vĐồng tin tức tài chính 365

TP.HCM xóa tổ dân phố, tinh gọn bộ máy

2022-11-24 09:24
TP.HCM xóa tổ dân phố, tinh gọn bộ máy - Ảnh 1.

Hội nghị nhà chung cư bầu ban quản trị tại một chung cư ở quận 4, TP.HCM vào đầu năm 2022 - Ảnh: T.T.D.

Theo đó, mô hình tổ dân phố hiện nay sẽ bị "xóa" và sắp xếp lại theo mô hình dưới phường, xã, thị trấn chỉ có một cấp khu phố - ấp.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM đã cho ý kiến về tờ trình chủ trương sắp xếp lại tổ chức dưới phường, xã.

Theo tờ trình này, việc "xóa" tổ dân phố được hiểu là từ năm 1985 đến nay, tại TP.HCM áp dụng mô hình dưới phường (xã, thị trấn) có khu phố - ấp và tổ dân phố. Mô hình tổ chức thêm tổ dân phố bên dưới khu phố - ấp này không phù hợp với quy định của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố nên TP.HCM phải sắp xếp lại, xóa bỏ cấp tổ dân phố. 

Về tên gọi sau khi sắp xếp, TP.HCM gọi tổ dân phố (theo quy định của Bộ Nội vụ) là khu phố và thôn (theo quy định) là ấp.

Có tình trạng bị hành chính hóa

Tại TP.HCM từ trước đến nay, dù cùng một cấp khu phố - ấp nhưng quy mô hộ gia đình không đồng đều mà chia thành ba nhóm: 258 khu có dưới 450 hộ, 634 khu có từ 450-900 hộ và 712 khu phố trên 900 hộ dân. Tương tự, có 19 ấp có dưới 350 hộ, 171 ấp có 350-700 hộ dân và 214 ấp có trên 700 hộ dân. Đối với cấp tổ dân phố - tổ nhân dân, hiện theo quy định, tổ nhân dân phải có từ 50 hộ trở lên (xã đảo phải có 30 hộ trở lên) và tổ dân phố có từ 100 hộ trở lên.

UBND TP đánh giá các tổ chức khu phố - ấp, tổ dân phố - tổ nhân dân có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Đặc biệt, lực lượng này đã không quản ngại khó khăn, hiểm nguy để cùng TP thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, số lượng dân cư ở các khu phố - ấp, tổ dân phố - tổ nhân dân hiện không đồng đều, địa bàn phân bổ rộng dẫn đến khó khăn trong việc nắm bắt tình hình dân cư. 

Dự báo, số lượng nhân sự sẽ không ngừng tăng lên do tốc độ đô thị hóa và tăng dân số cơ học rất nhanh. Việc có hai cấp tổ chức dưới cấp xã, tình trạng hành chính hóa, hoạt động không đúng nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp dưới cấp xã dẫn đến tình trạng quá tải công việc. Kinh phí hỗ trợ cũng không tương xứng công sức hoạt động.

Theo chủ trương sắp xếp, sau khi bỏ cấp tổ dân phố - tổ nhân dân, mỗi khu phố có 450 hộ trở lên và ấp có 350 hộ trở lên. Khi đó, TP.HCM sẽ có 5.242 khu phố - ấp, gồm 4.000 khu phố và 1.242 ấp. Về số lượng người hưởng phụ cấp, hiện tại có 13 chức danh hưởng phụ cấp, sau khi sắp xếp sẽ còn 3 chức danh gồm bí thư chi bộ, trưởng khu phố - ấp và trưởng ban công tác Mặt trận. 

Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động rộng khắp và đưa các hoạt động phong trào triển khai đến đoàn viên, hội viên, Ban cán sự Đảng UBND TP bổ sung 2 chức danh (chi hội trưởng hội phụ nữ và bí thư Đoàn thanh niên). Như vậy sau sắp xếp sẽ có 5 chức danh ở khu phố - ấp hưởng phụ cấp.

TP.HCM xóa tổ dân phố, tinh gọn bộ máy - Ảnh 2.

Dữ liệu: TIẾN LONG - Đồ họa: TUẤN ANH

TP.HCM sẽ có lộ trình phù hợp

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho rằng bước đầu triển khai việc sắp xếp khu phố - ấp sẽ có những khó khăn nhất định, khi đó có một bộ phận những người đang làm ở hai cấp khu phố - ấp, tổ dân phố - tổ nhân dân phải nghỉ việc. Do đó, TP sẽ có một lộ trình lựa chọn phù hợp nhất. 

Theo ông Hải, khi sắp xếp lại, số lượng hộ gia đình trong mỗi khu phố - ấp không quá nhiều. Mặt khác, công an khu vực cũng sẽ được phân chia lại. Khi đó, bộ máy quản lý được tinh gọn hơn và những người quản lý cấp khu phố - ấp sẽ có chính sách trợ cấp tốt hơn.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết việc xóa bỏ tổ dân phố, tổ nhân dân là thực hiện theo các quy định của Trung ương, Chính phủ, mô hình tổ chức dưới phường, xã, thị trấn chỉ một cấp. Trước mắt, TP sẽ tiến hành hợp nhất, sắp xếp khu phố, ấp với tổ dân phố, tổ nhân dân. Tuy nhiên, tùy tình hình thực tế sẽ tính tiếp việc tổ chức sao cho hợp lý, đảm bảo việc hoạt động của các khu phố - ấp cũng như quyền lợi của người dân.

TS Nguyễn Thị Thiện Trí - Trường đại học Luật TP.HCM - cho rằng mô hình tổ dân phố ở đô thị thực chất là những tổ chức tự quản ở các cụm dân cư, nó không phải là cấp chính quyền và có vai trò là cầu nối chính trị, là cơ sở cho tổ chức, thực hiện các hoạt động chính trị, xã hội của dân cư. 

Trong bối cảnh xây dựng chính quyền đô thị TP.HCM, việc sắp xếp lại tổ chức khu phố, tổ dân phố là cấp bách nhằm bảo đảm tính hệ thống, xuyên suốt, gọn nhẹ của hệ thống chính trị, vừa nhằm xây dựng cơ chế phát huy quyền tham gia các hoạt động hành chính, chính trị của cư dân đô thị.

Theo bà Trí, thời gian qua, cả khu phố và tổ dân phố nước ta nói chung đều hoạt động chưa hiệu quả, nguyên nhân chính là chưa xác định rõ chức năng, vị trí, vai trò của khu phố, tổ dân phố trong hệ thống chính trị và trong nhân dân. 

Hiện nay, tổ dân phố, khu phố được tổ chức và hoạt động như cánh tay nối dài của chính quyền cấp cơ sở và đảm nhận nhiều hoạt động không đúng với chức năng, nhiệm vụ của khu phố, tổ dân phố, từ đó có xảy ra tình trạng lạm quyền, hách dịch, nhũng nhiễu ở tổ dân phố, ảnh hưởng đến hình ảnh của chính quyền cấp cơ sở. 

Do đó, việc sắp xếp và tiến tới bãi bỏ tổ dân phố là hợp lý. Điều này thiết nghĩ sẽ có ý nghĩa ở cả phương diện chính trị, kinh tế và cả hiệu quả về quản lý nhà nước.

Việc bỏ tổ dân phố đặt ra yêu cầu phải có cơ chế phát huy vai trò thực chất của khu phố, mà việc trước tiên là cần xác định đúng vị trí, chức năng, nhiệm vụ của khu phố, và đề cao cũng như tạo điều kiện phát huy nhiệm vụ chính trị của khu phố. 

"Việc phân định khu phố cần linh hoạt, theo tình hình từng khu vực dân cư, việc quy định cứng nhắc mỗi khu phố phải từ 450 hộ dân trở lên, ấp phải từ 350 hộ trở lên như hiện nay là không phù hợp, sẽ khó tránh tình trạng tách các cụm dân cư, các khu dân cư một cách cơ học để phân định khu phố, sự chia tách cơ học này sẽ làm giảm tính kết nối trong khu phố", bà Trí nêu.

TP.HCM xóa tổ dân phố, tinh gọn bộ máy - Ảnh 3.

Người dân tổ dân phố cùng nhau làm sạch đẹp khu phố trong ngày chủ nhật xanh tại phường 14, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: L.THÚY

Chuẩn bị, đánh giá kỹ mọi mặt khi tổ chức

TS Dư Phước Tân - trưởng phòng nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM chia sẻ, tổ dân phố - tổ nhân dân ra đời từ rất lâu, có thể đã tạo thành đặc trưng trong nếp sống và sinh hoạt văn hóa của người dân TP. Do đó, khi xóa bỏ tổ dân phố - tổ nhân dân cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động. Phải tổ chức lấy ý kiến của các tổ trưởng, người dân để xây dựng giải pháp ở nhiều mặt.

Về lâu dài, khi Internet phổ biến, kết nối và thông tin nhanh có thể bù đắp lại vai trò của tổ dân phố - tổ nhân dân. Khi đó, chỉ cần cấp khu phố - ấp là đủ. Việc này sẽ giúp TP.HCM tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách. Tuy nhiên, ngược lại phải tăng cường năng lực, trách nhiệm của khu phố - ấp. Làm sao khi người dân cần thì ban quản lý ấp, công an khu vực phải có mặt kịp thời. Theo đó, phải tăng cường nhân lực và trợ cấp cho khu phố - ấp để tăng trách nhiệm công việc.

TS Nguyễn Quế Diệu: Tổ dân phố hiện nay thiên về "tình làng nghĩa xóm"

Tôi từng trải qua nhiều môi trường sống khác nhau, từ nông thôn cho đến thành thị nhưng dấu ấn về các tổ dân phố không nhiều, nhất là ở khu vực thành thị. Xu hướng thường thấy ở các khu dân cư thành thị là hàng xóm, láng giềng tự tìm đến với nhau bằng các nét tương đồng về nghề nghiệp, tính cách, quê quán... nên việc kết nối, giao lưu tình cảm, trao đổi thông tin giữa họ cũng linh hoạt hơn như các group Zalo, các bữa tiệc, cà phê... cùng nhau.

Điều này đồng nghĩa "tình làng nghĩa xóm" trong các khu vực đô thị chủ yếu dựa trên một số phương diện tương đồng, còn phương diện hành chính, quản lý nhà nước thì hiệu quả chưa rõ nét.

Trong hơn 25 năm sống ở một số địa bàn thuộc TP.HCM, trên thực tế, những công việc liên quan đến các thủ tục hành chính, các cá nhân liên quan đều phải đến UBND phường (xã) xin xác nhận bởi chỉ có cơ quan hành chính cơ sở mới có đủ thẩm quyền giải quyết. Đồng thời, các nội dung, chương trình, phong trào liên quan đến việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương cũng chỉ có chính quyền cơ sở mới đủ thẩm quyền để triển khai đến toàn thể người dân để thực hiện.

Bên cạnh đó, các nội dung khác như các phong trào, các cuộc vận động... tại địa phương cũng xuất phát từ phường/xã nên việc cá nhân nào đó muốn tham gia cũng liên hệ với phường/xã để tham gia. Các cá nhân, tổ dân phố muốn thực hiện một chương trình, nội dung nào đó có ích cho cộng đồng cũng phải xin phép chính quyền cơ sở và khi được phép mới tổ chức thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà (tổ trưởng tổ dân phố 66, khu phố 5, phường 11, quận Bình Thạnh): Tuyển chọn người giữ lại phải phù hợp

Việc sắp xếp lại mô hình tổ chức ở phường cũng tốt bởi thực trạng hiện nay có nhiều ban điều hành tổ dân phố chưa nắm sâu sát địa bàn của mình, hiệu quả hoạt động chưa cao. Tuy nhiên tôi nghĩ cần có những lộ trình và phương án phù hợp, bởi ở một số địa phương việc quản lý đã theo phương án ổn định từ lâu.

Với vai trò tổ trưởng tổ dân phố, phần nhiều chúng tôi đảm đương công tác cũng chỉ vì tình làng nghĩa xóm, cũng vì tận tâm với bà con chứ không ai để tâm quá nhiều đến trợ cấp. Nên việc tăng thêm chính sách cho người điều hành sau khi sắp xếp lại mô hình thì cũng là phần động viên, nhưng chủ yếu là việc lựa chọn người thật sự có trách nhiệm và có khả năng bao quát, nắm được công tác mà tổ dân phố cũ đảm đương.

Đổi mới mô hình khu phố - ấp trong chung cư?

ToDanPho

Ông Vũ Thanh Nghị - tổ trưởng tổ dân phố Mặt trận 63, phường 26, quận Bình Thạnh - kiểm tra thông tin của các hộ dân trong khu phố - Ảnh: PV

Tại những đô thị, việc nhiều tòa nhà chung cư được xây dựng, với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hộ dân sinh sống trong một không gian chung cũng đặt ra vấn đề cần đổi mới mô hình khu phố - ấp.

Bà Nguyễn Thị Thủy, ngụ chung cư Ehome 3 (Q.Bình Tân), cho biết cụm C chung cư bà đang ở có 4 tòa, mỗi tòa là một tổ dân phố. Tuy nhiên, 5 năm về sinh sống, bà không biết ai là tổ trưởng vì không có sự trao đổi. Toàn bộ giao dịch, cư dân hầu như đều ra UBND và công an phường.

"Đối với những khu dân cư người dân sống tập trung như chung cư, khu đô thị không nên cứng nhắc tổ chức ra nhiều khu phố, mà có thể tổ chức thành một khu phố để dễ quản lý. Có thể áp dụng phương tiện công nghệ để thuận tiện cho việc thông tin cũng như trao đổi với người dân", bà Thủy ý kiến.

Nói về bất cập này, ông Trần Mạnh Dũng - phó chủ tịch Ủy ban MTTQ, trưởng ban thanh tra nhân dân phường Tân Phong (Q.7) - cho rằng việc sắp xếp lại mô hình dưới phường, xã, thị trấn chỉ có một cấp khu phố - ấp rất phù hợp vì thời gian qua ở một số nơi, mô hình tổ dân phố được thành lập theo chỉ tiêu cho đủ chứ hiệu quả hoạt động chưa thật sự rõ ràng.

Ông Dũng dẫn chứng: hiện tại ở phường Tân Phong có 6 khu phố, mỗi khu phố có hơn 10 tổ dân phố. Tính riêng khu chung cư Sky Garden dân số hơn 10.000 người với 11 tổ dân phố nhưng công việc chủ yếu do trưởng khu phố và một vài tổ trưởng dân phố làm chính.

"Đặc thù như phường Tân Phong có đến 28 chung cư lớn nhỏ, lối sống của người dân ở chung cư cũng sẽ khác ở nhà mặt đất. Sau đợt COVID-19, hầu như dân cư đều có kết nối với ban quản trị thông qua các group trực tuyến như Zalo, nên việc trao đổi thông tin tuyên truyền, vận động người dân không còn quá bất cập", ông Dũng cho hay.

Theo ông Dũng, không chỉ ở phường Tân Phong mà hầu như ở một số phường khác, số lượng tổ dân phố rất đông đúc, nhưng trách nhiệm của tổ trưởng chưa được quy định rõ ràng. Để trở thành cánh tay nối dài của chính quyền với địa phương thì chưa đạt được yêu cầu.

Thay vì để số lượng tràn lan, người làm tròn trách nhiệm đều được chính sách như người làm chưa hiệu quả thì việc tinh giản, điều chỉnh lại trợ cấp là điều hoàn toàn cần thiết. Khi đó có thể chọn lọc người có năng lực, trách nhiệm và tâm huyết, có khả năng kết nối, vận động để tiếp tục công tác.

Cần gọi đúng tên gọi chung

ToTruong-muadich

Bà Thu Hà, tổ trưởng tổ dân phố 66, phường 11, quận Bình Thạnh, len lỏi các con hẻm vận động người dân tiêm vắc xin phòng COVID-19 - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho hay hiện nay, theo quy định của pháp luật có ba cấp chính quyền địa phương gồm tỉnh (bao gồm các TP trực thuộc Trung ương), TP - quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Tổ dân phố (theo tên gọi chung mà TP.HCM sẽ gọi là khu phố sau khi tổ chức lại) không được coi là cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú.

Tổ chức tự quản này được pháp luật thừa nhận và thành lập dưới các phường, thị trấn. Bộ Nội vụ đã có các hướng dẫn về tổ chức, hoạt động của tổ dân phố. Tổ trưởng tổ dân phố phải được nhân dân bầu, có nhiệm kỳ 2,5 năm và được hưởng phụ cấp hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách.

Thực tế với cấp phường, nhất là với các TP lớn thì không thể nắm bắt được hết các vấn đề ở từng hộ dân hay cụm dân cư nhỏ. Do vậy, tổ dân phố được xem là thiết chế đóng vai trò quan trọng, gần dân nhất, nắm bắt các tâm tư, nguyện vọng của người dân để đề đạt lên chính quyền cấp phường, thị trấn giải quyết.

Đồng thời cũng tham gia quản lý các vấn đề về cư trú, an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, nếp sống văn hóa, văn minh đô thị... Trong thời gian đại dịch COVID-19 vừa qua cũng cho thấy rõ vai trò quan trọng của tổ dân phố trong tuyên truyền, phối hợp, hỗ trợ phòng chống dịch.

Với TP.HCM, hiện TP đang duy trì mô hình hai cấp là khu phố - ấp theo quy định và thêm một cấp trung gian là tổ dân phố - tổ nhân dân. Như vậy TP có thêm một cấp trung gian dưới phường, thị trấn và điều này chưa phù hợp so với quy định của Trung ương.

Việc này cũng làm gia tăng thêm nhân sự không chuyên trách dưới phường, thị trấn, cũng như làm tăng chi ngân sách thường xuyên, tầng nấc, trung gian... Vì vậy, nếu TP xóa bỏ bớt một cấp trung gian là tổ dân phố - tổ nhân dân là hoàn toàn đúng, phù hợp.

Tuy nhiên, cần phải xem lại quy định hiện nay trong văn bản của Trung ương không có khu phố - ấp mà dưới phường, thị trấn chỉ có tổ dân phố. Vì vậy, TP.HCM nên thực hiện mô hình thống nhất trong cả nước là dưới phường, thị trấn chỉ có tổ dân phố. Nói một cách khác, TP.HCM nên bỏ tên gọi "khu phố" và thay vào đó là "tổ dân phố".

Cạnh đó, khi lập các tổ dân phố cũng cần xem xét kỹ về số lượng nhân khẩu để đảm bảo đúng quy định và sáp nhập các tổ dân phố không đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu chí. Công việc, trách nhiệm của tổ trưởng tổ dân phố cũng khá nặng nề nên cũng cần có chế độ chính sách tương xứng để động viên tinh thần làm việc và ý thức trách nhiệm của đội ngũ này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết thời gian qua TP đã thực hiện chủ trương sắp xếp lại thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Trong đó sáp nhập hàng nghìn thôn, tổ dân phố tại các quận, huyện để tinh gọn bộ máy, đáp ứng yêu cầu quản lý và thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước. Hiện tại trên địa bàn TP có hơn 3.000 tổ dân phố và hơn 2.300 thôn thuộc 579 xã, phường của 30 quận/huyện.

Tổ dân phố theo quy định như thế nào?

Quy định của Bộ Nội vụ về tổ chức, hoạt động của tổ dân phố nêu rõ tổ dân phố ở phường, thị trấn thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Hồng có từ 350 hộ gia đình trở lên. Riêng TP Hà Nội có từ 450 hộ gia đình trở lên. Tổ dân phố ở phường, thị trấn thuộc các tỉnh miền Nam có từ 400 hộ gia đình trở lên. Riêng TP.HCM có từ 450 hộ gia đình trở lên.

THÀNH CHUNG

Tranh luận: Tổ dân phố nên xóa bỏ hay vẫn còn hữu dụng?Tranh luận: Tổ dân phố nên xóa bỏ hay vẫn còn hữu dụng?

TTO - Xung quanh việc TP.HCM sẽ xóa bỏ tổ dân phố, tổ nhân dân để tinh giản số người hoạt động không chuyên trách từ 50.000 người xuống còn gần 26.000 người, đã có nhiều ý kiến tranh luận. Thực tế, tổ dân phố có giúp gì được dân hay chỉ là hình thức?

Xem thêm: mth.28170058042112202-yam-ob-nog-hnit-ohp-nad-ot-aox-mchpt/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“TP.HCM xóa tổ dân phố, tinh gọn bộ máy”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools