“Nhiều luật chuyên ngành đi vào chi tiết, chứ đây không phải là tách luật, chia quyền” - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh.
Ảnh phải: “Nếu tách luật ra để hai bộ quản lý nhà nước thì sẽ chồng chéo, bất cập…” - đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị).
Tách làm hai luật là không hợp lý
ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) phân tích: GTĐB là một thể thống nhất, được liên kết chặt chẽ bởi bốn yếu tố: Kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông và quy tắc GTĐB. Do đó, ông cho rằng việc tách Luật GTĐB là không hợp lý.
Cụ thể như vấn đề đảm bảo an toàn giao thông có sự phụ thuộc, chịu tác động của cả bốn yếu tố trên chứ không riêng yếu tố nào. Do đó, nếu quy định tách bạch lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông (do Bộ Công an quản), lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng (do Bộ GTVT quản) thì khi có sự cố xảy ra do tổng hợp các yếu tố tác động thì không ai chịu trách nhiệm.
“Nếu tách luật ra để hai bộ quản lý nhà nước thì sẽ chồng chéo, bất cập. Các luật khác về đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không cũng đang có kết cấu điều chỉnh bốn thành tố như Luật GTĐB, mang tính quy chuẩn. Tách Luật GTĐB sẽ phá vỡ tính logic, đồng bộ trong hệ thống pháp luật” - ĐB Thắng nêu.
Thậm chí, ĐB Thắng nói trong trường hợp tách thành hai luật thì phải đổi tên Luật GTĐB thành Luật Kết cấu hạ tầng và phương tiện giao thông mới đúng nội hàm, vì khi đó chỉ còn hai thành tố là kết cấu hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông.
Đề nghị xin ý kiến Quốc hội
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đề nghị cần xem lại tính hợp pháp, hợp lý của việc đưa dự thảo luật. “Tôi đề nghị QH nên lấy ý kiến có nên tách luật hay không, sau đó mới tiến hành các bước tiếp theo” - ĐB Sơn bày tỏ. Ông Sơn cho rằng phải làm rõ lý do tách luật và những hệ lụy sau khi tách luật, bởi trong giải trình rất sơ sài, không đáp ứng yêu cầu.
Còn ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) thì dẫn báo cáo kết quả phiên thảo luận tổ của QH về Luật GTĐB và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB vào ngày 11-11 cho thấy có nhiều ý kiến không đồng ý tách hai luật.
“Từ sáng đến giờ cũng có nhiều ý kiến ĐBQH không đồng ý tách hai luật. Chính vì vậy, tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ QH, chủ tọa kỳ họp xin ý kiến của ĐBQH xem có tách hai luật hay không. Nếu đồng ý tách thì chiều nay (16-11) chúng ta mới thảo luận tiếp Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB. Nếu không đồng ý thì chiều nay chúng ta không thảo luận tiếp” - ĐB Giang đề nghị.
Hàng loạt ĐBQH tại hội trường đã vỗ tay trước đề nghị này của ĐB Thái Trường Giang. Tuy nhiên, sau đó Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đã có ý kiến. Bà bày tỏ ý muốn phát biểu với tư cách ĐBQH đứng dưới hội trường. Theo đó, bà Phóng đề nghị QH tiếp tục vẫn thảo luận hai luật như chương trình xây dựng luật và pháp luật đã được QH thông qua vào đầu kỳ họp.
“Tuy có tiếng vỗ tay trong hội trường nhưng nhiều đồng chí cũng chưa bày tỏ chính kiến. Do đó, tôi đề nghị chiều nay vẫn tiếp tục thảo luận Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB để hoàn thiện như ý kiến các ĐB đã nêu liên quan đến việc tổ chức bộ máy, năng lực quản lý nhà nước, vấn đề cán bộ, vấn đề chính sách đối với cán bộ, yêu cầu nâng cao năng lực hạ tầng, năng lực quản lý hạ tầng hiện đại hiện nay thế nào…” - bà Phóng nói. Bà cũng khẳng định cuối phiên thảo luận hội trường chiều 16-11 về Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB, đại diện Chính phủ cũng có ý kiến giải trình tiếp thu.
Chúng ta xây dựng luật cho ai?
Đóng góp ý kiến tại hội trường, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đặt vấn đề “chúng ta làm luật cho ai và vì ai?” và khẳng định luôn QH có chức năng “làm luật cho dân và vì dân, và ĐBQH làm luật cũng chính là dân làm thông qua các ĐB của mình”.
Theo ông Nghĩa, Luật GTĐB có hai đối tượng điều chỉnh chính là người dân tham gia giao thông và doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, GTĐB. Qua tham khảo ý kiến người dân, doanh nghiệp, ĐB Nghĩa cho biết các ý kiến đều đề nghị không nên tách luật. Và chỉ để một luật điều chỉnh sẽ vừa tiện lợi cho người dân chấp hành, vừa thuận lợi cho các cơ quan nhà nước quản lý.
“Tất nhiên Luật GTĐB nên bổ sung, sửa đổi và đặc biệt không nên chuyển việc cấp GPLX sang Bộ Công an vì sẽ gây ra rất nhiều xáo trộn và tốn kém không cần thiết. Tôi cũng đi taxi nhiều, tôi hỏi mấy ông taxi thì không thấy ông taxi nào đồng ý chuyện chuyển cấp GPLX qua cho Bộ Công an” - ĐB Nghĩa nói.
ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) cho hay một số chính sách không được đánh giá tác động hoặc có đánh giá nhưng sơ sài. Ví dụ, việc đào tạo, sát hạch cấp GPLX trong báo cáo đánh giá tác động, báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật GTĐB không chỉ ra những bất cập, cần bổ sung, sửa đổi, hoặc cần phải chuyển cho cơ quan khác làm.
“Việc này liên quan rất lớn đến hơn 2.000 công chức, viên chức đang thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực này. Hay như lực lượng thanh tra giao thông đang gắn liền với GTĐB. Như vậy, lực lượng này có tiếp tục tồn tại và hoạt động thực hiện chức năng của mình nữa hay không? Và nếu không thì trong dự án luật này, trong báo cáo đánh giá tác động cũng không thể hiện rằng sẽ chuyển lực lượng này làm nhiệm vụ gì” - ĐB Dung nói.
ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng thực tiễn công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX do Bộ GTVT đang thực hiện khá tốt, được nhân dân ủng hộ, quốc tế công nhận. Vì hiện nay Việt Nam đã ký hiệp ước với 85 quốc gia, nếu thay đổi sẽ tốn kém kinh phí cho Nhà nước và nhân dân khi phải hiệp thương lại với các nước đã ký kết, thay đổi GPLX.
Bộ trưởng Bộ Công an: Không phải tách luật, chia quyền Chiều 16-11, giải trình trước QH về Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết Bộ Công an có trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội, trong đó có công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Do đó, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ QH và các cơ quan của QH đồng ý đề xuất xây dựng luật này. Ông cũng khẳng định nếu QH đồng ý ban hành luật và giao trách nhiệm cho Bộ Công an thì đảm bảo không tăng biên chế, không lãng phí, không tăng thủ tục hành chính. “Chúng tôi thảo luận rất kỹ trong tập thể Đảng ủy Công an Trung ương và cơ quan chuyên trách là sẵn sàng nhận trách nhiệm trước Đảng, trước Nhà nước, trước QH và nhân dân về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông” - ông Tô Lâm nói. Ông Tô Lâm cũng cho rằng thực tế không phải là tách luật, mà quá trình làm luật và sự phát triển chung thì các quy định ngày càng đi vào lĩnh vực cụ thể, quy định chi tiết, nhất là vấn đề liên quan quyền con người, quyền công dân. Thực tế có những luật ban đầu chỉ có một luật nhưng sau phát triển lên thành nhiều luật, như Luật Đầu tư nay có Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đối tác công tư; hay Luật Khiếu nại, tố cáo thành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. “Nhiều luật chuyên ngành đi vào chi tiết, chứ đây không phải là tách luật, chia quyền” - bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh. Cũng theo bộ trưởng Công an, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB này cần phải tuyên truyền đến toàn xã hội nên có ý kiến soạn thảo phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ triển khai thực hiện, vì nếu dài thì khó học, khó triển khai. Do đó, nếu nội dung bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB để chung với hạ tầng giao thông và các vấn đề khác nữa thì quá dài. “Hai luật này được Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ, thành viên Chính phủ, cơ quan thẩm định và đặc biệt Bộ Công an và Bộ GTVT nhất trí cao, đảm bảo không làm ảnh hưởng lẫn nhau, không vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật” - bộ trưởng Công an nói và khẳng định ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của ĐBQH để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật. Sẽ xin ý kiến ĐBQH về việc giao bộ nào cấp bằng lái Chiều 16-11, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đã kết luận nội dung phần thảo luận hội trường về hai dự án Luật GTĐB và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB. Ông cho biết các ĐBQH cơ bản tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật GTĐB năm 2008. Về vấn đề tách hay không tách luật, sáng 16-11, nhiều ý kiến đã phát biểu và tiếp tục được phân tích làm rõ thêm ở buổi chiều cùng ngày. Một số ý kiến tán thành việc ban hành luật và cho rằng cần thiết phải có một dự án luật chuyên biệt về bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB, đồng thời rà soát để tránh trùng lặp với Luật GTĐB. “Về vấn đề này, trong kết luận phiên họp thứ 48, khi đồng ý bổ sung dự án luật vào chương trình xây dựng luật và để trình QH cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng “việc Chính phủ tách nội dung GTĐB thành hai luật riêng biệt cần phải cân nhắc thật kỹ và xin ý kiến QH tại kỳ họp thứ 10”, do đó vấn đề này QH sẽ quyết định” - ông Tỵ nói. Liên quan đến vấn đề quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, ông Tỵ chỉ rõ “bản chất của vấn đề này là xác định bộ nào sẽ quản lý nội dung này”. Đây là vấn đề còn đang có ý kiến khác nhau, được nhiều ĐB phát biểu ở cả hai phiên thảo luận về hai dự luật. “Việc phân công bộ nào quản lý phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, phải đánh giá một cách khách quan, tổng thể, đánh giá kỹ trên cơ sở thông tin, số liệu cụ thể, nhất là những vấn đề liên quan đến tổ chức, bộ máy, chi phí, nghiên cứu thêm kinh nghiệm của nước ngoài, xu hướng xã hội hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động này. Vấn đề này Ủy ban Thường vụ QH sẽ xin ý kiến ĐBQH như đã kết luận” - ông Tỵ nhấn mạnh. |
“Ai dám bảo đảm, khẳng định và chịu trách nhiệm cá nhân khi chuyển nhiệm vụ sang Bộ Công an thì không có GPLX giả, tai nạn giao thông giảm trong khi giấy tờ của ngành công an cấp cũng có trường hợp giả như hộ chiếu, chứng minh nhân dân…” - ĐB Hận nói.
Cũng theo ĐB đoàn Cà Mau, không nên hình sự hóa các vấn đề dân sự, không nên tập trung quá nhiều quyền lực vào một số cơ quan, đơn vị vì như thế dễ sinh ra lạm quyền, đặc quyền, đặc lợi. Thực tế thời gian qua có nhiều đối tượng giả danh cán bộ ngành này, ngành khác để lừa đảo gây bức xúc trong xã hội hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để che giấu.
Cho ý kiến Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB, ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho biết hiện nay ông chưa quan tâm nhiều lắm đến việc tách luật hay không tách luật. Vấn đề ĐB quan tâm nhất hiện nay là mỗi ngày có gần 30 người bị chết vì tai nạn giao thông. “Vấn đề cần kíp nhất hiện nay là làm sao giảm được con số này. Và ai phải chịu trách nhiệm khi tai nạn chết người gia tăng. Bộ Công an có cam kết khi tách luật ra thì có giảm được tai nạn giao thông không?” - ĐB Hạ nói. |
“Tôi rất hoan nghênh, cảm kích ngành công an, dù các đồng chí bận trăm công ngàn việc mà toàn là những việc quan trọng nhưng không ngại khó khăn mà vẫn gánh vác thêm nhiều trọng trách trong xã hội” - ĐB Hận nói. •