Sách giáo khoa và đổi mới giáo dục là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập, tranh luận tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 4.11.
Không thể dừng lại ở việc rút kinh nghiệm
Nối tiếp cuộc tranh luận về đề xuất cơ quan điều tra cần vào cuộc để làm rõ sai sót của sách giáo khoa lớp 1 thời gian vừa qua, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) cho biết, thực chất kiến nghị của mình là đẩy nhanh tiến độ điều tra đối với hành vi in ấn trái phép, làm giả sách giáo khoa, sách tham khảo để bảo đảm quyền tác giả, quyền xuất bản.
Theo đại biểu là giáo viên tỉnh Nam Định, lý do là vì tình trạng sách lậu đã tồn tại trong nhiều năm và đây cũng là băn khoăn của cử tri địa phương nơi bà Thảo được bầu.
"Trước Quốc hội, đại biểu nào phát biểu ra sao, nội dung thế nào cử tri đều giám sát, muốn phán xét một đại biểu cần sự phản hồi từ trong dân, từ lòng dân, từ ý dân chứ không phải từ cái nhìn phiến diện từ một cá nhân nào”, bà Thảo nói.
Đại biểu Đặng Phương Thảo tiếp tục cuộc tranh luận từ chiều qua Ảnh Gia Hân |
Tiếp tục ý kiến về này, đại biểu Phạm Minh Hiền cũng đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm trong sự cố về sách giáo khoa lớp 1, đặc biệt, lỗi sai về trách nhiệm cần phải được giải quyết, xử lý thật nghiêm minh ở từng cấp, từng bộ phận.
"Không thể dừng lại ở việc rút kinh nghiệm và càng không nên trấn an dư luận bằng sợi dây kinh nghiệm có sức biến hóa thần kỳ, không người dân nào đủ kiên nhẫn rút mãi sợi dây vô định này bằng sức lực của niềm tin”, bà Hiền nói.
Cần có sự đồng thuận, chia sẻ với ngành giáo dục
Trao đổi với các đại biểu Thảo và Hiền, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết bà chia sẻ với những lo toan, trăn trở của các đại biểu song cho hay, đổi mới chương trình sách giáo khoa là việc lớn và rất khó.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, vừa rồi xảy ra đại dịch Covid-19, khiến hoạt động bồi dưỡng giáo viên, học sinh chịu áp lực rất lớn. Với học sinh, sự chuẩn bị vào lớp 1, nhẽ ra các em 5 tuổi có góc tiếp cận phổ cận cũng trong Nghị quyết Quốc hội của chúng ta, nhưng các em phải ở nhà, không có thời gian chuẩn bị.
Bà Minh mong đại biểu hiểu những điều đó để nhìn nhận cả chặng đường triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, để có sự đồng thuận, nhìn nhận, chia sẻ với ngành giáo dục.
"Những hạn chế, “sạn” sách giáo khoa là điều không tránh khỏi và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có những hứa hẹn, và có chỉ đạo rất quyết liệt trong ngành. Tôi chỉ muốn góp thêm tiếng nói và mong muốn đổi mới của chúng ta tốt đẹp", Thứ trưởng Minh nói.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) tiếp tục tranh luận với đại biểu Thảo Ảnh Gia Hân |
Cũng phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là hết sức đúng đắn. "Tôi tin tưởng rằng Bộ GD-ĐT thực hiện đúng quy trình, trách nhiệm cao và có sự góp ý của các giáo sư, tiến sĩ và ban chỉ đạo. Tất nhiên, quá trình thực hiện, đây là lần đầu tiên nên việc thực hiện không thể tránh khỏi sai sót cần phải rút kinh nghiệm”, ông Phương nhận định và cho biết, rất nhiều người có ý thức góp ý song cũng có nhiều đối tượng đẩy sự việc nặng nề thêm và phủ nhận thành tích của Bộ GD-ĐT.
Từ đó, ông Phương cho rằng, không nên đẩy sự việc lên mức độ khiến người dân mất niềm tin về Bộ GD-ĐT.
“Ngành GD-ĐT mới làm lần đầu tiên, có những sơ xuất như thế thì đề nghị phải có những chia sẻ, làm thế nào đó để cùng chung sức, đồng lòng với Bộ GD-ĐT trong thực hiện Nghị quyết 29 thành công”, ông Phương kiến nghị.
Trực tiếp tranh luận với đại biểu Thảo, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, sách giáo khoa tiếng Việt 1 có lỗi, có sai sót nhưng không phải là vấn đề nghiêm trọng như một số ý kiến phát biểu. Việc này khắc phục được.
Ông Phương đọc lại phát biểu của đại biểu Thảo ngày hôm qua và cho biết, việc chuyển cơ quan điều tra việc in sách lậu là hoàn toàn chính xác, ông không có ý kiến về việc này. "Tôi chỉ băn khoăn chuyện một số lỗi trong sách giáo khoa lớp 1 mà phải chuyển cơ quan điều tra để truy trách nhiệm của hội đồng biên soạn, hội đồng thẩm định, của tác giả, chủ biên… thì có gì đó quá mức”, ông Phương nói.
Trước đó, trong chiều qua, 3.11, trong phát biểu của mình, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo nói: “Tôi đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng từng khâu để làm rõ mức độ sai sót. Pháp luật đã có đầy đủ các quy định tạo căn cứ để có thể tiến hành xử lý hay kỷ luật các cá nhân có trách nhiệm khi có dấu hiệu sai phạm. Mặt khác, thu hồi sách giáo khoa để chỉnh sửa là việc làm có phạm vi lớn, không còn là nội bộ trong ngành giáo dục, nó có đối tượng chịu tác động rất rộng từ học sinh, giáo viên, phụ huynh tới nhà trường, các địa phương và kéo theo cả sự vào cuộc của nhiều cơ quan. Để khắc phục, dự kiến sẽ tốn kém về tiền của, gây ảnh hưởng tới việc sử dụng tài sản cá nhân, tổ chức, tới tài sản của nhà nước. Vì vậy, để tránh làm tăng bức xúc cho nhân dân, tôi đề nghị cần có sự vào cuộc của cơ quan điều tra. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, đưa ra xét xử để truy cứu trách nhiệm đối với các hành vi in ấn trái phép, làm giả sách giáo khoa, sách tham khảo để đảm bảo công bằng về quyền tác giả, về quyền xuất bản của từng bộ sách”. Sau phát biểu này, đại biểu Bùi Ngọc Phương tranh luận, cho rằng, ngành giáo dục đã hết sức cố gắng, dù vậy, có một số thiếu sót không tránh khỏi, nhưng không phải sai sót quá nghiêm trọng mà chỉ là một số ngữ liệu ở dạng học âm, học vần chưa thật phù hợp. “Không phải sai sót đến mức như đại biểu nói là phải chuyển cơ quan điều tra, hoặc hình sự hóa việc sai sót này”, đại biểu Phương nói và cho rằng, các phát biểu cần cẩn trọng nếu không có thể gây tâm lý, có thể là hoài nghi, hoang mang trong nhân dân và cử tri. |