"Tôi tỉnh dậy và cảm thấy rất khoẻ", Tổng thống Donald Trump nói với những người ủng hộ tại buổi vận động tranh cử ở Arizona. Vỗ mạnh vào chiếc bục nơi ông đang đứng diễn thuyết, Trump miêu tả về những ngày phải nằm ở bệnh viện điều trị Covid-19: "Tôi nói, hãy để tôi ra khỏi đây. Boom! Siêu nhân tới đây!"
Trong khi Tổng thống diễn tả lại động tác vạch áo để phô bày logo hình chữ "S" của chàng siêu nhân Clark Kent trong bộ phim Man of Steel, đám đông phía dưới reo hò: "Siêu nhân! Siêu nhân! Siêu nhân!"
Mặc dù đã 74 tuổi và mắc bệnh béo phì, ông vẫn khiến nhiều người ngạc nhiên khi đã chiến thắng căn bệnh đang hoành hành trên khắp thế giới. Ông vẫn vậy, luôn khiến mọi người đi từ nỗi ngạc nhiên này đến điều sửng sốt khác, dù cho đó là bất ngờ xuất phát từ chính ông hay từ hoàn cảnh khách quan. Đó là chiến thắng bất ngờ năm 2016, là những chính sách điều hành chưa từng có tiền lệ, chưa ai dám làm cho đến đại dịch bất ngờ ập đến hay những toan tính về "điều bất ngờ tháng 10" mà ông cố gắng bấu víu trong cuộc chạy đua nước rút để giữ lại chiếc ghế ở Nhà Trắng.
Đêm 8/11/2016, cả thế giới sửng sốt khi ông trùm bất động sản Donald Trump bất ngờ chiến thắng trước bà Hillary Clinton để trở thành ông chủ mới của Nhà Trắng. Chiến thắng của ông bất ngờ là bởi ông chưa từng có kinh nghiệm chính trị và có những phát ngôn gây sốc đi ngược truyền thống, trong khi cựu Ngoại trưởng Hillary là người quá dày dặn kinh nghiệm và vẫn luôn dẫn trước trong các cuộc thăm dò.
Sự bất ngờ không chỉ dừng lại ở đó. Ngay khi vừa nhậm chức, ông đã phá tan một trong những di sản mà người tiền nhiệm Obama đã cố gắng hoàn thành trước khi rời Nhà Trắng bằng cách rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tuyên bố tái đàm phán Hiệp định thương mại Tự do Bắc Mỹ và gây sức ép lên Trung Quốc về vấn đề thương mại. Từ chỗ là lá cờ đầu về toàn cầu hoá, Mỹ trở thành nước phản đối toàn cầu hoá gay gắt.
Tuy giới phân tích vẫn cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khó có thể xảy ra vì những tổn thất lớn đối với cả 2 bên, ngày 22/3/2018, Mỹ chính thức nổ phát súng khơi mào khi áp thuế lên tới 25% với 50 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc. Cho đến tận hôm nay, sau nhiều đòn trả đũa, cuộc chiến ấy vẫn chưa chấm dứt, với tổng giá trị hàng hoá dịch vụ của cả 2 bên bị ảnh hưởng đã lên tới hàng trăm tỷ USD.
Trên mặt trận đối ngoại, ông trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên gặp lãnh đạo Triều Tiên, gần chạm tới 1 thoả thuận lịch sử giải toả căng thẳng Mỹ - Triều. Trump rút khỏi thoả thuận hạt nhân với Iran, rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ông cũng làm mọi đồng minh bất ngờ khi đánh thuế lên sắt thép nhập khẩu từ châu Âu, không khoan nhượng với Mexico và Canada, chê bai NATO là gánh nặng.
Có thể nói trong 4 năm ngồi trên ghế Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã "cai quản" tới 2 nền kinh tế đối lập hoàn toàn.
Trong giai đoạn đầu tiên – mà kéo dài đến tận tháng 3 vừa qua, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chinh phục được nhiều cột mốc lịch sử về việc làm, thu nhập và các chỉ số chứng khoán. Trong giai đoạn thứ hai – đánh dấu bằng đại dịch Covid-19, kinh tế Mỹ đã lập những kỷ lục buồn, với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất kể từ thời kỳ đại suy thoái.
Hai nền kinh tế đối lập này nằm trong danh sách những yếu tố chủ chốt ảnh hưởng đến quyết định của các cử tri. Và ông Trump phải đối mặt với thực tế phũ phàng: rất nhiều thành tựu của ông đã bị dịch bệnh xóa sạch chỉ trong nháy mắt. Không ngoa khi nói rằng nếu như không có Covid-19 thì ông Trump chắc chắn sẽ tái đắc cử.
Cho đến đầu năm nay, nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump vẫn được chú ý và đánh giá cao bởi đà tăng trưởng vững chắc của thị trường việc làm. Tuy nhiên, khi đại dịch càn quét nền kinh tế, số lượng việc làm đã giảm 15% chỉ trong 2 tháng. Kể từ tháng 5, chỉ có 1 nửa số đó được hồi phục. Bởi vậy, ông Trump đang bước vào cuộc bầu cử với số lượng việc làm bị mất nhiều nhất dưới thời bất kỳ tổng thống nào.
Trong 3 năm đầu tiên nhiệm kỳ của ông Trump, lĩnh vực sản xuất đã tạo ra thêm một số việc làm đúng như lời hứa của ông. Nhưng những thiệt hại mà các biện pháp giãn cách xã hội, thậm chí là đóng cửa nhiều bang gây ra đã khiến thành quả 3 năm tan thành mây khói. Tính đến tháng 9, lĩnh vực này chứng kiến số lượng việc làm giảm 164.000, tương đương 1,3% so với thời điểm ông Trump nhậm chức.
Thị trường "con bò" kéo dài nhất trong lịch sử đã diễn ra trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, khi nhà đầu tư hứng khởi với việc ông giảm thuế doanh nghiệp vào năm 2017. Bất chấp chiến tranh thương mại với Trung Quốc mang đến nhiều rủi ro, nhưng thị trường vẫn ghi nhận mức tăng kỷ lục cho đến năm 2020. Khi đại dịch bắt đầu lây lan vào đầu năm 2020, chỉ số S&P 500 đã giảm 34%. Dẫu vậy tính đến ngày 28/10, chỉ số này đã tăng 44% trong nhiệm kỳ của ông Trump và đó là đốm sáng nhỏ nhoi trong "bảng thành tích" nếu nhìn vào những con số.
Lâu nay lịch sử bầu cử Mỹ vẫn chứng kiến những "bất ngờ tháng 10" có thể làm thay đổi hoàn toàn tình thế cuộc đua. Năm 2016, vụ điều tra mà FBI thực hiện đối với bà Hillary chính là 1 sự kiện như vậy và đã tạo thuận lợi lớn cho ông Trump.
Tuy nhiên đáng tiếc là chính vào thời điểm ông Trump cần đến bất ngờ nhất thì lại chẳng có bất ngờ nào xảy ra, hay nói đúng hơn là những bất ngờ mà ông trông mong vào đã không tạo ra được hiệu ứng như mong muốn.
Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp William Barr ngay lập tức mở cuộc điều tra bê bối email của cha con ông Joe Biden, ngay trước cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng. Vụ "tham nhũng lớn" mà ông Trump đề cập chính là vụ quý tử nhà Biden - Hunter Biden - bị nghi đã lợi dụng quyền lực của cha khi còn làm phó tổng thống để kiếm chác. Nghiêm trọng hơn, một số email lấy từ laptop Hunter đã nhắc tới việc chia phần cho "ông lớn" mà nhiều người cho rằng đó là cựu phó tổng thống Joe Biden.
Vụ bê bối email này khiến nhiều người liên tưởng đến cơn ác mộng 4 năm trước xảy đến với Đảng Dân chủ. Tuy nhiên điều đó không xảy ra. Thậm chí suýt chút nữa điều bất ngờ "Tổng thống nhiễm Covid-19" đã khiến ông Trump lao đao.
Cuộc đời của người đàn ông này đã chứng kiến bao thăng trầm. Trước khi vào Nhà Trắng, Donald Trump từng phá sản tới 6 lần nhưng cuối cùng vẫn là doanh nhân thành đạt, là tỷ phú USD. Dù gập ghềnh và có đôi chút hỗn loạn trong thời gian đầu, 3 năm đầu nhiệm kỳ của ông đã đi qua suôn sẻ với 1 nền kinh tế và thị trường chứng khoán đang bùng nổ cùng với chút thành tựu trong chính sách ngoại giao. Thế nhưng Covid-19 đã bất ngờ ập đến và xoá nhoà tất cả những thành tích mà ông đạt được. Nhiều thành viên đảng cộng hoà tin rằng ông Trump sẽ tái đắc cử nếu không xảy ra đại dịch Covid-19.
Anthony Scaramucci, người từng có thời gian ngắn làm giám đốc truyền thông nhà Trắng, đã ở bên cạnh Trump trong những giờ cuối trước khi cuộc bầu cử kết thúc. Scaramucci cho biết bản thân ông Trump cũng từng dự đoán bà Clinton sẽ thắng. Khi 2 người đi dạo quanh Trump Tower, Trump hỏi Scaramucci sẽ làm gì vào ngày mai. Sau khi nghe ông nói rằng mình chưa có kế hoạch gì, Trump chia sẻ ông đã đặt máy bay riêng có thể rời sân bay quốc tế John F. Kennedy bất cứ lúc nào, để buổi sáng hôm sau ông có thể bay ngay tới Scotland, chơi golf ở resort Turnberry. "Suy nghĩ của ông ấy là "ổn thôi, chuyện kết thúc rồi, thật tốn thời gian và tiền bạc nhưng hãy gác sang 1 bên và tiến lên phía trước".
Nếu như những suy nghĩ của Trump năm 2016 là 1 chỉ dẫn, thái độ của ông trước việc thua cuộc có thể giống với dự đoán của nhiều người: "Không ai, không điều gì có thể khiến người đàn ông này đổ vỡ".
Người cháu gái Mary Trump của Tổng thống thì cho rằng ông sẽ "tự miêu tả bản thân là điều tốt nhất mà nước Mỹ từng có, và điều này không xứng đáng với tôi, tôi sẽ làm điều gì đó thật sự quan trọng, ví dụ như xây 1 toà tháp Trump ở Moscow".
Xem thêm: nhc.79340122140110202-pmurt-dlanod-net-gnam-ogn-tab-gnuhn-teib-mat/nv.fefac