vĐồng tin tức tài chính 365

Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 4: Trồng rừng đước bán carbon kiếm tiền

2022-11-06 11:47
Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 4: Trồng rừng đước bán carbon kiếm tiền - Ảnh 1.

TS James Kairo trong rừng ngập mặn đang cho người dân nhiều lợi ích bền vững - Ảnh: Infonile.org

Tiền bán tín chỉ carbon được đầu tư cho các dự án phát triển về giáo dục, y tế, môi trường, vệ sinh, nước...

TS JAMES KAIRO

Dự án tiên phong của một tiến sĩ

Chị Mwanasha Abdalla (42 tuổi) bán cá mòi ở làng Vanga tọa lạc trên vịnh Vanga (hạt Kwale thuộc miền nam Kenya). Quá trình chế biến cá mòi đòi hỏi nấu nướng nhiều vì phải hấp cá ở nhiệt độ cao. Chị mua của dân địa phương mỗi lần một ghe củi đước giá 1.000 shilling (khoảng 10 USD) đủ dùng hai tuần. 

Đến khi tham gia nhóm Rừng xanh Vanga, chị mới nhận thức được tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn nên không dùng củi đước nữa mà chuyển sang dùng các loại cây trên cạn như cây phi lao làm củi đun nấu.

Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 4: Trồng rừng đước bán carbon kiếm tiền - Ảnh 3.

Nhóm Rừng xanh Vanga giám sát rừng ngập mặn trên đảo Sii Ảnh: earthjournalism.net

Luật lâm nghiệp năm 2005 của Kenya quy định các cộng đồng cư trú cạnh rừng được phép đồng quản lý rừng và thành lập các nhóm người để sử dụng rừng phục vụ cho các hoạt động kinh tế - xã hội không đi ngược với lợi ích bảo tồn. 

Thỏa thuận đồng quản lý rừng được ký kết với Cơ quan Lâm nghiệp Kenya (KFS). Căn cứ luật này, nhóm Rừng xanh Vanga ra đời với sự hỗ trợ kỹ thuật của Viện Nghiên cứu biển và thủy sản Kenya (KMFRI). Chị bán cá mòi Abdalla hiện nay là trợ lý của nhóm.

Nhóm Rừng xanh Vanga quản lý 460ha rừng ngập mặn đặc biệt được dùng để bán tín chỉ carbon. Tạp chí Science Africa (Kenya) giải thích một tín chỉ carbon cho phép phát thải một tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khối lượng các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác tương đương. 

Các quốc gia hoặc doanh nghiệp phát thải carbon được phép mua tín chỉ carbon từ các dự án loại bỏ hoặc giảm thiểu CO2 hoặc các loại khí khác gây hiệu ứng nhà kính để bù đắp cho lượng khí thải của họ.

Ý tưởng bảo tồn rừng ngập mặn để bán tín chỉ carbon xuất phát từ TS James Kairo - giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu biển và thủy sản Kenya. Năm 2013, ông xây dựng dự án mang tên Mikoko Pamoja, nghĩa là "Cùng nhau vì rừng ngập mặn" ở vịnh Gazi (hạt Kwale) cách Vanga khoảng 60km.

Ông khẳng định đây là dịch vụ chi trả hệ sinh thái rừng ngập mặn (PES) đầu tiên trên thế giới, nhờ đó các cộng đồng địa phương quản lý rừng được hưởng lợi từ công sức bảo tồn rừng. 

Theo mô hình PES, người bán phải duy trì hoặc cải thiện các cấu trúc và chức năng sinh thái chuyên biệt của rừng ngập mặn và phải chịu trách nhiệm trước các thanh tra viên độc lập nếu người mua yêu cầu. Người mua có thể là cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức hoặc chính phủ.

Dự án Mikoko Pamoja quản lý hơn 117ha rừng có thể bán khoảng 3.000 tấn tín chỉ carbon mỗi năm trong suốt 20 năm. 

Khuôn khổ dự án bao gồm trồng lại rừng ở các khu vực rừng bị suy thoái, ngăn chặn nạn phá rừng, giáo dục và nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho người dân địa phương đồng thời thường xuyên giám sát rừng. 

Nhóm phụ trách dự án gồm 13 thành viên được bầu mỗi hai năm đại diện cho hai làng Gazi và Makongeni (với dân số tổng cộng 7.000 dân).

Với giá mỗi tấn carbon từ 10-20 USD tùy khối lượng mua, cộng đồng thu được từ 20.000-30.000 USD mỗi năm. Giá cả bán carbon lên hay xuống tùy thuộc tín chỉ carbon được giao dịch trên thị trường và quy luật cung-cầu. 

Ông Abdillahi Mohamed Changu, chủ nhiệm dự án Mikoko Pamoja, dự kiến trong năm 2022 sẽ thu vào 3 triệu shilling (24.600 USD), trong đó 2,2 triệu shilling (18.000 USD) sẽ trang trải các chi phí giáo dục, nước, y tế, bảo vệ môi trường và các nhu cầu xã hội.

Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 4: Trồng rừng đước bán carbon kiếm tiền - Ảnh 4.

Trồng cây đước trong dự án Mikoko Pamoja ở vịnh Gazi - Ảnh: Facebook

Bán tín chỉ carbon thu được 52.000 USD

Dự án Mikoko Pamoja thành công, Viện Nghiên cứu biển và thủy sản Kenya đã nhận được nguồn tài trợ từ quỹ Leonardo DiCaprio (khoảng 50.000 USD) để mở rộng dự án từ vịnh Gazi sang làng Vanga vào năm 2019. 

Chị Mwanarusi Mwafrica - điều phối viên dự án của nhóm Rừng xanh Vanga - cho biết dự án ở làng Vanga có thể bù đắp khoảng 5.023 tấn carbon mỗi năm (tương đương khí thải của khoảng 1.091 xe ô tô lưu thông trên đường mỗi năm). Trong năm 2020/2021, dự án đã bán được 6 triệu shilling (52.000 USD).

Chị Mwafrica cho biết: "Mục đích chính của dự án là bảo tồn rừng ngập mặn gồm ngăn chặn phá rừng và suy thoái rừng. Chúng tôi đã làm được điều này bằng cách truyền bá nhận thức về tầm quan trọng của rừng ngập mặn. 

Trước đây mọi người chủ yếu chỉ biết đến lợi ích trực tiếp của rừng như lấy củi đun nấu và gỗ xây dựng. Chúng tôi đã nói với họ nhiều lợi ích khác như bảo vệ bờ biển và hấp thụ khí carbon".

Nhóm Rừng xanh Vanga còn làm nhiều việc khác như trồng các loại cây phát triển nhanh như cây phi lao trong trường học để 5-6 năm nữa bán cây với giá rẻ cho dân nhằm giảm phá rừng, cải tạo 5ha đất rừng ngập mặn bị thoái hóa do trước đây được chuyển đổi thành ruộng muối, khai hoang đất trồng cây và ươm cây con của nhiều loài cây ngập mặn, theo dõi đa dạng sinh học bao gồm cua và động vật thân mềm để biết khu vực có tái sinh hay không. Để ngăn chặn phá rừng, dự án sử dụng hai nhân viên tuần tra làm việc hằng ngày.

Cư dân ở Gazi và Vanga rất mừng vì dự án bán tín chỉ carbon đã mang đến nhiều nguồn lợi cho họ. Tiền bán tín chỉ carbon được đầu tư trở lại cho cộng đồng. 

Tại Gazi, dự án đã mua sách giáo khoa cấp cho học sinh và xây các trạm bơm nước để người dân thuận tiện lấy nước thay vì xuống sông, suối. Tại Vanga, dự án đã chi tiền mua thiết bị thí nghiệm của trường trung học, mua bàn ghế và tủ đựng thuốc cho trạm y tế.

Nhà nghiên cứu Anthony Mbatha ở Viện Nghiên cứu biển và thủy sản Kenya giải thích rừng ngập mặn hấp thụ carbon từ khí quyển và chuyển thành chất hữu cơ hoặc sinh khối thông qua quá trình quang hợp, sau đó lưu trữ lượng carbon khổng lồ trong rễ, cành, thân, thảm mục và phù sa trong đất. Ước tính rừng ngập mặn có thể thu giữ carbon từ 5-10 lần cao hơn rừng trên cạn.

TS Kairo kết luận: "Giá trị của rừng ngập mặn cao hơn những gì đã biết. Tín chỉ carbon là động lực để bảo vệ rừng. Điều quan trọng nhất đối với hệ sinh thái như vậy là hỗ trợ nghề cá, hỗ trợ bờ biển, giá trị thẩm mỹ và lợi ích văn hóa". 

Các dự án tương tự Mikoko Pamoja đang được nhân rộng ở nhiều nước như Tanzania, Mozambique và Madagascar.

Nhóm Rừng xanh Vanga quản lý 460ha rừng, trong đó khoanh vùng 15 ô đất cố định ở Kiwegu và đảo Sii để giám sát thường xuyên nhằm tính toán lượng carbon ba lần mỗi năm. Viện Nghiên cứu biển và thủy sản Kenya giúp nhóm tính toán lượng carbon. Báo cáo lượng carbon hằng năm được trình bày cho tổ chức chứng nhận carbon Plan Vivo.

Nếu rừng được bảo tồn tốt, Plan Vivo cấp xác nhận bán carbon ra thị trường. Sau đó, tổ chức từ thiện Hiệp hội Dịch vụ hệ sinh thái ven biển (ACES) ở Scotland, điều phối viên chính của dự án, sẽ tìm người mua để bán tín chỉ carbon.

Trước sức mạnh hung hãn của biển, bước lùi chiến lược ra đời ở châu Âu với chủ trương không chống sạt lở nữa mà hoàn trả nguyên trạng bờ biển như Anh và Pháp đã làm.

Kỳ tới: Thủy thần quá mạnh, lùi về phòng thủ

Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 3: Rừng ngập mặn đương đầu bão tố và sóng thầnChiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 3: Rừng ngập mặn đương đầu bão tố và sóng thần

TTO - Khoảng 40% dân số thế giới sống ven biển và có nguy cơ bị bão tố, sóng thần tấn công. Một vũ khí hữu ích để chống đỡ bão tố và sóng thần chính là rừng ngập mặn.


Xem thêm: mth.10942142250112202-neit-meik-nobrac-nab-coud-gnur-gnort-4-yk-cus-od-yah-gnuhc-gnos-naht-yuht-iov-uad-neihc/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 4: Trồng rừng đước bán carbon kiếm tiền”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools