Căn cứ tài liệu điều tra và các chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, Ngân hàng SCB đã cho vay, giải ngân cho 1.366 khách hàng, trong đó, liên quan đến trách nhiệm của Trương Mỹ Lan và đồng phạm vay 2.527 khoản với tổng số 1.066.608 tỷ đồng.
Đến ngày 17/10/2022, còn dư nợ 677.286 tỷ đồng gốc và lãi không có khả năng thu hồi, trong đó, dư nợ gốc và khoản vay của riêng Trương Mỹ Lan chiếm tới 93%.
Cơ quan điều tra xác định, sau khi thâu tóm Ngân hàng SCB, để rút tiền từ Ngân hàng này sử dụng cho mục đích cá nhân, Trương Mỹ Lan đã thông qua các cá nhân thân tín, giữ vai trò chủ chốt tại Ngân hàng SCB (gồm: Võ Tấn Hoàng Văn, Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung...) cùng với các cán bộ chủ chốt tại Tập đoàn VTP như Hồ Bửu Phương, Nguyễn Phương Anh... rút tiền của SCB dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay được hợp thức (vay khống), thậm chí có nhiều khoản vay rút tiền trước hoàn thiện hồ sơ sau.
Mỗi khoản cần rút ra trong các giai đoạn đều có cách làm khác nhau và được giao cho từng nhóm của VTP để dựng Công ty “ma, “vẽ” ra án đầu tư tại các dự án, giao cho các bộ phận tính toán tài sản đảm bảo cho phù hợp...
Đặc biệt, trong quá trình giải ngân số tiền 483.917 tỷ đồng, tài liệu điều tra thể hiện, hầu hết số tiền này đều tập trung giải ngân ở 3 đơn vị thuộc Hội sở và 3 chi nhánh lớn (SCB Chi nhánh Sài Gòn; SCB Chi nhánh Cống Quỳnh; SCB Chi nhánh Bến Thành). Các Chi nhánh còn lại chỉ cho vay 7% đối với khách hàng thông thường.
Như vậy, Ngân hàng SCB đã huy động từ 50 chi nhánh nhưng chỉ tập trung giải ngân đối với nhóm Trương Mỹ Lan - Tập đoàn VTP tại ở 3 đơn vị Hội sở, 3 chi nhánh lớn, nhỏ lẻ ở 6 chi nhánh.
Các hồ sơ cho vay, giải ngân của nhóm Trương Mỹ Lan - Tập đoàn VTP tại các Đơn vị/Chi nhánh nêu trên, đều có ký hiệu, theo dõi riêng như “HSTT” (tức Hội sở tiếp thị), “Phương án, dự án” mà các đối tượng nhìn vào ký hiệu này đều hiểu là cho vay các Công ty của Trương Mỹ Lan.
Thực hiện hoạt động này, Trương Mỹ Lan đã giao cho Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung (phía Ngân hàng SCB) phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương, Phương Anh, Hồ Bửu Phương, Đặng Phương Hoài Tâm (phía Tập đoàn VTP) sử dụng các dự án vay vốn khống đã tạo lập để thực hiện giải ngân, chuyển tiền vào các tài khoản của các cá nhân, pháp nhân “ma” để thực hiện chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền.
Trương Mỹ Lan còn dùng thủ đoạn lập hồ sơ vay vốn hợp thức việc rút tiền của Ngân hàng SCB như: Tạo lập khách hàng vay vốn khống, thuê/nhờ người đứng tên tài sản; Tạo lập hồ sơ vay vốn khống; Đưa tài sản đảm bảo được định giá trị, để tạo ra một bộ hồ sơ đúng như quy định nhằm che giấu, đối phó với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, thực chất là để “rút ruột” Ngân hàng SCB.
Bên cạnh đó, nữ đại gia này cũng đưa tài sản đảm bảo không đủ pháp lý, nâng khống giá trị, hoán đổi, rút tài sản có pháp lý, có giá trị ra bán nhằm "rút ruột" Ngân hàng SCB.
Rồi thành lập các đơn vị cho vay thuộc SCB chỉ để phục vụ cho các mục đích giải ngân tiền cho nhóm Trương Mỹ Lan.
Do thông qua các Công ty nhóm Trương Mỹ Lan-Tập đoàn VTP lập hồ sơ vay vốn khống để rút tiền khỏi SCB để chiếm đoạt, sử dụng cá nhân khiến nợ gốc và lãi ngày càng “phình” ra, phải hạch toán nợ xấu không có khả năng thu hồi trong khi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bị hạn chế bởi quy định của Ngân hàng Nhà nước; bởi vậy, để che giấu thực trạng này và tiếp tục chiếm đoạt tiền của Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan và thuộc cấp đã thực hiện thủ đoạn bán nợ xấu cho VAMC và bán nợ trả chậm cho chính các Công ty “ma” do nhóm VTP thành lập với tổng số tiền tới trên 200.000 tỷ đồng.
Ngoài những thủ đoạn nêu trên, quá trình hoạt động do SCB thường xuyên bị kiểm tra, giám sát, thanh kiểm tra tình hình hoạt động; để không bị phát hiện, xử lý các hành vi sai phạm do mình và đồng bọn gây ra, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các cán bộ chủ chốt của Ngân hàng SCB mua chuộc cán bộ, Lãnh đạo Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng, Lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, Tổ trưởng Tổ giám sát tăng cường tại Ngân hàng SCB để bưng bít, che giấu thông tin sai phạm, báo cáo không trung thực, không đầy đủ.
Ngoài ra, để đối phó, che giấu hành vi phạm tội của mình và đồng phạm, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng SCB (gồm: Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT, Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc,...) thực hiện việc phân bổ các khoản vay của Trương Mỹ Lan chỉ đạo cho vay từ việc tập trung giải quyết cho vay ở một số Chi nhánh chính của Ngân hàng SCB (gồm: Sài Gòn, Cống Quỳnh, Phạm Ngọc Thạch, Bến Thành) sang một số Chi nhánh SCB khác (gồm: Đông Sài Gòn, Củ Chi, Tân Định ...) để làm giảm mức độ chú ý của lực lượng chức năng khi kiểm tra việc tăng trưởng tín dụng của Chi nhánh.
Đặc biệt là, giai đoạn 2017 - 2018, Ngân hàng SCB chịu sự thanh tra các hoạt động, trong đó có hoạt động tín dụng của Đoàn thành tra liên ngành (gồm: Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia), trong đó có việc tập trung thanh tra tại Ngân hàng SCB chi nhánh Phạm Ngọc Thạch do đã phát hiện dấu hiệu sai phạm.
Để che giấu, đối phó với lực lượng thanh tra, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng SCB thực hiện việc tất toán khoản của Trương Mỹ Lan tại Chi nhánh này bằng việc tạo lập các khoản vay mới ở các Chi nhánh SCB khác, sử dụng tiền để tất toán.
Từ đó, Chi nhánh SCB Phạm Ngọc Thạch phát sinh rất ít khoản vay của Trương Mỹ Lan. Tuy nhiên, để không ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của Lan, Lan đã chỉ đạo Ngân hàng SCB tiếp tục cho thành lập thêm các đơn vị cho vay mới...
Theo kết luận điều tra, Trương Mỹ Lan là Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, sở hữu số lượng lớn các công ty con, công ty liên kết; giao cho người nhà, người thân tín điều hành, quản lý.
Trương Mỹ Lan không nắm chức vụ tại Ngân hàng SCB nhưng là cổ đông chính ở đây, thời điểm ít nhất cũng giữ 85% cổ phần.
Trương Mỹ Lan đã dùng SCB làm "kênh huy động vốn" cho cá nhân mình; cùng đồng phạm lập khống hồ sơ vay vốn để rút tiền trong SCB - vốn là tiền người dân, khách hàng gửi vào.
Cơ quan điều tra xác định Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng của SCB. Số tiền này đến nay ngân hàng không thể chi trả và còn phát sinh số tiền lãi hơn 129.372 tỷ đồng.
Xem thêm: lmth.174551_tahp-hniht-nav-uhc-ab-auc-bcs-gnah-nagn-tour-tur-naod-uht/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc