Tận dụng tiềm năng, lợi thế đặc biệt của địa phương được ví là “cửa ngõ” hướng ra Biển Đông của vùng Đông Nam Bộ, sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Bà Rịa-Vũng Tàu thành một cực tăng trưởng quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 24, trong đó nhấn mạnh Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, giúp địa phương tập trung nguồn lực hơn cho mục tiêu này.
Cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) là một trong những cảng container tiên phong trong việc đón các tàu trọng tải lớn, được xếp vào nhóm cảng hàng đầu thế giới. Ảnh: K.LY |
Định vị trung tâm kinh tế biển quốc gia
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết tỉnh phối hợp chặt cùng Bộ KH&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24 và xúc tiến đầu tư vào vùng Đông Nam Bộ.
Ông Lê Ngọc Khánh nhấn mạnh Nghị quyết 24 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển vùng Đông Nam Bộ nói chung và Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng.
Nghị quyết nhấn mạnh phát triển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, bao gồm cả cảng biển du lịch và các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao, các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao…
Tiểu vùng ven biển gồm khu vực Cần Giờ (TP.HCM) và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là khu vực phát triển mạnh các ngành kinh tế biển: Cảng biển, logistics, khai thác dầu khí, hóa dầu, du lịch biển, đảo, khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ. Phát triển TP Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế…
Theo ông Lê Ngọc Khánh, đây là một cơ hội lớn, là động lực quan trọng để tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tận dụng hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của toàn vùng thúc đẩy tăng trưởng cao, toàn diện và bền vững nền kinh tế của tỉnh.
“Cửa ngõ” hội tụ
nhiều tiềm năng, lợi thế
Với các dự án giao thông đang triển khai, sẽ hình thành hệ thống giao thông đa phương thức, kết nối liên hoàn, đồng bộ giữa: Hệ thống cảng Thị Vải, Cái Mép - Trung tâm logistics Cái Mép Hạ - Cảng hàng không quốc tế Long Thành - Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM - các trung tâm dịch vụ logistics, các khu công nghiệp, đô thị trong vùng Đông Nam Bộ; kết nối vùng Đông Nam Bộ với các vùng khác trên cả nước, với các quốc gia trong hành lang kinh tế xuyên Á và với các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Hình thành khu thương mại tự do tại Cái Mép Hạ
Quán triệt nội dung Nghị quyết 24, vừa qua trong quá trình tổ chức lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa-Vũng Tàu đã chủ động nghiên cứu, xây dựng các mục tiêu, định hướng phát triển phù hợp với yêu cầu liên kết vùng. Điều này nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các chồng chéo, xung đột phát triển với các địa phương khác trong vùng.
Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang tập trung nguồn lực, chủ động phối hợp với các địa phương trong vùng thúc đẩy nhanh các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của vùng như: Đường vành đai 4 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được phân công trong mối quan hệ liên kết vùng.
Đồng thời trọng tâm của tỉnh sẽ tập trung hình thành “Khu thương mại tự do gắn với cảng biển nước sâu tại khu vực Cái Mép Hạ và phát triển Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế”.
"Với việc triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế; đồng thời là trung tâm công nghiệp của vùng, tiếp tục giữ vai trò là một địa phương có đóng góp lớn vào sự phát triển của đất nước” - ông Lê Ngọc Khánh kỳ vọng.
Vũng Tàu: Trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế
Để thực hiện mục tiêu là trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, TP Vũng Tàu sẽ đề xuất tỉnh ưu tiên dành quỹ đất để thu hút đầu tư những tổ hợp du lịch quy mô lớn, các thương hiệu du lịch quốc tế cao cấp, phát triển thương hiệu du lịch Vũng Tàu đã có trên bản đồ du lịch thế giới.
Bãi Sau biển Vũng Tàu. Ảnh: TK |
Tập trung chỉnh trang đô thị; khai thác cảnh quan dọc bãi biển, các núi để phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng, các sông rạch, tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch biển, đảm bảo lợi thế cạnh tranh, coi đây là một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương.
TP Vũng Tàu sẽ cùng với tỉnh đầu tư để nâng cao chất lượng các bãi tắm, tổ chức nhiều sự kiện du lịch, thể thao gắn với biển; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Tăng cường và thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin để Vũng Tàu thật sự là đô thị du lịch thông minh, đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội, an toàn giao thông, xứng đáng là TP an toàn, tạo niềm tin cho du khách, liên kết vùng để cùng phát triển bền vững...
Ông HOÀNG VŨ THẢNH, Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu