Bất chấp biển cấm, nhiều xe khách vẫn ngang nhiên đậu hàng giờ và đón trả khách trên đường Hùng Vương (quận 5, TP.HCM) không khác gì một bến xe thu nhỏ - Ảnh: CHÂU TUẤN
Và chỉ mất khoảng 30 phút ngồi nhâm nhi ly cà phê, tôi cùng chục hành khách được xe giường nằm tạt vào "hốt" đi nhanh chóng.
Không đâu giống như các đô thị lớn ở nước ta, ngồi cà phê vỉa hè vẫn có thể vẫy xe khách. Hiện tượng này là phổ biến và lâu dần quán cà phê trở thành "bến cóc". Có bến nhưng không cần phải vào bến, các nhà xe cứ thế nghênh ngang "tạt ngang, tạt dọc" hoặc lập hẳn "bến cóc" ngay trong khu vực nội thành bất chấp quy định.
Thực tế này đang gây ra hàng loạt hệ lụy, như mất trật tự an toàn giao thông, thất thu thuế của Nhà nước và đặc biệt tạo ra một môi trường cạnh tranh không lành mạnh gián tiếp "giết chết" không ít nhà xe trong bến.
Dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý nhiều lần nhưng loại hình dịch vụ "xe dù, bến cóc" không hề giảm, nếu không muốn nói ngày càng bành trướng hơn, nhất là ở các đô thị lớn như TP.HCM - Hà Nội.
Dẹp chỗ này "mọc" chỗ khác, phạt lần này tái phạm lần khác làm cho dư luận không khỏi hình dung công cuộc dẹp loạn "xe dù, bến cóc" như một cuộc đuổi bắt không hồi kết.
Vấn đề nhức nhối này đang thách thức dư luận khi kết quả rà soát gần đây của ngành giao thông TP.HCM cho thấy có đến 76 vị trí đón, trả khách không đúng nơi quy định. Trong đó nổi cộm là quận 5 với 25 điểm và TP Thủ Đức có 22 điểm. Thậm chí có "bến cóc" còn ngang nhiên "mọc" gần trụ sở của cơ quan quản lý giao thông.
Và khi một hiện tượng vi phạm quy định trở thành "chuyện thường ngày", dư luận không khỏi hoài nghi về chính sách quản lý "xe dù, bến cóc" phải chăng có bất cập, hoặc các biện pháp xử lý hiện nay chưa đủ sức răn đe? Để dẹp loạn "xe dù, bến cóc" ngoài giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, các cơ quan quản lý cần quyết liệt xắn tay thực hiện đồng bộ ba giải pháp.
Đầu tiên ở cấp địa phương, mà cụ thể là ba cơ quan gồm: thanh tra sở giao thông vận tải, cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương phải làm tốt trách nhiệm về quy hoạch, xử lý, quản lý vận tải được giao.
Cần ban hành quy chế phối hợp rõ ràng giữa các đơn vị nêu trên, trong đó phân tách chức năng, nhiệm vụ tránh việc đùn đẩy trách nhiệm.
Phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu không kiểm soát được tình trạng "bến cóc, xe dù" hoặc việc xử lý chỉ như "bắt cóc, bỏ dĩa". Điều này không mang hiệu quả và là nguyên nhân khiến doanh nghiệp lờn luật.
Kế đến phải xác định dẹp "xe dù, bến cóc" không chỉ là việc của riêng ai, riêng địa phương nào mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Trong đó đặc biệt cần "nhạc trưởng" Bộ Giao thông vận tải, cụ thể là Tổng cục Đường bộ vào cuộc rà soát, gỡ vướng các quy định xử lý hiện hành. Trong đó cần bổ sung các quy định xử lý theo hướng tăng nặng đối với các doanh nghiệp liên tục vi phạm như tạm đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy phép kinh doanh, giấy phép vận tải...
Vấn đề quan trọng cuối cùng xuất phát từ ý thức doanh nghiệp vận tải và ý thức người dân. Cần dẹp bỏ tâm lý hám lợi và thích thuận tiện.
Chỉ khi các doanh nghiệp chủ động điều chỉnh phương thức hoạt động đúng pháp luật, đúng quy định và người dân "nói không" với "xe dù, bến cóc", lúc đó mới mong có thể xóa vấn nạn nhức nhối này.
TTO - Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa có chỉ đạo cho các đơn vị liên quan tiếp tục mạnh tay xử lý vấn nạn 'xe dù bến cóc' đang tồn tại ở TP.HCM.
Xem thêm: mth.3033748072112202-gnohk-coud-coc-neb-ud-ex-ped/nv.ertiout