'Bong bóng du lịch' giữa Singapore và Hồng Kông sẽ là mô hình cho thế giới?
Ricky Hồ
(TBKTGS Online) - Hồng Kông và Singapore sẽ bắt đầu nối lại các chuyến bay thương mại định kỳ từ ngày 22-11 sắp tới, tối đa 200 hành khách mỗi chiều trong một ngày. Hành khách trên các chuyến bay này sẽ không bị cách ly y tế 14 ngày, nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của mỗi bên khi nhập cảnh. Từ ngày 7-12, mỗi ngày sẽ có hai chuyến bay trên mỗi chiều. Mô hình này liệu có thành công và nhân rộng khắp thế giới khi khách phải thực hiện đến ba xét nghiệm Covid-19 và chỉ có hai hãng bay được ưu tiên chỉ định?
Tương lai tươi sáng mới
Trong buổi họp báo sáng 11-11, Bộ trưởng Giao thông Singapore Ong Ye Kung nói rằng đây là mô hình bong bóng du lịch đầu tiên trên giới và có thể là hình mẫu để nhiều nước mở cửa trở lại ngành du lịch, nếu như thành công. “Bong bóng du lịch này sẽ giúp bảo đảm một tương lai tươi sáng cho sân bay Changi và hãng hàng không Singapore Airlines”, Bộ trưởng phát biểu.
Bong bóng du lịch được xem là bước thử nghiệm để mở cửa biên giới trở lại trước khi thế giới có được loại vaccine ngừa Covid-19 hiệu quả và được toàn cầu công nhận. Tuy nhiên, trên thực tế lại khó áp dụng mô hình bởi dịch tiếp tục bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới. Số ca nhiễm đã vượt quá 51 triệu và số tử vong đã gần 1,3 triệu người.
Bong bóng du lịch Singapore - Hồng Kông đặt ra nhiều yêu cầu và giới hạn với du khách. Bộ trưởng Ong nói rằng thời gian để chờ đợi kết quả xét nghiệm có thể là bốn tiếng đồng hồ ở sân bay. Ông cũng nói rằng giá vé máy bay sẽ do Singapore Airlines và Cathay Pacific quyết định.
“Tôi đoán rằng du khách sẽ hơi cẩn trọng trong thời gian đầu và sau một thời gian họ sẽ dần tự tin hơn. Tôi cho rằng người dân Singapore và Hồng Kông sẽ chờ đợi cho đến khi họ buộc phải thực hiện ít đi một xét nghiệm”, Bộ trưởng Ong nhắc tới việc du khách phải làm đến ba xét nghiệm Covid.
Du khách ở nhà ga T1 sân bay quốc tế Changi. Ảnh: EPA-EFE |
Hành khách bay giữa hai thành phố này phải thực hiện một số thủ tục rườm rà hơn trước dịch. Họ phải ở Singapore hay Hồng Kông trong vòng 14 ngày trước khi bay. Đồng thời, khách phải có giấy chứng nhận âm tính với Covid-19 trong vòng ba ngày trước khi khởi hành và phải xin giấy thông hành hàng không trên mạng ít nhất bảy ngày trước khởi hành. Tại sân bay, họ buộc phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 một lần nữa và được phép nhập cảnh nếu âm tính. Nếu du khách bị nhiễm bệnh, họ phải trả toàn bộ các chi phí y tế mà bên đến cung cấp.
Cả hai bên đã đồng thuận sẽ đóng cửa biên giới trở lại trong hai tuần nếu số ca lây nhiễm ở mỗi bên tăng thêm trên 5 trường hợp mỗi ngày. Bầu trời sẽ được mở trở lại sau khi số ca nhiễm được khống chế dưới 5 trường hợp mỗi ngày.
Đây là bước thử để mở cửa trở lại sau hơn 10 tháng đóng cửa để phòng dịch của hai bên.
Chìa khóa để mô hình thành công
Sau khi khống chế được dịch bệnh, cả Hồng Kông và Singapore đều hăm hở mở cửa biên giới trở lại và tái khởi động nền kinh tế đình trệ vì dịch. “Cả hai nền kinh tế đều phụ thuộc nhiều vào các hãng hàng không và sân bay. Bên cạnh đó, cả hai đều không có thị trường bay nội địa”, theo lời Shukor Yusof, người sáng lập hãng tư vấn Endau Analytics. Hàng không và du lịch đóng góp hơn 5% GDP cho hai nền kinh tế này.
Singapore là nước thứ hai sau Trung Quốc mà đặc khu Hồng Kông cho phép khách nhập cảnh không cần cách ly. Trong khi đó, Hồng Kông là vùng lãnh thổ thứ năm mà Singapore cho phép nhập cảnh không cách ly – sau New Zealand, Brunei, Úc và Việt Nam. Cách thức cả hai bên áp dụng là các xét nghiệm chính xác thay thế cho việc cách ly bắt buộc vốn làm khách e ngại khi bay ra nước ngoài.
Tuy nhiên, hành khách phải thực hiện ba lần xét nghiệm real-time PCR. Đối với khách khởi hành từ Hồng Kông thì thực hiện xét nghiệm lần đầu trước khi bay, nhưng khi nhập cảnh Singapore thì được miễn xét nghiệm. Xét nghiệm thứ hai được yêu cầu trong vòng ba ngày trước khi rời Singapore. Xét nghiệm lần thứ ba sẽ thực hiện tại sân bay quốc tế Hồng Kông. Trẻ em dưới 12 tuổi được miễn làm xét nghiệm ở cả hai đầu.
Trẻ em dưới 12 tuổi từ Hồng Kông sẽ được miễn xét nghiệm Covid khi đi du lịch Singapore. Ảnh: EPA-EFE |
Trong khi đó, hành khách xuất phát từ Singapore phải thực hiện xét nghiệm lần thứ nhất trước khi bay, một lần khi nhập cảnh và một lần khi xuất cảnh Hồng Kông. Khi quay lại Singapore thì được miễn xét nghiệm. Hành khách không có quốc tịch Singapore hoặc có thẻ thường trú nhưng làm trong ngành xây dựng và tàu biển sẽ không thuộc diện miễn trừ cách ly trong mô hình mới. Chính quyền đặc khu Hồng Kông lý giải những người này có thể cư trú trong các ký túc xá vốn là các ổ dịch ở Singapore.
“Các xét nghiệm có giá hợp lý sẽ là chìa khóa tái kích hoạt du lịch. Nếu phí xét nghiệm quá cao, nhu cầu chắc chắn là có nhưng cả hai bên sẽ không có doanh số như mong đợi”, Mayur Patel thuộc hãng tư vấn OAG Aviation Worldwide nhận định.
Hiện mức giá xét nghiệm vẫn chưa được chính quyền hai bên công bố. Tuy nhiên, South China Morning Post nói rằng khách phải trả 1.889 đô la Hồng Kông, tức 328 đô la Singapore, cho ba lần xét nghiệm này.
Sau phí xét nghiệm, giá vé máy bay lại là một thách thức khác. Giá trên tuyến bay này đã tăng hơn 20% kể từ giữa tháng 10 vừa rồi khi hai bên công bố kế hoạch mở cửa biên giới.
“Chắc chắn là chúng tôi mong mô hình bong bóng du lịch thành công. Chúng tôi cũng lưu ý các khuyến cáo của chính phủ, cơ quan chức năng về mô hình thử nghiệm này. Dĩ nhiên, vẫn có mức độ bảo thủ nào đó”, Phó chủ tịch thương mại Lee Lik Hsin của Singapore Airlines phát biểu.
Nhưng đó là quan điểm chỉ của riêng Singapore Airlines – hãng hàng không quốc gia đã được chỉ định trên tuyến bay đặc biệt này. Với một quốc gia nhỏ như Singapore, tập đoàn Singapore Airlines Group – gồm Singapore Airlines, hãng bay khu vực Silk Air và hãng giá rẻ Scoot - là hình ảnh đại diện duy nhất cho ngành hàng không, tức là không có hãng nào khác cạnh tranh. Trong khi đó, Cathay Pacific cũng là hình ảnh đại diện duy nhất của ngành hàng không Hồng Kông, dù rằng vẫn có hai hãng bay tư nhân khác đang tồn tại là Hong Kong Airlines và Hong Kong Express Airways.
Và rõ ràng, ngay cả khi thành công, nhưng mô hình này lại khó mở rộng và khó phổ biến cho các nước có thị trường hàng không phong phú và đa dạng hơn về chủ sở hữu, như Việt Nam hay Indonesia chẳng hạn. Bởi chỉ một hãng mở được thị trường quốc tế thì chưa đồng nghĩa là toàn bộ ngành công nghiệp hàng không khôi phục.
Và đối với các hãng hàng không lớn có mạng bay phủ rộng toàn cầu như Singapore Airlines hay Cathay Pacific, thị trường bong bóng du lịch này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong doanh số trước mùa dịch.