho hay xu hướng tiêu dùng đang thay đổi, người tiêu dùng ưu tiên chọn sản phẩm tiện lợi và tốt cho sức khỏe.
"Trước đây, nhiều người vẫn nói Việt Nam có nhiều rau tươi vì rất dễ để xay sinh tố uống nên không ai nghĩ phải mua bột rau má để pha. Nhưng thực tế, người tiêu dùng ngày càng bận rộn, hơn nữa, mua rau chợ lại sợ bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật nên người tiêu dùng đang có xu hướng chọn sản phẩm được kiểm soát chặt từ khâu trồng đến chế biến đủ chuẩn xuất khẩu sang châu Âu như sản phẩm của chúng tôi" - bà Hương lý giải.
Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại - Bộ Công Thương đánh giá khi phát triển theo hướng chế biến, rau quả Việt Nam có thể kiểm soát được giá thành, nâng giá trị hàng hóa gấp 3 - 4 lần so với giá rau quả tươi. Việc đưa trái cây, rau củ vào chế biến sâu giúp tăng thời gian bảo quản, ngành nông nghiệp thoát được tình trạng dư cung. Dự báo trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022, rau quả chế biến vẫn sẽ là ngành có tiềm năng tăng trưởng bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu.
Đầu tư dài hạn
Từ trải nghiệm của DN, ông Nguyễn Văn Thứ cho hay chỉ có chế biến mới giúp nâng cao được giá trị cho nông sản. "Nước dừa khô nông dân chỉ bán được 5.000 đồng/kg nhưng thạch dừa có giá 25.000 đồng, đó là giá trị từ công chế biến qua 20 công đoạn. Hơn nữa, thực phẩm chế biến cần phải đầu tư nghiên cứu thị trường để sản phẩm không chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm mà phải ngon, hợp khẩu vị người dùng" - ông Thứ phân tích.
Còn ông Đặng Phúc Nguyên thì nêu thực trạng của ngành rau quả chế biến thời gian qua chủ yếu vẫn xuất khẩu ở dạng nguyên liệu, giá trị gia tăng chưa cao. "Lý do là DN Việt Nam phát triển sau nên đa phần gia công cho các tập đoàn trên thế giới, chưa phát triển được thương hiệu riêng. Tin vui là gần đây có nhiều DN lớn đổ vốn hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng nhà máy chế biến rau quả và sắp đưa vào khai thác. Điều này sẽ giúp tiêu thụ nguyên liệu cho nông dân ổn định, giảm lượng bán tươi và dần xây dựng thương hiệu riêng cho rau quả chế biến Việt Nam" - ông Nguyên bày tỏ.
Xem thêm: mth.59981650252111202-neib-ehc-auq-uar-hnagn-gnas-meid/et-hnik/nv.moc.dln