vĐồng tin tức tài chính 365

Vụ kiện khuấy đảo ngành y của bác sĩ đòi thận đã hiến cho vợ

2023-11-01 03:36

Richard Batista sinh năm 1956, tốt nghiệp trường Cornell và sau đó trở thành bác sĩ phẫu thuật mạch máu nổi tiếng ở Long Island, công tác tại Trung tâm Y tế Đại học Nassau ở New York.

Năm 1988, khi còn là bác sĩ nội trú, ông gặp y tá Danwell và nhanh chóng nảy sinh tình cảm. Họ kết hôn năm 1990 và được đồng nghiệp ca tụng là cặp đôi đẹp nhất ngành y địa phương.

Ba cô con gái lần lượt ra đời năm 1995, 1998 và 2001. Theo thời gian, không chỉ tình cảm phai nhạt mà sức khỏe người vợ cũng ảnh hưởng nặng nề sau 3 lần sinh nở.

Năm 2001, biến cố gia đình ập đến khi bà Danwell bị chẩn đoán suy thận nặng. Ngày 18/6 cùng năm, Richard hiến quả thận trái để cứu vợ và cứu vãn cuộc hôn nhân.

"Cô ấy là vợ tôi. Ưu tiên hàng đầu của tôi là cứu mạng sống của cô ấy. Nếu được suy nghĩ lại, tôi vẫn có thể làm lại điều đó một lần nữa", bác sĩ Richard từng nói.

Bà Dawnell được cứu sống, nhưng "canh bạc hôn nhân" của họ đã thất bại. Tháng 7/2005, bà đệ đơn ly hôn với lý do bị bạo hành, còn người chồng phủ nhận cáo buộc, đồng thời tố cáo bà ngoại tình.

Vợ chồng bác sĩ Richard Batista trong ngày cưới, năm 1980. Ảnh: Dailymail

Vợ chồng bác sĩ Richard Batista trong ngày cưới, năm 1990. Ảnh: Dailymail

Ông nói với truyền thông địa phương: "Không có nỗi đau nào sâu sắc hơn việc bị phản bội từ người mà bạn yêu thương và hy sinh, cống hiến cả cuộc đời mình".

Trong nỗ lực hòa giải hôn nhân bất thành, ông Richard quyết định kiện vợ. Theo đó, ngoài chia đôi tài sản chung gồm bất động sản 4 triệu USD, bà phải "cắt" trả ông quả thận đã hiến hoặc giá trị quy đổi, tương đương 1,5 triệu USD. Vụ ly hôn kéo dài 4 năm đã gây chú ý vào tháng 1/2009 khi ông tổ chức một cuộc họp báo công bố ý định này.

Nam bác sĩ khẳng định chính vợ đã đẩy ông đến vụ kiện lạnh lùng này, vì ngăn cản ông thăm gặp 3 con gái. Trong khi vợ ông phủ nhận, tố ngược lại chồng "không chu cấp nuôi con" và chỉ lăm le đến chuyện đòi tiền.

Vụ ly hôn và kiện đòi tài sản được Tòa án tối cao ở Mineola, New York thụ lý. Trong khi đó, cộng đồng y học khắp nước Mỹ đã nóng lên với những tranh luận ngoài lề cuộc hôn nhân tai tiếng.

Các bác sĩ đồng nghiệp cho rằng việc phẫu thuật lấy lại quả thận của Richard từ cơ thể bà Danwell "không những trái đạo đức mà còn gần như không thể thực hiện được".

Viện Đạo đức Kennedy của Đại học Georgetown cảnh báo rằng việc trao đổi nội tạng lấy bất kỳ thứ gì có giá trị là bất hợp pháp. Ở Mỹ, như nhiều quốc gia khác, nội tạng không được phép mua bán và việc hiến tặng nội tạng được coi là một món quà tự nguyện và về mặt pháp lý "khi bạn cho đi một thứ gì đó, bạn không thể lấy lại được".

Luật không quy định người hiến tặng có được phép "đòi" lại hay không, bởi thực tế, trong lịch sử chưa từng có trường hợp nào "đòi" lại nội tạng đã hiến tặng. Vụ kiện của bác sĩ Richard là đầu tiên.

Các bác sĩ cho rằng nếu tòa đứng về phía Richard, sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm là, khi ai đó hối hận về quyết định hiến tạng, hoặc đơn giản là lâm cảnh túng thiếu, họ sẽ đi đòi tiền người nhận tạng.

"Hơn nữa, không có bác sĩ phẫu thuật uy tín nào sẽ chấp nhận thực hiện ca cấy ghép như vậy và không tòa án nào có thể buộc một người phải phẫu thuật trả lại nội tạng đã được tặng", đại diện Viện Đạo đức Kennedy của Đại học Georgetown cho hay.

Ngày 25/2/2009, tòa công bố phán quyết, việc bác sĩ Richard đòi thận "không chỉ vi phạm chính sách công" mà còn có thể khiến ông bị truy tố hình sự.

"Về cơ bản, cáo buộc của nguyên đơn đánh đồng nội tạng con người với hàng hóa một cách không phù hợp", bản án nêu. Tòa cũng lưu ý dù thuật ngữ "tài sản chung trong hôn nhân" là khái niệm "có tính mở rộng", nhưng không bao gồm nội tạng dưới góc nhìn vật chất. Bởi việc đánh giá nội tạng con người dưới giá trị tiền tệ, hàng hóa là trái pháp luật và đạo đức.

Tòa từ chối yêu cầu triệu tập nhân chứng chuyên môn của bác sĩ Richard để định giá quả thận. Về chứng thư thẩm định giá quả thận bác sĩ Richard đưa ra, khoảng 1,5 triệu USD, tòa cho rằng có thể được sử dụng để khởi tố tội danh hình sự. Tòa trích dẫn Điều 4307 Luật Y tế Công cộng, trong đó nêu "bất kỳ người nào cố ý mua bất kỳ bộ phận cơ thể người nào để sử dụng trong cấy ghép cho con người đều là trọng tội".

Tòa khuyến cáo việc cố đòi bồi thường bằng tiền cho quả thận có thể khiến người chồng bị truy tố hình sự. Hơn nữa, việc định giá đã đánh mất hoàn toàn tính nhân văn trong hành động của nguyên đơn, người luôn khẳng định "hy sinh, cao thượng, tận tâm" với vợ.

Song tòa cũng khẳng định, tính chất vụ kiện tụng này sẽ không bị đưa ra xem xét trong quá trình chia các tài sản khác, và trong việc phân chia quyền giám hộ các con chung của họ. "Ông Richard thua trong vụ kiện này không có nghĩa sẽ bị tòa đánh giá tiêu cực trong vụ ly hôn", tòa nêu.

Vì lợi ích của các đương sự và 3 đứa trẻ, tòa sau đó quyết định xét xử kín vụ ly hôn. Kết quả không được tiết lộ.

Hải Thư (Theo Grunge, Guardian, NYPost, Times)

Xem thêm: lmth.0950764-ov-ohc-neih-ad-naht-iod-is-cab-auc-y-hnagn-oad-yauhk-neik-uv/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vụ kiện khuấy đảo ngành y của bác sĩ đòi thận đã hiến cho vợ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools