Tại thị trường trong nước, giá cà phê nhân xô lập mốc cao kỷ lục, có thời điểm lên đến 70.000 đồng/kg, cao hơn 65% so với cuối năm 2022. Đây cũng là mức cao kỷ lục trong vòng hơn 20 năm nay, giúp người dân trồng cà phê được lợi.
Theo Tổng cục Hải quan, giá xuất khẩu cà phê cao nhất trong vòng 30 năm qua, bình quân đạt hơn 2.600 USD/tấn trong 2 tháng qua, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Niên vụ này, xuất khẩu cà phê Việt Nam dự kiến thu về hơn 4 tỷ USD.
Nông dân tăng sản xuất cà phê hữu cơ
Giá cà phê năm nay tăng cao một phần cũng bởi những tác động từ tình hình xung đột vũ trang và biến đổi khí hậu. Hiện tượng El Nino đã khiến năng suất cà phê tại Brazil bị sụt giảm. Trong bối cảnh này, Việt Nam có lợi thế khi vẫn giữ ổn định diện tích trồng, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng bằng cách tiếp cận với sản xuất cà phê sạch, cà phê hữu cơ đạt những tiêu chuẩn, chứng nhận trong nước và quốc tế.
Nhiều nông dân, doanh nghiệp chú trọng vào khâu sơ chế, vận hành quy trình chế biến nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu của cà phê. (Ảnh: TTXVN)
20 năm gắn bó với vườn cây này, trung bình năm nào cà phê cũng cho sản lượng thu hoạch khoảng 3 tấn nhân, nhưng điểm khác biệt là trước đây vào mỗi vụ thu hoạch, ông Minh (xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk không quyết định được giá bán và kinh tế bấp bênh, còn bây giờ thu nhập từ cà phê của gia đình ông khấm khá và ổn định hơn nhiều.
"Tôi chuyển từ sản xuất cà phê truyền thống sang hữu cơ đã được 4 năm. Vì tôi cảm thấy mô hình sản xuất cà phê hữu cơ cho thu nhập ổn định hơn. Cà phê truyền thống người ta bán ra thị trường 40.000 đồng, tôi bán được 60.000 đồng", ông Trần Hồng Minh, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, chia sẻ.
Để có giá bán gấp 1,5 lần so với cà phê sản xuất theo lối truyền thống, bà con nông dân đã thành thục mọi quy trình nghiêm ngặt trong từng công đoạn sản xuất theo hướng hữu cơ: loại bỏ toàn bộ phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, thay bằng chế phẩm vi sinh; những trái cà phê được hái khá chậm và chỉ hái quả chín đỏ.
"Chăm sóc theo hữu cơ là mình nuôi cỏ, yên tâm về sức khỏe, năng suất có khả năng tăng hơn", anh Suân, xã Glar, huyện Đak Đoa, Gia Lai, cho biết.
"Việc hỗ trợ của hợp tác xã cho bà con về kỹ thuật đã giúp bà con gỡ vướng mắc trong quá trình chuyển đổi, từ đó bà con sản xuất có hiệu quả trên mảnh vườn của mình", anh Lê Hữu Anh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lam Anh, Xã Glar, huyện Đắk Đoa, Gia Lai, cho hay.
Đất tốt, vườn xanh, nhà nông khỏe mạnh, hạt cà phê đạt giá trị cao, được thị trường yêu thích - những lợi ích này đang giúp nông dân Tây Nguyên mạnh dạn gắn bó với cây trồng chủ lực này.
Xây dựng vùng cà phê chất lượng cao
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, bên cạnh thị trường châu Âu, nhu cầu cà phê nhân và cà phê hòa tan của Trung Quốc cũng đang tăng cao, mở ra cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Hiện khoảng 210.000 ha cà phê ở Tây Nguyên đã áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế 4C, UTZ, Flo…, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Việc đẩy mạnh liên kết xây dựng vùng cà phê chất lượng cao đã được người trồng cà phê hưởng ứng.
Hai năm trước, ông Tịnh (xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) đã phá bỏ 2.600 cây cà phê già cỗi để trồng cà phê dây. Đây là giống cà phê cao sản được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông công nhận là giống đầu dòng, đủ tiêu chuẩn lưu hành trên thị trường, khuyến khích bà con nhân rộng.
"Cà phê thường nhân nó nhỏ, nhân công cắt cành tỉa cành phải nhiều. Còn cà phê này chi phí thấp hơn. Nếu mình không trồng xen canh loại cây nào thì đạt 9 tấn/ha", ông Trần Quyết Tịnh, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, Đắk Nông, cho biết.
"Chất lượng được đặt lên hàng đầu, uy tín luôn luôn được bảo đảm trong khâu sản xuất cũng như văn hóa mua bán", ông Võ Đình Danh, Giám đốc HTX Nông, Lâm nghiệp Đắk Mil, Đắk Nông, cho hay.
Từ năm 2021 đến nay, riêng vùng nguyên liệu cà phê xây dựng được 8 tổ khuyến nông cộng đồng, qua đó tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao khoa học công nghệ; hình thành và phát triển các hợp tác xã làm nền tảng để hỗ trợ nông dân sản xuất bền vững; đồng thời tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong cải tạo đất để gìn giữ và duy trì tính chất lý hóa của đất và các yếu tố khác để bảo vệ vùng trồng cà phê chất lượng cao.
"Tổ chức lại vùng sản xuất tập trung theo hướng hình thành các hợp tác xã, các tổ chức của nông dân, để từ đó thống nhất và có sự kiểm soát trong cộng đồng, đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, đặc biệt có sự hỗ trợ của doanh nghiệp liên kết hợp tác", ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, thông tin.
Hiện cây cà phê đang bị cạnh tranh bởi cây sầu riêng. Lợi nhuận bà con thu về từ cây sầu riêng khoảng 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha, trong khi lợi nhuận từ cây cà phê chỉ khoảng 200 triệu đồng/ha. Giá cà phê tăng cao sẽ là một thuận lợi để nông dân giữ vườn cà phê, nhưng về lâu dài, việc hình thành những chuỗi liên kết ổn định gắn với thương hiệu mới là con đường phát triển bền vững.
VTV.vn - Niên vụ 2022/2023, xuất khẩu cà phê Việt Nam thu về 4,08 tỷ USD, tăng 3,4% so với niên vụ trước nhờ giá tăng cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.17393939081113202-oac-gnat-uv-uad-ehp-ac-aig/et-hnik/nv.vtv