Chính phủ vừa trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025). Đáng chú ý, Chính phủ đề nghị Quốc hội giao Chính phủ quyết định việc để UBND các tỉnh, thành làm chủ đầu tư các dự án thành phần của cao tốc này. Đây được xem là đề xuất mới nhất của Chính phủ từ trước đến nay đối với các dự án quan trọng quốc gia, sử dụng vốn nhà nước.
Từ chính sách thí điểm…
Chủ trương giao các tỉnh làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng đường bộ cao tốc được Chính phủ triển khai từ năm 2018, với các dự án đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên được Chính phủ cho phép thí điểm làm chủ đầu tư đường bộ cao tốc. Tính đến nay, tỉnh này đầu tư thành công ba dự án gồm: Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (59,6 km), Vân Đồn - Móng Cái (80,2 km), cầu Bạch Đằng và đường dẫn (5,4 km).
Theo tỉnh Quảng Ninh, để làm được các dự án trên, trong quá trình thực hiện địa phương phải linh hoạt đề xuất các cơ chế chính sách. Chẳng hạn như dùng ngân sách địa phương để đầu tư các đoạn, tuyến cùng với nhà đầu tư nhằm đảm bảo khả năng thu hồi vốn cho doanh nghiệp.
Cạnh đó, Bộ GTVT và địa phương thành lập Ban chỉ đạo thực hiện dự án, sau đó giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn của bộ thực hiện công tác giám sát chất lượng, tiến độ thi công công trình.
Với thành công trên, Bộ GTVT cho biết đến nay Thủ tướng đã giao thêm cho Lạng Sơn làm chủ đầu tư hai tuyến đường cao tốc dài 115 km, tổng vốn đầu tư khoảng 19.500 tỉ đồng; Tiền Giang đầu tư một tuyến dài 51 km, tổng vốn đầu tư khoảng 12.700 tỉ đồng.
Tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn do tỉnh làm chủ đầu tư. Ảnh: V.LONG
Theo đánh giá của Bộ GTVT, việc giao cho các tỉnh làm chủ đầu tư dự án có ưu điểm đó là gắn liền trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy triển khai hoàn thành dự án. Địa phương sẽ chủ động hơn trong việc gắn kết với các quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chia sẻ gánh nặng với ngân sách trung ương.
Cạnh đó, địa phương cũng chủ động hơn trong việc đưa ra chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư về bất động sản, dịch vụ; kết nối các mạng lưới giao thông phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương.
Ngoài ra, địa phương làm chủ đầu tư sẽ quyết liệt hơn trong công tác thu hồi đất và tái định cư, quản lý và kiểm soát tốt nguồn vật liệu cho dự án... Đây được xem là các nút thắt lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ các dự án thời gian qua.
Cần hết sức cẩn trọng
Về mặt hạn chế, Bộ GTVT cho rằng các tỉnh chưa có kinh nghiệm trong việc đầu tư công trình có quy mô lớn, phức tạp. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ về thi công, đầu tư, quản lý dự án còn hạn chế.
Ngoài ra, một số địa phương gặp khó về ngân sách, không thể cân đối vốn để bố trí cho các dự án đường bộ cao tốc, nhằm đảm bảo việc thu hồi vốn cho nhà đầu tư.
PGS-TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cũng cho rằng thời gian qua Chính phủ giao cho các địa phương làm chủ đầu tư các dự án PPP là phù hợp, vì vẫn có DN dự án (nhà đầu tư) trực tiếp quản lý, triển khai.
Ông Chủng cho rằng địa phương làm chủ đầu tư dự án 100% vốn nhà nước thì không ổn. Vì đường bộ cao tốc Bắc - Nam là dự án quan trọng quốc gia, đòi hỏi kinh nghiệm, kiến thức, năng lực tổ chức và quản trị phải tốt. Đặc biệt, đường cao tốc đòi hỏi kỹ thuật kiểm soát ngặt nghèo từ thiết kế đến thi công... nên phải có sự quản lý thống nhất trên toàn quốc, với một ban quản lý dự án chuyên nghiệp.
“Chúng ta không thể giao về các tỉnh, rồi mỗi nơi thành lập một ban quản lý dự án triển khai đầu tư. Cao tốc là loại đường đặc biệt, không thể mỗi tỉnh làm một kiểu được…” - ông Chủng nói.
Ông Chủng nhìn nhận giao dự án cao tốc cho địa phương sẽ giúp chủ động về giải phóng mặt bằng, nguồn nguyên vật liệu. Tuy nhiên, chất lượng công trình phụ thuộc vào năng lực quản lý của mỗi tỉnh. Trường hợp địa phương không có năng lực, lại phải đi thuê ban quản lý dự án, như vậy rất bất cập.
PSG-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng mong muốn của Chính phủ trong việc giao cho các địa phương làm chủ đầu tư là để các tỉnh cùng “xắn tay” vào. Từ đó, giúp giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ.
“Tuy nhiên, tôi lo lắng nhất là hiện nay nhiều địa phương chưa có kinh nghiệm để làm dự án trọng điểm quốc gia. Nếu không đảm bảo chất lượng sẽ rất nguy hiểm cho việc vận hành, khai thác sau này… Do đó, Chính phủ cần thận trọng khi giao địa phương làm chủ đầu tư dự án” - ông Long góp ý.
Giao cho địa phương quản lý có cần sửa luật? Một chuyên gia giao thông cho biết theo quy định của pháp luật hiện hành, Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai các dự án đường bộ cao tốc. Trường hợp Bộ GTVT không đủ năng lực triển khai mới giao lại cho các tỉnh đủ năng lực. Hơn nữa theo Luật Giao thông đường bộ, hệ thống quốc lộ do Bộ GTVT tổ chức, quản lý bảo trì; hệ thống tỉnh lộ do các địa phương quản lý và bảo trì. Nếu Chính phủ muốn giao thẳng về địa phương triển khai thì tới đây có cần sửa luật không? Vì chính sách này mới đề cập đến nhiệm vụ đầu tư, chưa đề cập đến trách nhiệm tổ chức nào sẽ thực hiện quản lý, bảo trì sau khi dự án hoàn thành. |