Trao đổi với Tuổi Trẻ về nghề giáo nhân dịp 20-11, giáo sư Hồ Ngọc Đại khẳng định: Ngay từ khi còn trẻ, mới ngoài 20 tuổi được giao đứng lớp, tôi đã xác định hoàn toàn tập trung vào nghề dạy học. Vị trí này, quyền này chức nọ không có ý nghĩa gì, vì với tôi, được làm cái nghề mà mình mạnh nhất hoặc mạnh hơn so với người khác là hạnh phúc.
Tám tiếng học ở trường là đủ
* "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui", "Trường học hạnh phúc" là những khẩu hiệu được treo ở nhiều trường học. Giáo sư cũng đã nhiều lần đề cập đến chuyện này. Tại sao đến trường là phải vui, đi học là phải hạnh phúc, thưa ông?
- 45 năm trước, năm 1978 khi khai giảng khóa đầu tiên của Trường Thực nghiệm, tôi đưa ra hai khẩu hiệu: "Đi học là hạnh phúc" và "Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui". Hai câu này tới nay vẫn còn tồn tại và là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của nhà trường.
Rất buồn cười là hồi bấy giờ nhiều người phản đối. Có một nhà văn rất thân với tôi nói rằng: "Ông Đại ơi, chúng tôi đã lãng mạn nhưng mà ông còn lãng mạn hơn nhiều.
Đi học là hạnh phúc, trời ơi đi học cực bỏ cha bỏ mẹ mà hạnh phúc gì. Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui ư, trời ơi đến trường chỉ mong hết giờ, hạnh phúc gì"?!
Thời còn làm ở trường, cứ mỗi sáng đến trường gặp phụ huynh, tôi chỉ hỏi một câu: "Con có thích đi học không?". Phụ huynh trả lời: "Nó háo hức lắm thầy ạ! Buổi sáng chưa gì nó đã giục đi học rồi". Tôi nói như thế thì được.
Trường tôi không cho điểm, không đánh giá, không phê bình, không xếp hạng, không có gì hết. Mọi người nói thế sao học sinh phấn đấu được. Tôi thì cho rằng học sinh phải cảm nhận được việc học là vì chính mình, có vậy học sinh mới tự nhiên có trách nhiệm với sự học, mới cảm thấy đến trường là hạnh phúc thật và vui thật.
Giáo dục với tôi đơn giản như thế. Bây giờ khẩu hiệu "Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui" thành "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" - có một ngày vui hay thêm một ngày vui, được một ngày vui gì cũng được nhưng đến trường là phải vui, không vui thì đến làm gì.
* Nhưng làm sao để có thể truyền cho trẻ con cảm giác muốn đến trường và nhận ra được đi học là vì mình? Ông có thể chia sẻ với các phụ huynh làm sao để có thể truyền cho con cái cảm hứng đến trường?
- Bản thân nhà trường phải làm việc ấy chứ không ai có thể làm thay được. Nếu nhà trường làm được thì tự nhiên cha mẹ phải theo, xã hội phải theo. Không cần phải tuyên truyền cái gì hết, cũng không cần phải họp. Không bao giờ tôi họp phụ huynh để nói về cái chuyện dạy con ở nhà. Trẻ con đến trường là học, về nhà là chơi.
Tôi bảo tám tiếng học ở trường với tôi là đủ, không cần thêm gì hết, về nhà cho nó chơi. Thế bây giờ cho điểm, xếp hạng thế nào? Đứa nào cũng như đứa nào hết, chả việc gì phải xếp hạng cả.
Thầy không giảng
* Trong cuốn sách mới nhất Giáo dục hiện đại, ông có viết đại ý là giáo dục hiện đại thì người thầy không cần giảng nữa. Nếu như không giảng thì thầy giáo làm gì?
- Cần phải thay đổi nghiệp vụ của người làm sư phạm. Từ ngàn đời nay, từ thời Khổng Tử, luôn là thầy giảng trò ghi nhớ. Bây giờ phải thay đổi, thầy không giảng mà "thầy giao việc - trò làm việc; thầy thiết kế - trò thi công". Công việc mang lại năng lượng, năng lượng sẽ cung cấp cho tri thức cho nên học sinh nào làm nhiều thì có nhiều, làm ít thì có ít, không làm thì không có gì.
Vượt bỏ công thức cũ thầy giảng giải - trò ghi nhớ thì cái mới là gì? Đó chính là cách làm mới: thầy thiết kế - trò thi công; là "trẻ em tự mình làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình, vì chính mình, để trở thành chính mình".
Nguyên tắc cơ bản của nghiệp vụ sư phạm hiện đại là không đưa đến cho trẻ em sản phẩm làm sẵn, buộc phải chấp nhận (học thuộc lòng). Thầy hiện đại giao việc cho trẻ em làm. Trẻ em tự mình làm, làm theo trật tự của công nghệ giáo dục, chỉ làm một lần, chỉ tiêu dùng lượng thời gian cấp cho việc ấy. Mỗi em tự làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình, lấy năng lượng mới cấp cho mình phát triển; không đưa sản phẩm làm sẵn đến cho trẻ em, buộc trẻ em phải chấp nhận.
* Ông cũng đã từng nói nhiệm vụ đầu tiên của nhà trường là phải hướng đứa trẻ trở thành con người lương thiện. Nhưng chuyện một đứa trẻ có trở nên lương thiện hay không phải là trách nhiệm của cả gia đình và xã hội nữa chứ?
- Đúng rồi. Cả ba nhân tố gia đình, nhà trường, xã hội. Nhưng tôi cho rằng nhà trường phải chịu trách nhiệm chính. Bởi vì trẻ em ở trường cả ngày, từ sáng tới chiều, thì trường phải chịu trách nhiệm chính.
Tôi dạy con ở nhà cũng như dạy mọi đứa trẻ khác ở trường. Tôi không chê, không phạt con bao giờ. Tôi dạy con là dạy theo cái tự nhiên của nó, tạo mọi điều kiện để nó phát triển tự nhiên. Cái quan trọng nhất mà tôi dạy con không phải học để kiếm tiền, học để làm ông này bà nọ mà học để làm người lương thiện. Giáo dục nhà trường trước hết là phải dạy cho học sinh trở thành người lương thiện.
* Vậy ông có lời khuyên nào cho các phụ huynh muốn cho con mình có thể trở thành những người lương thiện, muốn cho con mình được sống hạnh phúc?
- Phải vì con, vì con đúng nghĩa đen ấy. Tức là phải hiểu con, căn cứ vào cái con làm, cái con thích để hành xử với con chứ không phải căn cứ vào ý mình, cái mình không thích là mình cấm con, mắng con. Trẻ em vô tư hơn người lớn, trẻ em làm gì là làm một cách chân thành chứ người lớn làm là còn tính toán cái này cái khác, nhìn trước nhìn sau. Cho nên tôi muốn trẻ em được dạy đàng hoàng thì dân tộc sẽ đàng hoàng, trẻ con được coi trọng thì sau này chúng sẽ có tự trọng.
"Thương cho roi cho vọt: Bậy!"
"Thương cho roi cho vọt" theo tôi là câu nói tàn bạo nhất. Đây là "di sản" của phong kiến để lại. Vì như thế này: yêu thì phải nói cho nó biết cái sai của nó, cho nó biết cái đúng của cuộc đời. Chứ roi là dành cho súc vật, súc vật phải dùng roi đánh vào người nó thì nó mới sợ chứ con người thì phải "đánh" vào đầu óc, "đánh" vào tâm hồn, "đánh" bằng tình yêu đối với nó, bằng trí khôn đối với nó thì nó mới thay đổi, mới tiến bộ.
Tôi không làm giáo dục mò mẫm
Tôi làm giáo dục có lý luận, có lý thuyết chứ tôi không làm giáo dục mò mẫm, không làm giáo dục theo thói quen. Thực ra tôi làm giáo dục đối tượng đối với tôi là trẻ em, rõ ràng như vậy. Và chỉ là trẻ em, còn cha mẹ thì tôi không quan trọng.
Trẻ em chấp nhận thì may ra nền giáo dục đúng, trẻ em không chấp nhận thì nền giáo dục dứt khoát sai. Anh làm cái gì đối với trẻ em mà nó chấp nhận thì may ra anh làm đúng, anh làm gì mà trẻ em không chấp nhận thì dứt khoát anh sai chứ không phải trẻ em sai. Vì trẻ em lương thiện, rất lương thiện nên cái gì đúng là nó biết.
Chương trình thực nghiệm anh thấy sai thì đó là theo quan điểm của anh chứ không phải quan điểm của trẻ em. Tôi làm giáo dục là theo quan điểm của trẻ em. Bây giờ bảo tôi đi theo quan điểm của người lớn thì tôi không bao giờ làm vì tôi nhận ra trẻ con là chủ thể của giáo dục.
Đến Trường mầm non Vũ Ninh, tỉnh Thái Bình, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy một thầy giáo đứng ở cổng trường cùng các cô giáo đón học sinh.