Có nơi hợp tác dùng chung mặt bằng kiểu "chia ca", có nơi theo kiểu "sống chung" để chia sẻ chi phí, tận dụng khách hàng của nhau.
Cà phê "cóc" ở mặt bằng đắc địa
Vài tháng gần đây, nhiều người đến Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM (đường Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận, TP HCM) đã ghé qua điểm bán cà phê mới ở ngay đối diện. Điểm bán là quầy cà phê lưu động Ông Bầu, chủ yếu phục vụ khách mang đi nhưng nếu khách muốn ngồi uống tại chỗ vẫn có vài chiếc bàn để sẵn, dưới bóng mát dễ chịu của cây lộc vừng trong khuôn viên nhà hàng Ba Gác với giá chỉ từ 16.000 đồng/ly cà phê đen đá (món được nhiều người mua nhất). Thu Hiền, nhân viên bán cà phê ở đây, cho biết "quán" mở cửa từ 6 giờ đến 14 giờ mỗi ngày. Chỉ trong 8 giờ, "quán" đều đặn thu vào khoảng 1,4 triệu đồng mỗi ngày - mức ổn của mô hình cà phê xe đẩy.
Đây là 1 trong 6 điểm bán cà phê Ông Bầu công bố khai trương vào cuối tháng 8 vừa qua tại các mặt bằng có sẵn của chuỗi nhà hàng Ba Gác ngay tại những vị trí đắc địa mà những quầy cà phê bình dân rất khó sở hữu.
Theo đại diện thương hiệu cà phê Ông Bầu, hiện nay còn 5 cửa hàng đang hoạt động, giảm 1 so với kế hoạch hợp tác đặt ra ban đầu. Nguyên nhân là do có 1 điểm trong bán kính 1 km với cửa hàng của chuỗi hệ thống Ông Bầu nên không mở điểm này để bảo đảm mục tiêu và cam kết kinh doanh của thương hiệu. Đại diện thương hiệu cà phê Ông Bầu cho hay việc sử dụng chung mặt bằng ngoài việc tiết kiệm chi phí mặt bằng còn giúp tiếp cận nguồn khách hàng của nhà hàng Ba Gác là giới trẻ và nhân viên văn phòng ở khu vực lân cận.
Cuối tháng 7 vừa qua, những tín đồ của cà phê mang đi ở Quốc lộ 13, quận Thủ Đức, TP HCM được dịp "mua 1 tặng 1": mua 1 ly nước bất kỳ được tặng cà phê đá hoặc cà phê sữa tại quầy Laha Cafe ở cửa hàng Bách Hóa Xanh - 190 Quốc lộ 13 nhân dip khai trương Laha Cafe tại đây. Cũng trong dịp này, khách hàng có hóa đơn của Bách Hóa Xanh trị giá trên 50.000 đồng trong ngày được mua cà phê đá hoặc cà phê sữa đá size S giá ưu đãi 5.000 đồng/ly.
Đây không phải là quầy cà phê "tích hợp" trong cửa hàng tiện lợi duy nhất của hệ thống Bách Hóa Xanh, cũng không phải là chuỗi cà phê đầu tiên đặt trong cửa hàng mua sắm hiện đại ở TP HCM. Từ vài năm trước, PhinDeli đã tiên phong mở mô hình này, đưa các quầy cà phê PhinDeli take away vào cửa hàng Vinmart+. Gần đây hơn, từ đầu năm đến giờ, hệ thống cửa hàng Co.opSmile đã chia sẻ mặt bằng với một số đối tác là chuỗi cà phê Guta, Vina Chuối, King Coffee. Tại một số cửa hàng Cheers cũng đã xuất hiện các quầy nước của Guta.
Cà phê Guta “ở chung” cùng Co.opSmile. Ảnh: NGỌC ÁNH
Đôi bên cùng có lợi
Bà Nguyễn Linh Trang, Giám đốc Công ty Bách hóa Sài Gòn Co.op (thương hiệu Co.opSmile), cho biết lợi thế của mô hình này là cung cấp thêm sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng mua sắm tại Co.opSmile. Bên cạnh đó, việc chia sẻ mặt bằng giúp bên thuê lẫn bên cho thuê tiết kiệm được nguồn lực đồng thời dễ dàng khai thác tệp khách hàng của nhau. "Công ty đã triển khai mô hình này tại khoảng 10 cửa hàng Co.opSmile trên địa bàn TP HCM. Kết quả ghi nhận rất khả quan, doanh thu của cả Co.opSmile và các đối tác đều tăng khoảng 30%" - bà Linh Trang thông tin và cho biết sắp tới, Co.opSmile sẽ mở rộng mô hình này đồng thời sẽ hợp tác với một số đối tác khác cũng trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Ngoài ra, tùy khu vực dân cư, một số cửa hàng Co.opSmile sẽ đảm nhận thêm dịch vụ giặt sấy và liên kết với một số cơ sở giặt sấy để thực hiện. Khách đến cửa hàng mua sắm có thể mang theo quần áo dơ gửi giặt, hôm sau quay lại lấy quần áo sạch về.
"Điểm cộng lớn nhất của mô hình này là vẫn duy trì được đặc trưng của cách phục vụ thức ăn đường phố: khách dừng xe mua hàng rồi đi ngay nhưng nâng cấp lên một bước là mặt bằng sạch đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm" - bà Linh Trang nói thêm.
Cà phê Ông Bầu thì hợp tác với chuỗi nhà hàng Ba Gác theo kiểu "chia ca", cà phê Ông Bầu sử dụng mặt bằng từ 6 giờ đến 14 giờ, sau giờ đó là Ba Gác hoạt động đến khuya. Giờ giấc hai bên kinh doanh được sắp xếp khoa học nên không gặp vướng mắc gì trong quá trình hợp tác. "Các khâu pha chế của Ông Bầu được thực hiện trên xe không liên quan khu vực nấu ăn của Ba Gác nên không phát sinh vấn đề gì liên quan công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của hai bên. Do ưu điểm của mô hình hợp tác này nên tương lai cà phê Ông Bầu sẽ tiếp tục đồng hành cùng nhiều thương hiệu khác để nhanh mở rộng hệ thống" - đại diện cà phê Ông Bầu nói.
Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, mô hình "cửa hàng trong cửa hàng" là một dạng chia sẻ chi phí giữa các nhà kinh doanh và là xu hướng tất yếu của thị trường, mang lại lợi ích cho cả bên cho thuê, bên đi thuê và người tiêu dùng. "Các thương hiệu hàng xa xỉ cũng đang chia sẻ chi phí với nhau thì với hàng bình dân, việc này dễ thực hiện hơn nhiều. Thông thường, bên đi thuê sẽ ưu tiên chọn bên cho thuê có uy tín thương hiệu, có hệ thống đủ lớn, lượng khách bảo đảm để có thể đẩy nhanh tốc độ mở chuỗi và tận dụng lợi thế nền tảng khách hàng của nhau" - ông Võ Văn Quang nhấn mạnh.
"Thầu" cả quầy thủy hải sản trong siêu thị
Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT), cho biết đang hợp tác với Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) để khai thác quầy kinh doanh thủy hải sản tại một số siêu thị Co.opmart. Đến nay, công ty đã tiếp nhận quầy thủy hải sản tươi sống tại hơn 10 siêu thị Co.opmart. "APT chủ động nguồn nguyên liệu, tổ chức kinh doanh. Ngoài nguồn thu lợi nhuận, chúng tôi có được lợi ích lớn hơn là giới thiệu thương hiệu, sản phẩm của công ty đến người tiêu dùng trực tiếp, hiệu quả hơn thay vì mở cửa hàng riêng ở bên ngoài. Đây cũng là một cách để quảng bá thương hiệu rất hiệu quả" - ông Dũng nói. Trước khi nhận "thầu"quầy thủy hải sản tại hệ thống Co.opmart, APT đã nhận tổ chức, kinh doanh các mặt hàng này tại hệ thống bán lẻ của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra).
P.An
Xem thêm: mth.69043030280110202-gnab-tam-gnuhc-gnud-yat-tab-iouhc-ueihn/et-hnik/nv.moc.dln