Những mặt hàng thiết yếu và quà tặng tiếp tục được ưu tiên, bên cạnh xu hướng tìm kiếm sản phẩm ở phân khúc thấp hơn hoặc nhiều khuyến mại hơn.
Ông Nguyễn Anh Đức, chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam (AVR), đưa ra những nhận định xu hướng thị trường cuối năm và biện pháp thúc đẩy tiêu dùng.
Thị trường nội vẫn là chỗ dựa vững chắc
* Ông có thể chia sẻ cơ hội thị trường bán lẻ tăng trưởng vào dịp lễ, Tết 2024 đến từ đâu?
- Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 cả nước ước đạt 536,3 nghìn tỉ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại - dịch vụ trên cả nước theo đó cũng đã diễn ra khá sôi động, dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm, đặc biệt với nhóm hàng tiêu dùng, thời trang, gia dụng.
Ở góc độ nhà bán lẻ, các đơn vị lớn như: Saigon Co.op, Aeon, Lotte Mart, Winmart... đã và đang liên tục thực hiện những đợt khuyến mãi lớn, kéo dài ở tất cả các ngành hàng.
Đơn cử, Saigon Co.op đang triển khai chương trình Trân trọng cảm ơn khách hàng với chủ đề "Tri ân từ trái tim" giảm giá cho 21.000 sản phẩm trong 21 ngày từ 26-10 đến 15-11 với mức giảm đến 50%.
Điểm nhấn của chương trình lần này là 21 chương trình khuyến mãi riêng lẻ được thiết kế khoa học, phân bổ cho hầu hết ngành hàng và có ưu tiên cho những ngành hàng có sức tiêu thụ tốt, gắn với sinh hoạt hằng ngày của mọi gia đình người Việt.
Tôi tin rằng với hàng loạt chương trình giảm giá trực tiếp, mua 1 tặng 1, hàng giá 0 đồng, cấp độ thành viên càng cao càng nhiều ưu đãi, khách hàng sẽ tiết kiệm chi tiêu rất nhiều trước khi bước vào cao điểm tiêu dùng cuối năm.
* Nhưng thực tế các khảo sát gần đây đều cho thấy chỉ số niềm tin của người tiêu dùng vẫn chưa hồi phục?
- Đúng như vậy. Bên cạnh những tín hiệu tích cực, lần đầu tiên niềm tin của người tiêu dùng (CCI) tại Việt Nam rớt vào một trong những nước thấp nhất khu vực Đông Nam Á.
Đây là một trong những yếu tố tác động làm thay đổi thị trường. Tỉ lệ đóng góp của khối nội chỉ khoảng 40% cho thấy khối ngoại đang lấn lướt.
Nhưng với lợi thế dân số đông nên thời gian qua, dù chịu tác động của suy thoái kinh tế song thị trường bán lẻ Việt Nam có sức hút với các nhà đầu tư ngoại, các đối tác nước ngoài.
Được biết, đến hết quý 3-2023, đã có hơn 60 đoàn của các tổ chức, cơ quan ngoại giao... đã có tiếp xúc, gặp gỡ để xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm nước ngoài vào phân phối ở thị trường Việt Nam. Trong khi đó, một số doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong xuất khẩu cũng quay lại thị trường trong nước.
Điều này khiến cho thị trường nội địa sôi động, cơ cấu nguồn hàng hóa đầu vào có sự dịch chuyển với sự thâm nhập mạnh mẽ của hàng ngoại. Đây cũng là xu hướng đầu tiên trong những xu hướng mà các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại đang tự vận động để thích ứng với thị trường.
Đã giảm thuế cho người tiêu dùng, đến lúc hỗ trợ cho doanh nghiệp
* Từ thực tế này, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã có những động thái gì để thúc đẩy thị trường?
- Với tư cách là chủ tịch của AVR, tôi đóng góp một số kiến nghị và cũng là định hướng của các doanh nghiệp trong Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam. Đó là có chính sách tập trung vào doanh nghiệp nhiều hơn giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Với quy mô khoảng 140 tỉ USD, nếu có những chính sách tích cực, ngành bán lẻ sẽ tác động trực tiếp người tiêu dùng nhưng các chính sách sau giai đoạn COVID-19 như giảm 2% thuế VAT tập trung nhiều vào người tiêu dùng cá nhân, chưa có cho doanh nghiệp. Ngoài ra, những chính sách cần được hoạch định, triển khai sớm hơn, liên tục, dài hơi hơn.
Quy hoạch tổng thể lại cung cầu nguồn nguyên liệu trên quy mô toàn quốc để các nguồn cung trong nước không cạnh tranh lẫn nhau mà phát huy giá trị cốt lõi.
Cần có sự liên kết của các ngành, các hiệp hội như du lịch hợp lực với thương mại tạo nên sự phát triển, sức bật tổng thể cho nền kinh tế hơn. Cùng với đó là sự hỗ trợ từ vĩ mô để cấu trúc lại doanh nghiệp quản trị rủi ro, tránh rơi vào khủng hoảng.
* Thời gian qua, thị trường cũng đã có sự dịch chuyển và kết nối giữa các nhà sản xuất trong nước và kênh phân phối?
- Tôi cũng nhìn thấy điều này, nhưng chúng ta cần làm nhiều hơn nữa. Việc liên kết các hệ thống phân phối từ khâu kết nối đến khâu tiêu thụ trong 3 quý năm nay đã và đang diễn ra rất sôi nổi.
Nổi bật là tháng 9 vừa qua, sự kiện Vietnam Outsourcing 2023 diễn ra tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC, quận 7), kết nối các nhà sản xuất kinh doanh trong nước với nhà nhập khẩu, kênh phân phối, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài.
Từ đó, tạo ra sự dịch chuyển, tạo chuỗi sản xuất tiêu thụ một cách tốt nhất và có thể mở rộng hoạt động tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam.
Đây là những cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp xúc theo quy mô lớn với hàng trăm kênh phân phối và nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới để tìm cơ hội hợp tác với nhà bán lẻ nước ngoài cũng như được trao đổi, phổ biến thông tin và học hỏi kinh nghiệm để hàng Việt có thể tiếp cận các kênh phân phối quốc tế một cách tốt hơn.
* Cụ thể các chương trình này là gì, thưa ông?
- Đối với liên kết tiêu thụ trong nước, trong năm qua các hệ thống phân phối trong nước đơn cử như Saigon Co.op đã chủ động tích cực tham gia các chương trình diễn đàn kinh tế xã hội liên kết các vùng cả nước do UBND TP.HCM phối hợp với các tỉnh thành chủ trì.
Và để hiện thực hóa điều đó, Saigon Co.op đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp tổ chức chương trình "Tuần hàng xoài Đồng Tháp" để mang các sản phẩm xoài cát chu, xoài cát Hòa Lộc, xoài giống Đài Loan đến với người tiêu dùng cả nước thông qua hệ thống siêu thị của Saigon Co.op tháng 4 năm nay.
Các hoạt động này hỗ trợ đắc lực việc quy hoạch vùng nguồn nguyên liệu, phát huy thế mạnh của địa phương theo quy hoạch kinh tế chung, phát triển đặc sản vùng miền, cam kết cụ thể nhằm gia tăng sản lượng tiêu thụ, phát triển tận gốc, cũng như thúc đẩy không ngừng nâng cao chuẩn mực hàng hóa trong khu vực, hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, mỗi năm Co.opXtra xuất khẩu từ 200 - 300 tấn hàng hóa trong nước bao gồm nông sản (chuối, thanh long, dưa lưới, ớt chuông, hạt tiêu, dầu ăn...); thủy hải sản (tôm, cá tra phi lê...) sang thị trường Singapore.
Chỉ tính riêng tổng giá trị xuất khẩu của Saigon Co.op trong năm 2022 đạt gần 70 tỉ đồng, thông qua liên doanh với NTUC Fair Price... Tôi nghĩ thúc đẩy tiêu dùng, tận dụng tốt cơ hội thị trường vào dịp cuối năm, lễ Tết... chúng ta sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức trước mắt của nền kinh tế trong nước.
Chọn thời điểm thích hợp áp dụng quy định "hàng hóa của Việt Nam"
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có báo cáo đến đại biểu Quốc hội về việc tạm dừng ban hành thông tư quy định về hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Ở góc độ là chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất của bộ trưởng. Năm nay tiếp tục là một năm đầy khó khăn đối với doanh nghiệp khi bức tranh kinh tế vẫn chưa khởi sắc đáng kể.
Quy định của thông tư chỉ áp dụng khi thương nhân có nhu cầu ghi nhãn "sản xuất tại Việt Nam" với hàng hóa của mình (nghĩa là hàng hóa nào muốn dán nhãn này thì mới bị điều chỉnh). Trường hợp hàng không ghi xuất xứ Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi chính sách này.
Nhìn nhận một cách tích cực, để hàng hóa xuất xứ Việt Nam của chúng ta ngày càng chuẩn hóa và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường quốc tế thì việc ban hành thông tư quy định về hàng hóa xuất xứ Việt Nam là điểm tích cực và cần có thời điểm thích hợp.
Chương trình "Tri ân từ trái tim" do Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) tổ chức tại 800 điểm bán trên toàn quốc đang bước vào giai đoạn tăng tốc về đích.