vĐồng tin tức tài chính 365

Bị sa thải và tự trở thành doanh nhân mùa dịch

2020-11-19 20:09

Covid-19 xóa sổ nhiều việc làm nhưng cũng tạo ra thêm nhiều doanh nhân mới. Để thích ứng với đại dịch và tình trạng mất việc, ngày càng nhiều người Mỹ trở thành ông chủ của chính mình. Họ thành lập các công ty nhỏ cung cấp các dịch vụ như làm tóc lưu động, rửa xe lưu động, huấn luyện viên cá nhân tại nhà, thiết kế khẩu trang hay ẩm thực.

Nhiều chủ doanh nghiệp siêu nhỏ này trước đây làm việc tại các tiệm ăn, nhà hàng, phòng tập thể dục. Tuy nhiên, khi nhiều nơi phong tỏa, họ bị mất việc. Nền kinh tế Mỹ sau đó phục hồi theo hai hướng, một số lao động phục hồi nhanh nhưng nhiều người khác tiếp tục gặp khó khăn. Một số sau khi bị sa thải đã mắc kẹt khi kinh tế tiếp tục suy giảm. Vì thế, họ phải tự tìm cách cứu mình.

Steven Hamilton, Nhà kinh tế tại Đại học George Washington, cho rằng, đại dịch mang lại điều tồi tệ với nhiều người nhưng nó cũng đã thúc đẩy họ "đưa ra những ý tưởng, sản phẩm và dịch vụ mới".

Damien Johnson trong một buổi hướng dẫn khách hàng tập luyện. Ảnh: WSJ.

Damien Johnson trong một buổi hướng dẫn khách hàng tập luyện. Ảnh: WSJ.

Damien Johnson, 46 tuổi, từng làm huấn luyện viên cá nhân (PT) tại một phòng tập cao cấp ở New Jersey. Khi nó đóng cửa, anh định xin việc tại một nhà kho của Amazon. Nhưng một số khách hàng cũ của Johnson cũng không thể đến phòng tập được, mà phải tập luyện trong tầng hầm, công viên hay sau nhà. Dần dần, Johnson đã có được các khách hàng mới thông qua các giới thiệu cá nhân và bài đăng trên Instagram. Cuối mùa hè, Johnson đã kiếm hơn 500 USD mỗi tuần.

Không hiếm những lao động bị mất việc làm trong bối cảnh kinh tế suy thoái đã chuyển sang tự kinh doanh như một phương án dừng chân. Một khi điều kiện tuyển dụng được cải thiện, nhiều người trở lại các vị trí công việc ban đầu. Nhưng Johnson thì không.

Anh quay lại phòng tập thể dục khi nó mở vào tháng 9, nhưng khách thưa thớt. Anh bỏ phòng tập vào ngày 20/10 để tập trung mở rộng kinh doanh cá nhân, cung cấp các buổi đào tạo trực tuyến cho những người làm việc tại nhà. "Nếu chúng ta vẫn muốn tồn tại với công việc mình đã làm thì phải theo đuổi những người không bị mất việc làm", anh nói.

Nhóm doanh nhân mới nổi này đã đẩy mạnh kinh doanh nhiều lĩnh vực dịch vụ, bao gồm nâng cấp nhà cửa, thực phẩm, sắc đẹp và sức khỏe. Họ có một điểm chung là tìm ra cách kết nối với những người ở tầng trên của nền kinh tế, những người có khả năng phục hồi nhanh hơn hoặc không bao giờ bị mất thu nhập.

Nhiều người trong nhóm mới này đang cố gắng xây dựng mối quan hệ trực tiếp với những khách hàng thường xuyên và đang sử dụng kỹ năng của họ làm nguồn thu nhập chính. Một số nói rằng họ coi sự thay đổi là vĩnh viễn.

Thật khó để xác định số lượng người Mỹ đi theo những con đường như vậy. Bởi lẽ, một số giao dịch bằng tiền mặt nên dòng tiền của họ không được dữ liệu ghi nhận đầy đủ.

Tuy nhiên, dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, vào tháng 10, trong khi các công việc được trả lương phi nông nghiệp vẫn giảm 6,6% so với mức trước đại dịch, những công việc tự do phi nông nghiệp phục hồi nhanh hơn, chỉ giảm 2,4%.

Một dấu hiệu khác cũng chỉ ra sự gia tăng mạnh mẽ những người chuyển sang kinh doanh tự do, với việc gia tăng của những người bắt đầu xin mã số thuế doanh nghiệp. Dữ liệu của Cục điều tra dân số cho biết các đơn đăng ký của doanh nghiệp không có nhân viên dự kiến đã tăng 32% trong 9 tháng đầu năm 2020 so với một năm trước đó. Riêng trong quý III, tỷ lệ này tăng vọt 77% so với quý II, mức tăng trưởng theo quý lớn nhất trong 16 năm.

Theo một số cách, việc bắt đầu kinh doanh quy mô nhỏ đã dễ dàng hơn. Mọi người có thể quảng cáo qua mạng xã hội và sử dụng các nền tảng bán hàng trực tuyến như Etsy và Shopify để kết nối với khách hàng. Etsy cho biết doanh thu quý III tăng hơn gấp đôi so với một năm trước đó, một phần là do doanh số bán khẩu trang thủ công tăng vọt.

Một số nhà kinh tế cho biết những lao động như PT hoặc những người sử dụng các nền tảng trực tuyến đang có thể đang tạo xu hướng cho sự thay đổi lâu dài trong cách mọi người mua sắm, giao tiếp xã hội và kiếm thu nhập.

"Một giả thuyết về công việc là các cá nhân nhận ra rằng mức bình thường mới sẽ khác với mức bình thường cũ", John Haltiwanger, Nhà kinh tế tại Đại học Maryland, cho biết các doanh nhân mới "đang tham gia vào hoạt động gắn liền với cấu trúc mới đó".

Tự doanh từ lâu đã trở thành một phần của thị trường lao động Mỹ. Vào cuối những năm 1940, đó là cách mà gần 1/5 người Mỹ kiếm sống, bao gồm nhiều nông dân nhỏ. Tỷ lệ đó đã giảm khi hợp nhất nông trại và các thay đổi khác, nhưng đã ổn định từ năm 2000 ở mức từ 10% đến 11,2% lao động.

Mọi người thường chuyển sang tự kinh doanh khi mất việc làm vì suy thoái kinh tế, nhưng việc hình thành doanh nghiệp mới vẫn còn yếu trong cuộc khủng hoảng tài chính trước đây. Joseph Brusuelas, Nhà kinh tế trưởng tại RSM US, một công ty tư vấn và kế toán, cho biết các lý do bao gồm tín dụng thắt chặt và tài sản hộ gia đình suy giảm do sự sụp đổ của thị trường nhà ở.

Nhưng suy thoái do Covid-19 lần này tạo tác động khác. "Cú sốc này dữ dội hơn nhiều và dẫn đến việc mọi người chuyển sang tự kinh doanh vì họ biết rằng việc làm trước đó có thể không quay lại", ông Brusuelas nói.

Ramona Wilmarth đến cắt tóc tận nhà cho khách. Ảnh: Loren Hasen.

Ramona Wilmarth đến cắt tóc tận nhà cho khách. Ảnh: Loren Hasen.

Ramona Wilmarth, thợ làm tóc ở Sonoma (California), nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp liên bang tổng cộng 1.700 USD mỗi tuần, bao gồm 500 USD cho con trai cô. Sau khi California tạm thời đóng cửa hầu hết dịch vụ trực tiếp vào tháng 3, cô nói với thẩm mỹ viện rằng sẽ không quay lại.

Giờ Wilmarth đến cắt tóc cho khoảng 5 khách hàng mỗi tuần ở sân vườn nhà họ và có 15 khách đến cắt ở hiên nhà cô, nơi trang bị một chiếc ghế, một chiếc gương và đèn sưởi. Cô và các khách hàng đeo khẩu trang và cô được kiểm tra Covid-19 bốn ngày một lần.

Khoảng một nửa khách hàng của cô vẫn duy trì công việc toàn thời gian kể từ khi đại dịch bắt đầu. Những người còn lại bị cắt giảm giờ làm hoặc thất nghiệp. Cô giảm giá cho những người nói rằng họ không thể trả đủ tiền làm tóc. Hiện thu nhập hàng tháng của cô cao hơn 35-40% so với lúc làm ở tiệm. Cô đã hủy trợ cấp thất nghiệp khi công việc kinh doanh đi vào hoạt động. Cô nói rằng, đại dịch đã mở ra cơ hội phát triển. "Nó thúc đẩy tôi làm điều mà tôi chưa thực sự sẵn sàng trước đây", cô nói.

Lượng người làm việc tự do (freelancer) cũng phát triển trong thời kỳ đại dịch. Fiverr International, một công ty có trụ sở tại Israel kết nối freelancer và khách hàng, cho biết số đăng ký mới của freelancer tại Mỹ trên trang web của họ vào quý III đã tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các freelancer thường cung cấp như dịch vụ như đồ họa và thiết kế, tiếp thị kỹ thuật số, lập trình máy tính. Fiverr cho biết họ đã có thu nhập trung bình tốt hơn vào năm 2020 so với những năm trước. Ở quận Riverside, California, một số người đang hoạt động như những đầu bếp tự do, tận dụng luật tiểu bang năm 2018 cho phép mọi người nấu và bán thực phẩm từ nhà của họ.

Foodnome, một nền tảng trực tuyến kết nối những đầu bếp tự do với khách hàng, cho biết tình trạng mất việc làm trong đại dịch đang thúc đẩy xu hướng này. COOK Alliance ước tính California có hàng chục nghìn nhà hàng tại gia, bao gồm cả những quận chưa cấp phép.

Các doanh nhân mới phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm thiếu khả năng tiếp cận với bảo hiểm y tế, bồi thường cho người lao động, nghỉ ốm được trả lương và điều kiện nhận bảo hiểm thất nghiệp. Và không phải doanh nghiệp mới nào cũng tạo ra đủ thu nhập.

Những người đã tự doanh trước đại dịch cũng đã phải vật lộn. Ví dụ, việc ngừng hoạt động vào mùa xuân dẫn đến việc hủy bỏ gần như toàn bộ các buổi biểu diễn của các nhạc công và triển lãm của nghệ sĩ. Nhiều người nhận thấy cơ hội hẹp dần khi các công ty thắt chặt chi tiêu.

Một buổi làm việc của Aaron Thomas. Ảnh: Gary Kriksey.

Một buổi làm việc của Aaron Thomas. Ảnh: Gary Kriksey.

Aaron Thomas, một DJ ở Athens (Ohio), từng biểu diễn trên tàu du lịch vào mùa đông và tại các đám cưới vào mùa hè. Anh mất nhiều hợp đồng khi đại dịch bắt đầu. Thomas xoay xở trở thành nhà cung cấp dịch vụ lập kế hoạch đám cưới giãn cách xã hội. Anh thiết lập các hệ thống Zoom để khách mời tham dự đám cưới từ xa và xử lý các sự cố kỹ thuật.

Anh mang một máy phát điện chạy bằng xăng đến những nơi xa xôi, nơi mọi người chọn để nói lời thề thành đôi của mình. Anh tổ chức các buổi hòa nhạc trực tuyến cho sinh viên tại Đại học Ohio và Đại học Bowling Green State, tuyển dụng các nhạc công quen biết từ các chuyến du lịch trên biển. Tuy nhiên, thu nhập của anh hiện thấp hơn trước 60%.

Tương tự Thomas, nhiều người tận dụng kỹ năng sẵn có để tự doanh nhưng một số rẽ lối sang công việc hoàn toàn khác. Jorge Paredes ở Silver Spring, Maryland, bắt đầu rửa xe sau khi mất việc tại một nhà hàng ở Washington vào tháng 3.

Jorge Paredes bên cạnh chiếc xe mới mua được sau thời gian đi rửa xe lưu động. Ảnh: Jorge Paredes.

Jorge Paredes bên cạnh chiếc xe mới mua được sau thời gian đi rửa xe lưu động. Ảnh: Jorge Paredes.

Công việc mới ban đầu khá khó khăn, khi một số người la hét hoặc đóng sầm cửa khi anh đến gần nhà họ. Sau đó, hợp đồng với một giáo đường Do Thái địa phương đã giúp dịch vụ của anh nhanh chóng phất lên. Đến tháng 9, anh tiết kiệm đủ tiền mua một chiếc xe tải nhỏ sau thời gian phải di chuyển bằng xe đạp.

Giờ đây, anh mang máy rửa xe cầm tay và vòi nước để mắc vào vòi nước ngoài sân của nhà khách hàng, anh còn làm thêm dịch vụ mài dao và thu nhập gần gấp đôi thời làm ở nhà hàng.

"Tôi rất vui vì đã mất việc làm trong nhà hàng. Đại dịch này đã giúp tôi. Tôi đã sử dụng nó như một bàn đạp", Paredes dự định tiếp tục tự doanh sau khi hết dịch và tin rằng mình đủ linh hoạt để thích ứng với những thay đổi. Nếu rửa xe trở nên kém sinh lời hơn, anh sẽ cung cấp một dịch vụ khác.

Phiên An (theo WSJ)

Xem thêm: lmth.2414914-hcid-aum-nahn-hnaod-hnaht-ort-ut-av-iaht-as-ib/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bị sa thải và tự trở thành doanh nhân mùa dịch”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools