Động thái này không chỉ đồng bộ với phát ngôn chính thức của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) về quyết tâm thúc đẩy chiến dịch đến "bất cứ nơi nào Hamas tồn tại" vào ngày 17-11, mà còn phù hợp với chiến thuật điều hướng dư luận mà IDF đang triển khai trên cả ba mặt trận tâm lý, truyền thông và pháp lý.
Tạo thế đã rồi
Học thuyết "Tam chủng chiến pháp" được Trung Quốc xây dựng từ năm 2003 nhưng có nhiều dấu hiệu tương đồng cho thấy chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang áp dụng "ba mặt trận" nói trên một cách hiệu quả trong cuộc chiến với phong trào Hồi giáo Hamas.
Học thuyết này định hình một chuỗi các biện pháp kết hợp về tâm lý - truyền thông - pháp lý nhằm giúp các quốc gia giữ được thế chủ động trên mặt trận thông tin, thậm chí có thể tạo nên hiệu ứng gây nhiễu hoặc đẩy ngược sức ép dư luận về phía của đối thủ.
Trong đó với trọng tâm nằm ở mặt trận tâm lý, IDF ngay từ giai đoạn đầu chiến sự đã được ghi nhận có những đợt thả truyền đơn đến các TP ở phía bắc Dải Gaza nhằm kêu gọi người dân di tản xuống phía nam.
Đến khi chuyển sang giai đoạn 2 tiến công đổ bộ "cường độ thấp" vào TP Gaza, IDF từng bước chấp thuận "ngừng bắn nhân đạo" bốn giờ mỗi ngày, nới lỏng kiểm soát các chuyến hàng viện trợ nhân đạo vào phía nam Dải Gaza để trấn an tâm lý của người dân Palestine tiếp tục rời bỏ vùng chiến sự ở thành phố Gaza tại phía bắc để đến nơi được cho là "an toàn hơn".
Tuy nhiên, sau khi IDF tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn phía tây TP Gaza và chuẩn bị chuyển sang "giai đoạn tiếp theo" thì TP Khan Younis lớn nhất ở phía nam Dải Gaza lại trở thành mục tiêu trọng điểm. Lúc này IDF không chỉ tiếp tục thả truyền đơn đến Khan Younis như hồi chuẩn bị đánh TP Gaza, mà còn để lộ chủ ý muốn điều hướng dòng người Palestine di tản đến cửa khẩu Rafah ở phía tây.
Ý định này được thể hiện khi IDF đưa ra phát ngôn bằng tiếng Ả Rập về việc đảm bảo một hành lang nhân đạo trên đường Salah a-Din để người dân từ phía bắc có thể tiếp cận khu vực an toàn ở al-Mawasi phía nam Dải Gaza. Sau đó, IDF sẽ tạm dừng hoạt động quân sự trong ngắn hạn tại trại al-Shabura gần Rafah ở miền nam Gaza, từ 10h sáng đến 2h chiều, vì "mục đích nhân đạo" kể từ ngày 18-11.
Nói cách khác, trên mặt trận tâm lý, IDF đang có xu hướng kêu gọi người dân Palestine di tản xuống phía nam nhưng lại tiếp tục mở rộng chiến sự xuống đây để từ trung tâm phía nam Dải Gaza người dân sẽ theo hành lang nhân đạo sang cửa khẩu Rafah (giáp biên Ai Cập). Viễn cảnh này lại có phần trùng khớp với nhóm tài liệu bị rò rỉ vào đầu tháng 11-2023 cho thấy Israel muốn tạo thế đã rồi nhằm buộc Chính phủ Ai Cập phải tiếp nhận làn sóng người tị nạn từ Gaza.
Dùng truyền thông củng cố pháp lý
Không chỉ phát huy tối đa hiệu quả từ mặt trận tâm lý, Israel cũng sử dụng các kênh truyền thông của họ để truyền tải ba thông điệp về tính chất "phòng vệ chính đáng" và phù hợp với luật pháp quốc tế của IDF.
Đầu tiên chính là việc khởi đăng các hình ảnh về những tội ác mà các chiến binh Hamas đã gây ra ngày 7-10 khiến hơn 1.200 người Israel bị giết và hơn 240 người đến nay bị bắt làm con tin, tạo ra nền tảng pháp lý cho IDF thực hiện chiến dịch "phi quân sự hóa" Dải Gaza nhằm tiêu diệt Hamas.
Sau đó là chuỗi thông tin nhằm minh chứng cho thế giới thấy rằng phe Hamas đã xây dựng "thành trì quân sự" ở sát hoặc bên dưới các cơ sở hạ tầng dân sự trọng yếu như Bệnh viện Al Shifa, trường học và thậm chí cả trại Jabalia - trại tị nạn lớn nhất Gaza. Đi kèm với số liệu IDF đã chuyển hơn 6.000 lít nước, hơn 2.300kg thực phẩm cho Bệnh viện Al Shifa và 10.000 lít nước phục vụ hệ thống viễn thông ở Gaza, góc nhìn về IDF đã trở nên tích cực hơn.
Mặc dù Hamas và cả nhân viên ở các cơ sở dân sự này đều lên tiếng phủ nhận toàn bộ các cáo buộc trên nhưng cũng không thể khuếch đại áp lực dư luận lên Israel trên mặt trận tâm lý vốn đã bị "gây nhiễu" bởi quá nhiều thông tin đối trọng với nhau.
Và cuối cùng, Israel đang triển khai các luận cứ để lan tỏa thông điệp từ chính Thủ tướng Netanyahu cho rằng chính quyền Palestine hiện không đủ khả năng đảm bảo an ninh và quản lý Gaza thời hậu chiến. Các luận điểm truyền thông sẽ hỗ trợ tối đa giúp IDF tránh được các khung pháp lý về "tội ác chiến tranh" vì cáo buộc phía Hamas sử dụng "lá chắn sống" nên chính Hamas sẽ trở thành bên phải chịu trách nhiệm cho các thương vong dân sự theo Công ước Geneva.
Nhìn chung, chính quyền ông Netanyahu đã có sự phối hợp hiệu quả với cánh quân sự IDF trong việc xây dựng ba mặt trận tâm lý - truyền thông - pháp lý nhằm "đẩy ngược" áp lực dư luận từ cả khối Ả Rập - Hồi giáo lẫn các đồng minh phương Tây sang phía Hamas.
Từ đó, các hoạt động chuyển hướng chiến sự từ phía bắc xuống phía nam Dải Gaza của IDF đã có thể thoát được nhiều viễn cảnh bất lợi trên mặt trận pháp lý, đồng thời có thể đạt được kịch bản tốt nhất khi Israel trở thành bên duy nhất đảm nhiệm vai trò quản lý Dải Gaza thời hậu chiến.
3.600
Theo số liệu của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo Liên Hiệp Quốc, đến nay đã có hơn 3.600 người dân bị thương vong khi di tản đến các khu vực như Israel đề nghị ở phía nam Dải Gaza.
Ông Biden nói: "Gaza và Bờ Tây cần được thống nhất dưới một cơ cấu quản lý duy nhất, đó là một Chính quyền Palestine có thêm sức sống mới, trong quá trình tất cả đều hướng tới giải pháp 2 nhà nước".