Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, bộ ngành đã bàn nhiều giải pháp, nỗ lực "giải cứu" thị trường bất động sản. Kết quả tổng kết quý III/2023 do Bộ Xây dựng công bố cho thấy thị trường bất động sản có tín hiệu tích cực với nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh và bắt đầu triển khai các dự án mới đã được tháo gỡ về pháp lý, nguồn vốn.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24-10-2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thị trường bất động sản TP HCM sẽ phát triển ổn định, bền vững khi các vướng mắc được tháo gỡ. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Còn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, sẽ xem xét chỉnh sửa đối với 3 dự án luật quan trọng liên quan lĩnh vực bất động sản, gồm: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) để Quốc hội biểu quyết thông qua.
Những động thái trên cho thấy thị trường bất động sản vẫn chưa phục hồi mạnh mẽ; doanh nghiệp đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là pháp lý liên quan đến đất đai, thủ tục đầu tư; điều chỉnh quy hoạch và giải phóng mặt bằng, là sự đan xen, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật…
Đặc biệt theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến hết tháng 9 đã có 19 tỉnh công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình gói tín dụng 120.000 tỉ đồng với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỉ đồng. Trong đó, có 49 dự án nhà ở xã hội với nhu cầu vay là 24.655 tỉ đồng. Tuy nhiên, tại TP HCM có rất ít doanh nghiệp tham gia chương trình này. Nguyên nhân vì sao?
Trên cơ sở đó, Báo Người Lao Động tổ chức Tọa đàm "Tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho bất động sản" để lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các khách mời nhằm tìm giải pháp tháo gỡ nút thắt, khơi thông dòng chảy cho thị trường bất động sản, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững…