VietinBank muốn tăng thêm 10.720 tỉ đồng vốn điều lệ qua phát hành cổ phiếu
Hoàng Thắng
(TBKTSG Online) - Vốn điều lệ của Vietinbank sẽ tăng thêm 10.720 tỉ đồng, lên 47.594 tỉ đồng nếu đợt phát hành 1,07 tỉ cổ phiếu sắp tới diễn ra thành công.
Khách hàng giao dịch tại phòng giao dịch VietinBank Cổ Linh thuộc chi nhánh Chương Dương, Hà Nội. Ảnh: TTXVN. |
Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã phê duyệt tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản với nội dung về phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ toàn bộ lợi nhuận sau thuế và trích quỹ theo quy định của năm 2017-2018, cùng với phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt của năm 2019.
Cụ thể, VietinBank dự kiến phát hành tối đa 1,07 tỉ cổ phiếu với tổng giá trị là 10.720 tỉ đồng. Lượng cổ phiếu được ngân hàng này phát hành tương đương 28,79% số cổ phần đang lưu hành.
Về thời điểm phát hành, Hội đồng quản trị đề nghị cổ đông uỷ quyền cho ban lãnh đạo quyết định sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án.
Nếu việc hành cổ phiếu diễn ra thành công, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng từ 37.234 tỉ đồng lên mức 47.954 tỉ đồng. Trong đó, cổ đông Nhà nước là Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng số lượng cổ phần sở hữu từ 2,4 tỉ lên 3,1 tỉ – bằng 64,46% cổ phần tại VietinBank. Còn MUFG Bank tăng số lượng cổ phần nắm giữ từ 735 triệu lên 946 triệu – bằng 19,73% cổ phần tại ngân hàng.
Động thái xin ý kiến tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức được Vietinbank thực hiện ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 121 sửa đổi, bổ sung Nghị định 91 và bổ sung ngân hàng thương mại có vốn nhà nước trên 50% vào diện các doanh nghiệp được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỉ lệ cổ phần, vốn góp. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các ngân hàng có vốn nhà nước được giữ lại lợi nhuận hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì phải trả cổ tức bằng tiền mặt nộp ngân sách như nhiều năm qua.
Đại diện VietinBank cho biết, hiện tại tỷ lệ CAR của Ngân hàng vẫn đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo quy định hiện hành của NHNN tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN. Nhưng việc không được bổ sung vốn điều lệ từ năm 2013 đến nay đã đặt ngân hàng trước đứng trước thách thức rất lớn để đáp ứng yêu cầu tỷ lệ CAR tối thiểu theo chuẩn mực Basel II quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN.
Vốn điều lệ là một trong những yếu tố quan trọng mà các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế xét đến khi thực hiện đánh giá để đưa ra quyết định tăng hoặc giảm thứ hạng tín nhiệm của VietinBank, từ đó ảnh hưởng đến đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Ngoài ra, vốn điều lệ là cơ sở để xác định giới hạn đầu tư tài sản cố định, đầu tư góp vốn, cơ sở xác định giới hạn cấp tín dụng.
Vì vậy, đại diện VietinBank cho rằng việc tăng vốn điều lệ là điều kiện tiên quyết để đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua việc tăng giới hạn cấp tín dụng, giới hạn đầu tư.
Số vốn tăng thêm dự kiến sẽ được dùng để đầu tư cho cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ. Ngoài ra, ngân hàng này cũng lên kế hoạch mở rộng hoạt động tín dụng và mở rộng mạng lưới hoạt động.
Với kết hoạch tăng vốn lần này, VietinBank dự kiến tổng tài sản năm 2020 sẽ tăng 1-3%, dư nợ tín dụng tăng 4-8,5%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 10.400 tỉ đồng – giảm 12% so với số thực hiện năm 2019. Còn tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 2%, theo kế hoạch tăng vốn và kế hoạch kinh doanh năm 2020.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3-2020 của ngân hàng cho thấy, lợi nhuận trước và sau thuế của VietinBank tăng lần lượt 23% và 22% so với cùng kỳ năm 2019, đạt mức 10.364 tỉ đồng và 8.357 tỉ đồng do trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019.
So với kế hoạch được Hội đồng quản trị đưa ra, VietinBank đã gần như hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của năm 2020 sau chỉ sáu tháng.
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu của ngân hàng tại ngày 30-9-2020 tăng đến 66% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn đã tăng khoảng 5,7 lần, đạt mức 11.919 tỉ đồng. Nợ nghi ngờ tăng 21% so với thời điểm đầu năm. Kết quả, tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của VietinBank tăng từ 1,16% lên 1,87%.
Lợi nhuận trước thuế của Vietinbank 'nghịch chiều' trích lập dự phòng Kết quả kinh doanh của Vietinbank trong ba quý của năm 2020 đều không khả quan khi lợi nhuận trước thuế của ngân hàng có xu hướng nghịch chiều với khoản trích lập dự phòng. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý 1-2020 giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019 do tăng giá trị trích lập dự phòng tới 36%. Quý 2-2020, lợi nhuận trước thuế của Vietinbank tăng gấp hai lần cùng kỳ năm trước do giảm trích lập dự phòng tới 47%. Còn ở quý 3-2020, VietinBank đã tăng giá trị trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 39% so với cùng kỳ năm 2019, khiến lợi nhuận trước thuế giảm 7%, xuống mức 2.904 tỉ đồng. |