TPHCM chưa thể dùng thẻ ngân hàng để đi metro số 1
Lê Anh
(TBKTSG Online) - Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2021, tuy nhiên hệ thống thu phí của tuyến metro này còn nhiều hạn chế, người dân chưa thể dùng thẻ ngân hàng các loại ví điện tử để thanh toán vé tàu như nhiều nước đang sử dụng.
Hệ thống thu phí của tuyến metro số 1 hiện chưa thể thanh toán qua thẻ ngân hàng và các ví điện tử -Ảnh: Lê Anh |
Hôm 6-11, Ban Quản lý Đường sắt đô thị (MAUR) đã báo cáo chính quyền TPHCM về việc triển khai hệ thống thu phí tự động (AFC) của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và các tuyến metro khác.
Đối với tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), hệ thống thu phí tự động (AFC) do nhà thầu Hitachi thực hiện. Hiện nay nhà thầu đang sản xuất các thiết bị và đạt 53% khối lượng, lắp đặt đạt 7% khối lượng tại công trường.
Tuy nhiên, hệ thống do nhà thầu Hitachi được lập từ năm 2010, nên các loại vé này còn nhiều hạn chế.
Ví dụ, các chính sách về giảm giá vé cho các đối tượng như học sinh, sinh viên, người già chưa được cập nhật. Còn hình thức nạp tiền vào thẻ cũng bị hạn chế, hiện chỉ có thể nạp tiền hoặc mua thẻ tại các máy bán vé hoặc tại các quầy bán vé của nhà ga mà chưa hỗ trợ qua thẻ ATM, thẻ tín dụng và các loại ví điện tử.
Hạn chế lớn nhất của hệ thống thu phí của metro số 1 cũng chưa cho dùng thẻ ngân hàng để thanh toán hoặc điện thoại thông minh thay vé khi đi tàu; chưa tích hợp vé thành ví điện tử để khách thuận tiện thanh toán khi mua sắm, dùng dịch vụ tại ga... trong khi hình thức này đã phổ biến tại nhiều quốc gia từ nhiều năm trước.
Do hệ thống thu phí còn nhiều hạn chế, MAUR đề xuất chính quyền TPHCM nâng cấp hệ thống thu phí tự động của tuyến metro số 1 để đáp ứng nhu cầu của người dùng hiện nay. Sau khi nâng cấp, hệ thống thu phí tự động tuyến metro số 1 có thể thực hiện dùng thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng ATM để làm vé đi tàu trực tiếp.
Dự kiến nguồn vốn thực hiện được đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách TPHCM vì việc nâng cấp này nằm ngoài hạng mục vay vốn của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica).
Đối với hệ thống thu phí của tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) và các tuyến khác, do sử dụng các nguồn vốn tài trợ từ các quốc gia khác nhau nên sẽ có sự khác nhau về công nghệ .
Vì vậy, Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM kiến nghị chính quyền thành phố sớm ban hành khung tiêu chuẩn kỹ thuật vé chung để đưa vào hồ sơ tiêu chuẩn kỹ thuật mời thầu gói thầu cơ điện tuyến metro số 2.
Hiện nay, vấn đề nan giải nhất của TPHCM là các tuyến tàu điện ngầm được xây dựng bằng vốn vay ODA của nhiều nước khác nhau. Khi vay vốn ODA của nước nào trong hợp đồng vay luôn có các điều khoản ràng buộc về sử dụng công nghệ của nước đó. Vì thế, mỗi tuyến sẽ sử dụng công nghệ khác nhau nếu không có sự kết nối liên thông thì trong tương lai người dùng sẽ phải dùng nhiều loại thẻ khác nhau để đi tàu điện ngầm.
Mời xem thêm:
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đạt 77%, vận hành cuối năm 2021
Xem thêm: lmth.1-os-ortem-id-ed-gnah-nagn-eht-gnud-eht-auhc-mchpt/804013/nv.semitnogiaseht.coaid