vĐồng tin tức tài chính 365

Nữ doanh nhân Nhà Chống Lũ: “Thiện nguyện dễ dãi đang làm hèn hóa nhiều người”

2020-11-11 08:46

“Làm thiện nguyện mà phát tặng một cách dễ dàng, không tìm hiểu kĩ càng, thiếu trách nhiệm, đôi khi sẽ làm người nhận bị mòn đi, không còn tự chủ, tự tin, tự tôn, tự hào cho bản thân mình nữa. Họ mất hết những chứ tự ấy, và trở nên bị động, lệ thuộc hơn”, Phạm Thị Hương Giang (nữ doanh nhân sáng lập chương trình Nhà Chống Lũ) chia sẻ.

Nữ doanh nhân Nhà Chống Lũ: “Thiện nguyện dễ dãi đang làm hèn hóa nhiều người” - Ảnh 1.

Miền Trung năm nào cũng phải đối mặt với thiên tai, nhưng vì sao, nhiều người vẫn bị động tới nỗi, chỉ 2 ngày sau lũ đã không còn chút lương thực nào dự trữ. Là một người có nhiều hoạt động thiện nguyện ở miền Trung trong nhiều năm, chị có đánh giá gì về điều này?

Cá nhân mình nghĩ, người miền Trung rất mạnh mẽ, kiên cường, tự chủ và đàng hoàng. Ví dụ như ở Hội An, có những lúc lũ về rất lớn, ngập tới tận nóc nhà, nhưng người Hội An luôn luôn kiêu hãnh. Trước mưa lũ, họ bình tĩnh chuẩn bị, và sau khi lũ rút, họ lại vét bùn đi, rửa sạch cửa hàng, bắt đầu cuộc sống mới.

Trước khi làm chương trình Nhà Chống Lũ, mình đã làm vài năm ở một dự án bảo vệ môi trường của UNDP (Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc), từng sống cùng người miền Trung. Suốt thời gian ấy, mình luôn cảm nhận, vì sinh ra ở mảnh đất có khí hậu khắc nghiệt, nên người miền Trung luôn tự rèn luyện sự dũng cảm, kiên định và nỗ lực vươn lên rất mạnh mẽ.

Nữ doanh nhân Nhà Chống Lũ: “Thiện nguyện dễ dãi đang làm hèn hóa nhiều người” - Ảnh 2.

Tuy nhiên, dù là người miền nào thì trong cộng đồng cũng sẽ luôn có người thế này, người thế kia, người tự chủ, người bị động. Và một phần, ở Việt Nam, dường như chúng ta đã quen với việc cứ thấy người gặp khó là chạy đến cho quà. Điều đó làm thay đổi dần dần bản chất của một số người, khiến họ bị mòn đi.

Ví dụ mình từng thấy, những cuộc họp ở UNDP, tất cả người dân đi họp đều đợi lấy phong bì, nếu không có phong bì, người ta sẽ không đi họp, vì họ đã quen với những dự án như thế. Hay câu chuyện mình chứng kiến có người nhận hỗ trợ tới hơn 400 triệu đồng vẫn không muốn xây nhà kiên cố, chỉ muốn tậu thêm trâu bò kiếm tiền và uống rượu. Họ nói, nhà cũ nát thì năm sau mới lại được cứu trợ.

Cách “cho không” một cách dễ dàng của nhiều người khiến một số người nghèo trở nên bị động hóa, không còn tự chủ, tự tin, tự tôn, tự hào cho bản thân mình nữa, mà họ mất hết những chữ “tự” ấy, để rồi dần bị lệ thuộc vào việc được giúp đỡ.

Có ai mong muốn bị ngập lụt để được cứu trợ đâu?

Địa hình, địa thế của miền Trung là nơi chịu rất nhiều thiên tai, bão lũ, nên đương nhiên người ở vùng đó, nhất là nơi rốn lũ sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Muốn chiến thắng thiên tai, chiến thắng bản thân mình để vươn lên là không dễ.

Cũng có rất nhiều người hỏi mình, vì sao người dân sống ở vùng lũ không chuyển đi nơi khác. Mình đã đi thực tế và phỏng vấn người dân trong suốt 20 năm qua, thì thấy rằng, nếu không vì tình cảnh quá khốn khó, không thể ở nổi, thì không ai muốn rời bỏ quê hương, nơi mình chôn rau cắt rốn.

Nữ doanh nhân Nhà Chống Lũ: “Thiện nguyện dễ dãi đang làm hèn hóa nhiều người” - Ảnh 3.

Chẳng hạn ở Tân Hóa (Quảng Bình) có nơi nhà dân bị ngập sâu tới 3-4m, nhưng người dân vẫn không rời đi. Bởi vì một năm chỉ bị lũ 2-3 tuần, nhiều là 4 tuần. Còn những tháng khác trong năm, họ vẫn làm ăn, sinh sống bình thường.

Vấn đề là những người làm công tác xã hội, khi muốn cho ai đó cái gì thì phải lắng nghe, hiểu họ, và giúp cái người ta cần. Họ cần một sự giúp đỡ bền vững, cần hỗ trợ sinh kế để tự đứng lên, vững vàng hơn.

Nữ doanh nhân Nhà Chống Lũ: “Thiện nguyện dễ dãi đang làm hèn hóa nhiều người” - Ảnh 4.

Từ nhu cầu ấy, theo chị, nếu thực lòng muốn giúp đỡ người gặp khó ở miền Trung, chúng ta nên làm gì và nếu có cách làm đúng, chúng ta sẽ thay đổi được điều gì?

Người xưa vẫn nói: “Của cho không bằng cách cho”. Nếu những người cho đi chấp nhận vất vả hơn, bỏ cái tâm của mình nhiều hơn thì sẽ tạo nên sự thay đổi tích cực.

Ví dụ, nếu Nhà Chống Lũ cũng muốn chọn cách làm dễ dàng, mình có thể gây quỹ, xây mỗi năm 1.000-2.000 cái nhà rồi tặng không cho người ta. Như thế, mình sẽ làm tất cả ngôi nhà theo đúng một khuôn. Cách này vừa làm được nhiều nhà, rất nhanh mà đỡ tốn công sức.

Nhưng hiện tại, Nhà Chống Lũ chỉ có thể làm mỗi năm 100-200, nhiều lắm là hơn 200 căn, bởi vì bọn mình còn phải đi khảo sát, tìm hiểu, nói chuyện, thuyết phục người dân cố gắng xây nhà, và tư vấn cho họ cách thiết kế được ngôi nhà đúng như ước mong, cũng phải có kế hoạch lo toan tài chính như thế nào, bao nhiêu cho đủ để họ không phải cố quá, vay nợ nhiều, nhưng vẫn phải nỗ lực vươn lên, mà không quên những trang trải, lo toan cho con cái ăn học.

Vì nếu chỉ có cái nhà kiên cố đấy, nhưng họ không nỗ lực thì họ sẽ không bao giờ có ý thức tự chuẩn bị lương thực, thực phẩm, để cuối cùng đến lúc có lũ, người ta vẫn khổ, vẫn cần cứu trợ.

Nữ doanh nhân Nhà Chống Lũ: “Thiện nguyện dễ dãi đang làm hèn hóa nhiều người” - Ảnh 5.

Cụ thể hơn, Nhà Chống Lũ đã làm gì để thay đổi nhận thức của người dân?

Mấy tháng trời xây nhà, tất cả người của Nhà Chống Lũ luôn cùng sống, cùng làm, cùng vật vã với người dân, và dần trở thành người thân trong gia đình của họ. Quá trình đấy, chúng tôi khuyến khích, động viên, xây dựng thói quen tốt cho họ, khơi cho họ lòng tự chủ, tự tin, tự hào…

Thực tế, chính những người đã xây nhà chống lũ lại là những người chủ động nhất. Vừa qua, rất nhiều người đã gọi điện cho các cán bộ địa bàn của chúng tôi kể rằng, trước mưa bão, họ đã chuẩn bị nhiều lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và họ rất vững vàng vì tài sản, gia súc… đều có chỗ an toàn, thậm chí nhiều người còn chủ động giúp đỡ hàng xóm, cho họ ở nhờ.

Hình ảnh trên báo ghi lại khoảnh khắc nước lũ tràn mênh mông, nhưng căn nhà phao ở Tân Hóa vẫn nổi, người và tài sản vẫn an toàn, mình nghĩ phần nào đã minh chứng về việc làm thiện nguyện đúng cách vì có sự dồn tâm của Nhà Chống Lũ. Tuy nhiên, nhà phao chỉ là một mô hình ngôi nhà thứ 2 cho vùng lũ sâu, ít gió, nước rút chậm, chúng tôi còn 9 mô hình nhà kiên cố cho các vùng địa hình, khí hậu khác nữa, và tất cả đều an toàn sau đợt mưa lũ vừa rồi.

Chị đã kể về một cụ bà sống trong căn nhà nghiêng tới 45 độ, sắp đổ, bên trong chỉ có chiếc quan tài màu đỏ là tài sản quý nhất được cụ cất cẩn thận trên gác xép. Cụ bà đó đã xây được nhà chống lũ khi trong túi chỉ có vỏn vẹn 10.000 đồng. Nhà Chống Lũ đã làm đúng cách như thế nào?

Cụ bà mà mình kể là cụ Hồ Thị Nga, lúc đó 83 tuổi ở xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Cụ bà hiện tại vẫn còn sống và năm nay đã hơn 90 tuổi, cũng đã bị hơi lẫn rồi.

Nữ doanh nhân Nhà Chống Lũ: “Thiện nguyện dễ dãi đang làm hèn hóa nhiều người” - Ảnh 7.

Về chuyện cụ Nga đã dành dụm, gom góp tất cả tiết tiết kiệm trong suốt 3 năm để sắm sửa rồi cất giữ một chiếc quan tài cẩn thận trên gác xép, tất cả mọi người ở tại thôn của cụ, ai cũng biết. Chuyện bà không có tiền, ai cũng biết. Ngay cả chuyện chúng mình muốn có tiền xây nhà chống lũ cho cụ, phải giải quyết bằng cách bán nhà cũ của bà đi, rồi kêu gọi mỗi người con của cụ đóng góp 6 triệu đồng, mọi người cũng đều biết.

Với mình, người phụ nữ nhỏ nhắn đó mạnh mẽ, tự chủ và rất đàng hoàng.

Mình còn nhớ, khi đến gặp, cụ Nga kể cho mình nghe về chiếc quan tài theo cách không hề cố ý để người khác thương hại mình. Khi mình hỏi: Thế bây giờ cụ có bao nhiêu tiền, thì lúc ấy, cụ Nga mới móc trong túi ra cho tất cả mọi người xem tờ 10.000 đồng và nói: Bây giờ cũng chẳng có. Nét mặt cụ tỏ ra bình tĩnh. Sau đó, cụ còn cười rất nhiều.

Nữ doanh nhân Nhà Chống Lũ: “Thiện nguyện dễ dãi đang làm hèn hóa nhiều người” - Ảnh 8.

Theo chị, tại sao người làm từ thiện nhiều mà vẫn bị thị phi?

Mình không bao giờ làm cái gì khi không có kế hoạch. Ví dụ ở thời điểm này, bọn mình đã xây dựng xong chương trình hành động chi tiết cho năm 2021, thậm chí kế hoạch cho năm 2022 và 2023 cũng đã được phác thảo một cách cơ bản rồi.

Mình thường chỉ gây quỹ đủ cho kế hoạch thôi, và tất cả mọi thứ đều minh bạch, rõ ràng vì quỹ Sống có kiểm toán quốc tế, nên chương trình không gặp điều tiếng gì.

Nữ doanh nhân Nhà Chống Lũ: “Thiện nguyện dễ dãi đang làm hèn hóa nhiều người” - Ảnh 9.

Nếu mình không nghĩ ra cách gì để quản lý sự minh bạch và rõ ràng thì mình sẽ không làm. Còn nếu vẫn làm, thì chỉ làm bằng tiền của mình, chẳng ai nói được. Tất nhiên mình đều đánh giá rất cao những người làm việc thiện giúp người khác bằng cái tâm chứ không vì lợi ích của mình, nhưng khi ta không thể minh bạch, thì sẽ phải đối mặt với điều tiếng.

Làm thiện nguyện, ngoài trái tim phải có cái đầu tỉnh táo. Rất nhiều người khi đi làm thiện nguyện chưa có kinh nghiệm mà mới chỉ có trái tim thôi. Họ thấy đồng bào gặp khó thì chạy tới giúp đỡ, phát quà tùy hoàn cảnh, nhưng thiện nguyện không bao giờ đơn giản như thế.

Cho nên phải lên kế hoạch sẵn, chứ đừng thiện nguyện theo kiểu cứ gây quỹ, khi ôm một số tiền lớn mới nghĩ cách làm sao tiêu cho hết số tiền ấy.

Chị vừa nhắc tới trường hợp một hộ gia đình nhận được tới hơn 400 triệu đồng tiền cứu trợ, nhưng không muốn xây nhà, chỉ muốn tậu thêm trâu bò và uống rượu, vì nhà cũ nát thì năm sau mới nhận được hỗ trợ tiếp. Chị có suy nghĩ gì khi chứng kiến những việc như thế?

Mình nghĩ trường hợp đó chỉ là thiểu số, nhưng mình và anh Trần Đăng Tuấn (sáng lập dự án Cơm Có Thịt) cũng đã có lần ngồi với nhau nói về điều này và rất mong muốn làm ra một bản đồ thiện nguyện.

Khi đó, mỗi nhóm tham gia sẽ có đầy đủ thông tin của các nhóm cùng làm thiện nguyện ở trên khắp đất nước Việt Nam, thuộc đủ các loại hình, từ tổ chức của Chính phủ hay là phi Chính phủ, của tư nhân, tập thể, hay của quỹ…

Như vậy, tất cả các nhóm, mọi người có thể chia sẻ, kết nối với nhau, tránh được việc đi thiện nguyện chồng lấn, nơi được cứu trợ quá nhiều, nơi nhận được quá ít.

Ngoài ra, không ai giỏi hết mọi việc. Có nhóm giỏi cứu trợ khẩn cấp, có nhóm giỏi xây nhà, có nhóm lại giỏi hỗ trợ y tế, giáo dục, sinh kế… Bản đồ này để mọi người có thể kết nối, hỗ trợ lẫn nhau.

Nữ doanh nhân Nhà Chống Lũ: “Thiện nguyện dễ dãi đang làm hèn hóa nhiều người” - Ảnh 10.

Các quỹ thiện nguyện hiện nay hầu hết đều trích một khoản trả lương cho nhân viên. Đối với quỹ Sống thì sao?

Một vài năm đầu, tất cả thành viên đều làm thiện nguyện 100% và tất cả chi phí bỏ ra để đi lại hoạt động chủ yếu do cá nhân mình chi trả. Nhưng hồi ấy chi phí cũng không quá nhiều, chỉ vài trăm triệu đồng/ năm.

Sau 6 năm hoạt động thì bọn mình có giấy phép thành lập quỹ, mọi người vẫn chỉ lấy một mức lương rất khiêm tốn. Tới bây giờ, cả quỹ có hơn 10 người nhận lương full time, một số người part time nhưng mà mức lương của quỹ Sống cũng rất eo hẹp, chỉ vừa đủ thôi, thực sự là rất thấp so với các quỹ và hội đoàn khác, nhưng tất cả mọi người đều gắn bó và yêu công việc của mình.

Hầu hết các vị trí quản lý, lãnh đạo quỹ, chuyên gia tư vấn đều không có lương. Chỉ có chi phí đi lại, công tác thì quỹ sẽ bỏ tiền ra. Cá nhân mình thì tất cả chi phí đi lại, ăn ở công tác đều do mình bỏ ra.

Mình nghĩ, tất cả đều là sự lựa chọn. Bạn có thể chọn cách sống cần có nhiều tiền mới hạnh phúc, hoặc cũng có thể chọn cách sống luôn muốn chia sẻ niềm hạnh cho người khác. Có người đo đếm hạnh phúc bằng tiền bạc, thành công, cũng có người lại đo bằng giá trị khác.

Vất vả gây dựng và phát triển quỹ Sống như vậy, ước mơ lớn nhất của chị là gì?

Mơ ước của mình là dự án Forest Symphony - trồng rừng trên khắp Việt Nam. Mình mong muốn mọi người cùng đi vào rừng, trồng lại những cánh rừng đầu nguồn đã mất. Đất nước Việt Nam sẽ xanh tươi và đẹp đẽ hơn. Rồi mọi người cùng nhau nghe một bản giao hưởng từ thiên nhiên, và từ chính lòng mình.

Nữ doanh nhân Nhà Chống Lũ: “Thiện nguyện dễ dãi đang làm hèn hóa nhiều người” - Ảnh 12.

Mình thường hay nghĩ đến một cảnh trong phim Avatar, khi mọi người kết nối với nhau bằng cách đặt tay lên vai nhau, đứng quanh một gốc cây lớn nhất, lúc ấy có một tia sáng xanh kết nối mọi người. Đấy là hình ảnh rất ám ảnh và giúp mình viết nên dự án Forest Symphony.

Mình thực sự mong muốn một cách hơi lãng mạn rằng, một ngày nào đó sẽ có 1000 người đi vào rừng, đeo một balo đựng hạt giống được bọc đất dinh dưỡng, và mọi người sẽ thả hạt giống ấy xuống đất rừng, rồi đựng rác vào ba lô đem về.

Vì như mình từng nói, nếu chỉ xây nhà chống lũ thì có xây bao nhiêu cũng không đủ, và nhân tai thì luôn đáng sợ hơn thiên tai. Nếu chúng ta cùng nhau trồng nên những cánh rừng, rừng có thể giúp chúng ta giữ đất, giữ nước, cải thiện môi trường sống, từ đó giúp giảm thiểu ô nhiễm và lũ lụt. Quan trọng hơn, con người sẽ được kết nối với nhau, sống hài hoà hơn, khiêm nhường hơn với thiên nhiên và với những người xung quanh.

Cảm ơn chị vì những chia sẻ này!

Xem thêm: mth.27254349190110202-iougn-ueihn-aoh-neh-mal-gnad-iad-ed-neyugn-neiht-ul-gnohc-ahn-nahn-hnaod-un/nv.ahos

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nữ doanh nhân Nhà Chống Lũ: “Thiện nguyện dễ dãi đang làm hèn hóa nhiều người””0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools