Xuất khẩu gạo gặp khó
Hội thảo "Hoàn thiện chính sách và thể chế phát triển thị trường nông sản Việt Nam" được tổ chức ngày 9/11 với mục đích cập nhật thực trạng và các rào cản về thể chế, chính sách trong phát triển của thị trường nông sản Việt Nam.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Thanh Nghị - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ An Đình nhấn mạnh, hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc và khó khăn.
Trong đó, phải kể đến là mô hình sản xuất chủ yếu theo hướng tự cung tự cấp, nông dân làm theo hướng tự phát dẫn đến khó khăn trong kiểm soát bệnh cây trồng, sử dụng phân bón và thuốc hóa học bừa bãi, không có kiểm soát.
Bên cạnh đó, đơn vị sản xuất còn gặp khó khăn trong hàng loạt vấn đề liên quan đến mất mùa được giá, không thúc đẩy sản xuất phát triển; nông dân chán ruộng và bỏ ruộng. Hoạt động sản xuất diễn ra manh mún trên quy mô nhỏ lẻ, khó kiểm soát trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến khó đảm bảo chất lượng đầu ra theo cam kết.
Chính vì điều này, chất lượng và giá gạo Việt Nam được đánh giá chưa cao trên thị trường quốc tế. Hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn lỏng lẻo, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với hiệp hội và dễ bị các nhà nhập khẩu thao túng.
Từ thực trạng trên, ông Nguyễn Thanh Nghị khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo phải đảm bảo yêu cầu về cơ sở sản xuất để có giấy phép xuất khẩu gạo. Đồng thời nên có thêm nhiều chính sách nhằm hỗ trợ tối đa cho hoạt động sau thu hoạch, chế biến, phân phối tạo điều kiện cho người sản xuất và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch
Theo ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông Nghiệp Việt Nam (VAAS), hệ thống thực phẩm tại Việt Nam hiện nay chưa thực sự bền vững, chịu sự tác động do biến đổi nhanh chóng của thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, thông tin sản phẩm từ sản xuất đến tay người tiêu dùng vẫn gặp cản trở trong khâu thiếu minh bạch thông tin.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc VAAS chia sẻ, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra đứt gãy chuỗi giá trị, thiếu hụt trong dịch vụ hậu cần tác động tiêu cực đến các chuỗi giá trị thực phẩm. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ dịch bệnh nhiều lao động bị mất việc làm, gây nên sự thay đổi trong thái độ tiêu dùng.
Để khắc phục những thực tế trên, ông Thế Anh đã đưa ra các giải pháp đối với nâng cao giá trị của nông nghiệp vì hệ thống thực phẩm bền vững. Trong đó, cần phải bám sát nhu cầu của người tiêu dùng, thông qua đó để nắm bắt được nhu cầu của thị trường. Đồng thời cần có cơ chế để có giá cả phù hợp với cả người tiêu dùng và người sản xuất, cần đảm bảo công bằng lợi ích của cả 2 bên.
Ngoài ra, cần tăng cường kết nối thông tin và điều phối chuỗi giá trị, minh bạch thông tin, áp dụng an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng đối với từng sản phẩm trong chuỗi cung ứng. Song song với đó là việc tích cực đa dạng kênh phân phối, thương mại điện tử, tận dụng nền công nghệ hiện đại.
Ông Thế Anh nhấn mạnh để có được hệ thống đảm bảo thực phẩm bền vững cần sự vào cuộc không phải là việc riêng của Nhà nước mà là sự kết hợp, tham gia của tất cả các bên liên quan đến thực phẩm bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, người tiêu dùng.
Theo ông Vũ Huy Phúc - đại diện Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2030 đạt 60-62 tỷ USD, trong đó nhóm nông sản chính khoảng 25 tỷ USD, thủy sản khoảng 15 tỷ USD, gỗ và lâm sản ngoài gỗ khoảng 20 tỷ USD.
“Để phát triển bền vững thị trường nông sản, chúng tôi đề xuất đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, trước mắt là sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, các đơn vị tăng cường phối hợp, xây dựng những cẩm nang hướng dẫn người nông dân trực tiếp để thích ứng, hài hòa với quy định của từng thị trường xuất khẩu”, đại diện trung tâm nêu ý kiến.