Ông Tiến ở Tiền Giang cho biết, năm nay, gia đình ông chỉ canh tác được 300 trái bưởi hồ lô để cung cấp cho thị trường Tết (mấy năm trước sản xuất hàng nghìn trái) do thời tiết thiếu thuận lợi khiến số lượng trái đậu và đạt chuẩn thấp.
Theo ông Tiến, nguồn cung thấp nhưng sức mua cũng rất yếu. Nếu mọi năm, đầu tháng 10 đã có lượng đơn đặt hàng từ thương lái, cửa hàng với số lượng lớn, nay vẫn chưa có khách mua.
Tương tự, ông Quốc Huy ở Trà Vinh cho hay năm nay, vườn bưởi nhà ông (quy mô thu hoạch 10 tấn mọi năm) chất lượng trái không đồng đều nên khó tạo hình số lượng lớn.
"Đợt này tôi chỉ sản xuất được hơn trăm trái bưởi hồ lô để bán cho khách hàng thân thiết vì đầu ra khó khăn", ông nói.
Theo ông Huy, tháng 5-8 là thời điểm bưởi trổ bông nhưng lúc đó mưa kéo dài khiến cây đậu quả thấp. Do đó, mùa vụ năm nay sản lượng trái cây tạo hình bán ra thị trường thấp kỷ lục.
Là "cha đẻ" của loại trái cây tạo hình, ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sản xuất bưởi hồ lô nhà vườn Phú Hữu Thành (huyện Châu Thành, Hậu Giang), cho biết trải qua 3 năm ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các hộ sản xuất mặt hàng này gặp khó khăn. Nhiều hộ không đủ chi phí canh tác do giá bưởi xuống thấp nên đã chuyển sang những cây trồng khác, số còn lại năm nay cũng chỉ sản xuất 200-300 trái bưởi tạo hình vì đầu ra không còn tốt như trước đây.
"Đây sẽ là năm mà sản lượng bưởi tạo hình cung cấp ra thị trường thấp nhất từ trước đến nay, bằng một phần mười so với mọi năm", ông Thành nói.
Theo ông Thành, có ba nguyên nhân khiến trái cây tạo hình ngày càng ít được sản xuất. Thứ nhất người tiêu dùng không còn mặn mà như trước nên đầu ra khó khăn. Thứ hai là do giá bưởi nhiều năm qua giảm mạnh, nhiều nhà vườn thua lỗ chuyển sang canh tác loại trái cây khác. Cuối cùng là thời tiết thiếu thuận lợi, trong khi đó chi phí cho trái cây tạo hình rất tốn kém mà tỷ lệ đạt không cao nên nhiều hộ không dám xử lý trái với số lượng lớn.
"Trái cây tạo hình tỷ lệ thành công thấp, nếu không có kỹ thuật, người làm rất dễ thua lỗ do chi phí đắt đỏ", ông Thành nói.
Bưởi hồ lô, thỏi vàng có mặt trên thị trường từ năm 2012. Đây là sản phẩm đầu tiên được ông Võ Trung Thành (ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) nghiên cứu và phát triển.
Nhờ cách sáng tạo độc đáo của ông Thành, giá bán sản phẩm trái bưởi năm roi ở Châu Thành A (Hậu Giang) tăng lên hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Nếu như trước đây, mỗi trái bưởi chưng Tết bán được khoảng 50.000-120.000 đồng, sau khi tạo hình thành bưởi hồ lô có giá lên đến hàng triệu đồng. Dần dần sản phẩm được nhân rộng không chỉ ở Hậu Giang mà khắp các tỉnh miền Tây.
Có năm, số lượng cung ứng ra thị trường 10.000-20.000 trái và đều cháy hàng từ sớm. Tuy nhiên, năm nay đến thời điểm này nhiều nhà vườn cho biết vẫn chưa có đơn đặt hàng.
Hồng Châu