Ngày nhà giáo hay Tết nhà giáo là ngày để người người tôn vinh Thầy Cô, thể hiện sự kính trọng biết ơn tầng lớp những người đóng góp to lớn cho sự nghiệp trồng người của xã hội.
Có bao nhiêu người lớn lên trong đời mà không từng được dạy học bởi một Thầy, Cô giáo nào đó? Bao nhiêu người đã thành công, thành nhân mà vắng lời của Thầy, sự tận tình chỉ bảo của Cô? Chắc rất hiếm!
Và, đến Ngày 20-11 hàng năm người ta lại hỏi nhau: Tặng thầy cô món quà gì?
Cảm động những món quà đơn sơ
Chia sẻ về vấn điều này, cô Trương Hồ Trâm Anh, Hiệu phó Trường Tiểu học Lạc Long Quân, quận 11, TP.HCM – một nhà giáo, nhà quản lý mà tôi rất mực quý trọng, bộc bạch: “Ngày 20-11, cô sẽ rất vui khi học trò đến thăm. Ngày xưa, ba mẹ cô là giáo viên thì ngày Nhà giáo thật sự đúng là ngày Tết. Khách đến nhà nườm nượp. Có nhóm học sinh cũ và mới đạp xe mấy cây số đến thăm. Ba mẹ học sinh đến thăm. Cảm động là những món quà họ mang đến rất đơn sơ nhưng với họ là quý giá nên họ mang tặng mình chẳng hạn như một con cá to vừa mới lưới sáng nay…”.
Nghề gia sư - một trong những nghề cao quý của những sinh viên sư phạm hay các trường khác để trang trải việc học. Ảnh: DUYÊN TRƯỜNG |
Đam mê của tôi là giảng dạy và theo nghiệp dạy học từ 2013 đến nay. Nếu tính cả quãng thời gian dạy gia sư từ năm 2010 khi còn là cậu sinh viên thì tôi đã trọn 12 năm tuổi nghề.
Thời còn làm gia sư, ngày Lễ, Tết tôi cảm thấy rất vui khi được nhận quà từ phụ huynh, học sinh. Tôi không bao giờ có ý nghĩ nhiều ít, cao thấp. Niềm vui lớn nhất là được truyền đạt tri thức, được gom về nụ cười của học trò và ánh mắt vỡ lẻ khi học trò hiểu ra điều gì đó, hay học được kiến thức mới mẻ. Sau này, tôi từ chối hầu hết các món quà, đặc biệt là quà giá trị. Cách tôi từ chối thường là nhận với tất cả sự trân trọng và tìm cách hồi lại cho phụ huynh.
Cách đây hơn 10 năm, lúc mới ra trường, đi dạy trẻ đặc biệt, một vị phụ huynh dáng vẻ cơ cực, lam lũ đã dúi vào tay tôi 500.000 đồng. Tôi khéo léo từ chối nhưng bất thành, tôi mỉm cười cảm ơn và nói: “Dạ, em đã nhận được món quà của gia đình mình, bây giờ số tiền này là của em, em xin phép tùy ý sử dụng. Vậy nên, cho em gửi lại cho bạn M. - học trò em, hãy giúp em mua cho con chiếc cặp mới, đôi dép mới… vì em nghĩ cần phải thay thế rồi”.
Phụ huynh tôi xúc động cảm ơn và bảo họ rất ngại nhưng họ cũng thành thật, “Đi Lễ giáo viên cũng hết phần lớn lương, cũng chật vật lắm nhưng thấy con học tốt, tặng quà cho Thầy Cô cũng xứng đáng”. Đó là một vị phụ huynh rất tiến bộ mà tôi may mắn gặp ở những năm tháng đầu tiên làm Thầy.
Tin tưởng và đáng kì vọng vào thế hệ giáo viên tiếp nối
Đặc thù công việc hiện của tôi là giảng dạy sinh viên Sư phạm – những giáo viên tương lai và thường xuyên tập huấn cho giáo viên ở các trường học nên có cơ hội là tôi lại hỏi: “Anh, chị hoặc Thầy, Cô muốn nhận món quà gì từ học trò?”.
Ngày mai tung cánh muôn phương/ Ơn thầy nghĩa bạn tình trường không quên. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Trong một lớp dạy về giao tiếp sư phạm, nhiều sinh viên của tôi lần lượt giơ tay trả lời: “Sau này, làm giáo viên em chỉ mong nhận được nhiều điểm 10 từ học sinh”; “Em chỉ mong học sinh của em tiếp nhận được kiến thức mình đã dạy”; “Em muốn nhận được những lời chúc tự đáy lòng”, “Em muốn nhận được bó hoa, cái ôm và câu cảm ơn”.
Tôi nhấn mạnh: “Các em chắc chứ, không được dối lòng nhé!”.
Các em ôn tồn và tươi cười: “Em nói thật đó Thầy!”.
Tôi thấy tin tưởng và đáng kì vọng vào thế hệ giáo viên tiếp nối này. Những bạn không giơ tay trả lời thì tôi không chắc, nhưng qua đây các em cũng có sẽ nhìn nhận thấu đáo hơn hoặc giả dụ các em đó thích nhận tiền, nhận quà thì cũng không có gì phải chê trách hay phán xét.
Bao nhiêu người đã thành công, thành nhân mà vắng lời của Thầy, sự tận tình chỉ bảo của Cô? Chắc rất hiếm! (Ảnh minh họa) |
Vậy nên, nếu chúng ta ghi nhận nỗ lực của giáo viên, chúng ta trân trọng sự cống hiến, chúng ta biết ơn9 những chuyến đò thầm lặng đưa lữ khách qua sông … thì một món quà hay trăm món quà cũng đã thấm vào đâu với món quà tri thức đã được trao tặng từ Thầy Cô?
Nhưng…
Nếu tặng quà hay gửi cho Thầy Cô một chiếc phong bì, kèm sự nghi ngờ, tiếc rẻ hay với tâm thế “tặng vì nghĩa vụ, theo phong trào” thì giáo viên chúng tôi tổn thương khủng khiếp.
Cô Trâm Anh tâm tư: “Thú thật, bây giờ cô cảm giác như chai sạn, không còn rung động khi nhận quà từ những học sinh hoặc phụ huynh xem đó giống như nghĩa vụ, chứ không phải xuất phát từ tình cảm trân quý. Giờ cô quý nhất là học sinh cũ còn nhớ mình đến thăm hay nhắn tin là vui rồi... ”.
Thực tế, Thầy Cô giáo rất nhạy cảm nên dễ nhận ra tâm ý của những người tặng quà. Do đó, họ sẽ cảm thấy hạnh phúc vô ngần nếu món quà chứa đựng cả yêu thương và thực sự tủi thân, xót xa cho chính mình, cho nghề nếu món quà được tặng kèm theo cả sự kém trân trọng, đôi lúc bao gồm nhiều ít khinh khi…
Đồng cảm sâu sắc, một giảng viên trẻ được hàng ngàn học sinh, sinh viên quý mến vì sự nhiệt tâm trong từng bài giảng, lối sống giản dị và tâm huyết với nghề giáo – Thạc sĩ tâm lý Cao Thùy Trang (Giảng viên Đại học quốc tế Sài Gòn) chia sẻ: “Món quà mà em mong muốn được tặng nhất là một cuốn sổ có lời chúc của từng bạn ở từng trang. Mỗi trang mỗi bạn ghi lại điều bạn học được với giảng viên, kỉ niệm đáng nhớ và điều bạn đã thay đổi sau khi học với mình. Em nghĩ đây cũng là cách giúp bản thân biết mình trong lòng học trò như nào và cũng để xem mình có thật sự giúp gì cho các bạn không”.
Và một cô giáo tôi quý mến - Cô Cẩm Tứ - Giáo viên Trường Tiểu học Phạm Văn Chính (TP Thủ Đức) thật tình thổ lộ: “Trước giờ em vẫn thích được tặng sách… Em đặc biệt không thích tặng hoa vì cảm thấy phí. Phong bì càng không…”.
Cô Tứ cũng tâm sự thêm, nếu không thể từ chối các món quà như nước hoa, túi xách, giày dép... thì em sẽ chọn cách “gởi tặng lại bảo mẫu, phục vụ, mẹ hay chị em của mình”.
Quà gì cũng được miễn xuất phát từ trái tim
Tôi đi khắp Việt Nam, gặp gỡ khắp Thầy Cô cả nước, đã nghe, đã cảm động, thán phục tình yêu nghề nghiệp của nhiều Thầy Cô giáo từ vùng cao đến đồng bằng, từ miền xuôi đến miền ngược. Biết bao tấm gương với tinh thần giảng dạy vì đam mê, vì ước mơ hơn là chỉ nghĩ về tiền tài, vật chất nên với họ, học trò có tặng cho một cành hoa dại ven đường, hay ngây ngô tặng nhầm một bông hoa vạn thọ cũng chẳng làm sao, cũng đủ khiến những người làm Thầy, làm Cô ấm lòng.
Học trò tiểu học tặng hoa cho cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Đó chỉ là một số đại diện nhưng đủ để chúng ta tin rằng, phần lớn Thầy Cô giáo không chăm chăm vào việc mình sẽ được tặng bao nhiêu quà, phong bì của phụ huynh gửi trị giá bao nhiêu, càng không khởi ý phân biệt nếu mình được tặng quà ít hơn giáo viên khác.
Quà gì cũng được miễn là xuất phát từ trái tim trân trọng, kính mến và biết ơn Thầy Cô chân thành, không giả dối. Không tặng quà cũng chẳng vì vậy mà một nhà giáo chân chính đối xử khác đi với học trò và phụ huynh.
Riêng mình, tôi luôn rào trước từ lớp chính quy, đến lớp bồi dưỡng cán bộ bằng cách nói chuyện hài hước nhưng thật lòng: “Xin đừng tặng quà cho Thầy, càng không nên gửi phong bì những ngày Lễ, Tết… Thầy đủ sức mua món mình thích và cần. Đừng sợ không tặng quà thì Thầy sẽ làm khó các anh, chị, Thầy, Cô. Mà tặng quà chính là làm khó Thầy. Nếu muốn hãy tặng cho Thầy bó rau sạch nhà trồng, trái cây trong vườn nhưng tốt hơn cả là học cho thật tử tế”.
Thầy Cô giáo sẽ nhận được lời chúc mừng, nghĩa cử tri ân chân thành từ phụ huynh và các thế hệ học trò (Ảnh minh họa) |
Tôi luôn nhắc sinh viên mình những lời tha thiết của Đức vua Bhumibol Adulyadeji đã nói năm 1973: “Làm thầy cô không thể nhận thành tích, chức sắc, tiền bạc, vật chất làm mục tiêu của nghề. Điều mong nhận lại phải xuất phát từ tấm lòng, mà một người thầy, người cô chân chính phải hi vọng và tự hào khi có được nó”.
Mong rằng, phụ huynh và các em học sinh thấu hiểu tấm lòng người Thầy, không đặt nặng chuyện quà cáp, cũng như quý Thầy Cô giáo sẽ nhận được lời chúc mừng, nghĩa cử tri ân chân thành từ phụ huynh và các thế hệ học trò.