Đề xuất được Bí thư Nguyễn Văn Nên nêu tại phiên họp của Ban chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (gọi tắt Ban Chỉ đạo).
Phát biểu tại phiên họp, ông Nên đánh giá quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp trung ương hoàn toán có tính cách mạng rất cao, mới, chưa từng có của Chính phủ và Thủ tướng.
Nếu chỉ thành lập ban chỉ đạo ở TP.HCM, việc giải quyết các vướng mắc sẽ mất thời gian rất nhiều để thực hiện tinh thần nghị quyết.
Qua nghe phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo, ông Nên đề nghị lãnh đạo bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo cần phát huy vai trò thành viên chứ không chỉ vai thứ trưởng bình thường.
"Việc này có nghĩa là các thành viên cần tham gia thảo luận, đóng góp theo trách nhiệm, quyền hạn là thành viên ban chỉ đạo, không bị lệ thuộc vào những việc khác. Tinh thần làm đúng, làm đủ trách nhiệm của mình. Tôi đề nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân trong từng thành viên được giao", ông Nên nói thêm.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng trọng tâm của vấn đề thực hiện nghị quyết 98 là vấn đề nhân sự, nguồn nhân lực. Theo đó, các thành viên phải tập trung thực hiện sứ mệnh của mình.
Riêng đối với TP.HCM, ông Nên xin Thủ tướng, với tư cách trưởng Ban Chỉ đạo, nếu thống nhất, TP.HCM đề nghị xin thêm một suất phó chủ tịch UBND TP chuyên sâu đảm trách việc thực hiện nghị quyết 98.
"Hiện nay, bộ máy chính quyền hiện hữu, phần cứng của TP.HCM là quá sức nên việc tập trung, tham mưu phối hợp với các bộ, ngành cũng có những khó khăn. Nếu được, Thủ tướng đồng ý, chúng tôi sẽ báo cáo xin Thường trực Ban Bí thư".
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online về đề xuất này, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho hay TP.HCM muốn có thêm một nhân sự phó chủ tịch chuyên trách, tham gia vào Ban Chỉ đạo, kết nối công việc và các thành viên của Ban Chỉ đạo với TP để tham mưu các công việc thực hiện nghị quyết 98.
Theo ông Nên, hiện nay các phó chủ tịch UBND TP.HCM đã được phân công đảm nhận các lĩnh vực khác nhau. Việc thực hiện nghị quyết 98 là công việc mới, đặc thù, trong khi các phó chủ tịch khác đã thực hiện quá công việc điều hành hằng ngày. Nếu "ôm" thêm mỗi người một món trong nghị quyết 9 sẽ không tập trung.
Mặt khác, không có người xâu chuỗi để tham mưu xuyên suốt các chính sách cho TP. Hiện tại các bộ cũng như Văn phòng Chính phủ không có người chuyên trách việc này. "Nhân sự đề xuất theo cơ chế phục vụ Ban Chỉ đạo nhưng đồng thời chuyên trách công việc của chính quyền TP liên quan đến việc triển khai các chính sách, cơ chế đặc thù nhanh hơn", ông Nên cho hay.
TP.HCM có đủ 5 phó chủ tịch UBND
Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Hà Nội và TP.HCM có không quá 5 phó chủ tịch UBND TP. Ngày 11-11-2023, HĐND TP.HCM đã bầu ông Nguyễn Văn Dũng, phó chủ tịch HĐND TP, làm phó chủ tịch UBND TP.HCM.
Như vậy, đến nay TP.HCM có đủ 5 phó chủ tịch gồm các ông Võ Văn Hoan, Bùi Xuân Cường, Ngô Minh Châu, Dương Anh Đức và Nguyễn Văn Dũng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng việc thực hiện chính sách, cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM phải vận dụng những gì thông thoáng nhất, các bộ, ngành không nên quá sợ và nêu đủ thứ việc vướng luật, tạo nút thắt thay vì gỡ vướng.