Phó giáo sư khoa học chính trị Benjamin Melusky thuộc Trường Đại học Old Dominion (Mỹ) nói rằng kịch bản bầu cử có kết quả sít sao dẫn tới tình huống Tòa án Tối cao buộc phải đóng vai trò định đoạt như những gì từng xảy ra năm 2000. Ông Melusky nói với kênh 13News Now rằng cuộc đối đầu giữa ông George W. Bush và đối thủ Al Gore hồi năm 2000 đã tạo tiền đề cho cuộc bầu cử năm nay.
Ông Melusky dự báo bang Bắc Carolina có thể là chiến trường pháp lý quan trọng, khi Đảng Dân chủ gia hạn thành công thời gian tiếp nhận phiếu bầu qua đường bưu điện ở Bắc Carolina (tức đến ngày 12-11 thay vì ngày 6-11 như thời hạn ban đầu). Bắc Carolina là một trong những bang chiến trường mà 2 ứng viên tổng thống Mỹ nỗ lực vận động trong thời gian qua với hy vọng được trọn 15 phiếu đại cử tri để giúp họ giành chiến thắng chung cuộc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên Joe Biden tập hợp đội ngũ luật sư chuẩn bị cho tình huống kết quả bầu cử không được quyết định bằng phiếu bầu Ảnh: AP
Phó giáo sư Mark Rom của Trường Chính sách công McCourt thuộc Trường Đại học Georgetown (Mỹ) cho rằng kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc kiểm đếm các lá phiếu qua thư, có thể mất vài ngày hoặc vài tuần.
Theo dữ liệu của Dự án bầu cử Mỹ do Michael McDonald - giáo sư Đại học Florida điều hành - ước tính khoảng 97 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu sớm bầu tổng thống, gồm 62 triệu phiếu bầu qua thư và 35 triệu phiếu bầu trực tiếp. Đây con số kỷ lục trong lịch sử bầu cử Mỹ và cao hơn gần gấp đôi so với năm 2016. Kiểm phiếu qua đường bưu điện trở thành vấn đề gây tranh cãi giữa 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Vấn đề đặt ra là việc kiểm toàn bộ số phiếu này có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến và như vậy, kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra. Đó là Tổng thống Donald Trump tuyên bố chiến thắng, trong khi ông Joe Biden lại giành chiến thắng cuối cùng một tuần sau đó khi tiến trình kiểm toàn bộ phiếu bầu kết thúc.
Chuyên gia pháp lý Lawrence Douglas của Trường Đại học Amherst (Mỹ) nhận định rằng rất nguy hiểm khi thời gian bỏ phiếu kéo dài với việc Tổng thống Donald Trump sẽ thúc đẩy thực hiện một cuộc chiến pháp lý, tự tuyên bố mình tái đắc cử và cho rằng các phiếu bầu qua bưu điện gian lận cần bị loại bỏ.
Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào kết quả. Nếu ông Biden thắng rõ ràng ngay từ đầu, có thể không phải trong ngày 3-11 mà một vài ngày sau đó thì cơ hội của Tổng thống Donald Trump thực hiện cuộc chiến pháp lý rất giới hạn. Nếu có sự chậm trễ trong việc kiểm phiếu tại một số bang chiến địa như Pennsylvania thì mọi việc sẽ rất phức tạp. Đó là chưa kể Đảng Cộng hòa từng cáo buộc Đảng Dân chủ sử dụng đại dịch Covid-19 dàn dựng kết quả bầu cử bằng cách loại bỏ các biện pháp bảo vệ chống gian lận.
Huệ Bình
NLĐ
Xem thêm: nhc.82453518050110202-yl-pahp-neihc-couc-ohc-ib-nauhc-ym-uc-uab/nv.zibefac