Thông tin vừa được ông Mike Zhang, Giám đốc quốc gia của nền tảng bán sỉ Alibaba tại Việt Nam, công bố. Tuy nhiên, số liệu tuyệt đối không được tiết lộ. Khác với các sàn thương mại điện tử bán lẻ (B2C), nền tảng này của Alibaba là nơi giao dịch bán buôn (B2B), nơi các nhà mua hàng tìm nhà cung cấp sản xuất.
"Tôi rất lạc quan về phát triển bán hàng xuyên biên giới của Việt Nam ra quốc tế", ông Mike nói. Nhu cầu tăng lên góp phần thu hút lượng sản phẩm từ Việt Nam lên sàn tăng 24% trong 3 quý đầu năm.
Ông cho biết hiện có "hàng nghìn" doanh nghiệp, chủ yếu là vừa và nhỏ của Việt Nam có mặt trên nền tảng này. Một số đơn vị đã tham gia lâu năm như đồ nội thất Nghĩa Sơn, đồ điện tử Lioa, thực phẩm Rita, bao bì Bình Minh, sản phẩm tóc Apohair. Về cơ cấu, nhóm ngành có nhiều nhà cung cấp Việt Nam hàng đầu là thực phẩm và đồ uống, nhà cửa và vườn tược, nông nghiệp và làm đẹp.
Tham gia năm 2020, TT Garment có 80% doanh thu xuất khẩu đến từ sàn này, chủ yếu xuất sang Mỹ, Canada, Australia. CEO công ty Nguyễn Văn Thông cho hay doanh thu đầu năm đến nay tăng 300% so với năm ngoái.
Công ty ông sản xuất quần áo, phụ kiện thời trang, giá trị trung bình mỗi đơn đặt hàng dao động 25.000-30.000 USD. "Tăng trưởng năm nay chủ yếu đến từ Mỹ và Thái Lan. Chúng tôi đang thương thảo xuất một container nón thời trang đi Mỹ", ông Thông cho biết.
Ông Steven To, Phó giám đốc Công ty Hành Sanh, nhà sản xuất quạt điện ở TP HCM, cũng cho hay lượt khách hỏi đặt hàng năm nay trên sàn tăng 30% so với cùng kỳ 2022. "Gần đây, lượt đặt hàng vẫn tăng trưởng dù chậm lại do ngành hàng chúng tôi không phải nhóm chủ yếu trong mùa mua sắm cuối năm", ông Steven To cho biết.
Mười tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt hơn 291 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Tổng cục Thống kê. Tuy nhiên, báo cáo hôm 1/11 của S&P Global Market cho hay lượng đơn đặt hàng mới với hàng hóa Việt Nam đã tăng tháng thứ ba liên tiếp nhờ nhu cầu cải thiện. Còn theo HSBC, xuất khẩu đã có tín hiệu hồi phục, nhất là trong hai tháng qua.
"Việt Nam có tiềm năng rất lớn về khả năng sản xuất và cung cấp nguồn hàng cho thị trường người mua toàn cầu", ông Roger Luo, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của sàn bán sỉ Alibaba nói. Sự phát triển gần đây tạo động lực để họ mở dịch vụ bảo vệ đơn hàng (Trade Assurance) tại Việt Nam từ tháng 9.
Dịch vụ này quy định khách thanh toán tại thời điểm mua hàng và Alibaba sẽ giữ ký quỹ cho đến khi người mua xác nhận đã nhận được hàng thỏa đáng trong thời hạn hợp lý. Ông Roger Luo nói nó giúp tăng độ tin cậy giữa các nhà cung cấp Việt Nam và người mua hàng, đồng thời tối ưu quá trình giao dịch
Alibaba ví dụ một nhà cung cấp đã có số lượng người mua tích cực tăng 244% trong một tháng kể từ khi áp dụng. Một nhà cung cấp khác đạt được tỷ lệ truy cập được cải thiện 23% và lượng người mua tích cực tăng 60%.
Là công ty con thuộc tập đoàn Alibaba, nền tảng bán sỉ (B2B) này ra đời năm 1999, nơi giao dịch hàng hóa trực tuyến giữa các doanh nghiệp toàn cầu. Nền tảng này đang có hơn 47 triệu nhà mua hàng là các doanh nghiệp từ hơn 190 quốc gia, tìm kiếm sản phẩm trong hơn 40 danh mục chính.
Viễn Thông