Các hãng tin Reuters và AP dẫn các nguồn thạo tin cho biết ê-kíp của Tổng thống Donald Trump đã thay đổi chiến lược với hy vọng lật ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Cụ thể, họ tập trung vào nỗ lực thuyết phục giới lãnh đạo cơ quan lập pháp do Đảng Cộng hòa kiểm soát tại các bang chiến trường mà ông Joe Biden đang nắm lợi thế, như Michigan và Pennsylvania, để bác bỏ kết quả phiếu phổ thông và trao phiếu đại cử tri cho ông chủ Nhà Trắng.
"Nên đảo ngược toàn bộ kết quả ở tất cả bang chiến trường và các cơ quan lập pháp, bảo đảm các đại cử tri được chọn sẽ bỏ phiếu cho (Tổng thống) Trump" - bà Sidey Powell, một trong số các luật sư của ông Trump, khẳng định trên kênh Fox Business hôm 19-11 (giờ địa phương).
Việc mời các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa kiểm soát cơ quan lập pháp bang Michigan đến Nhà Trắng hôm 20-11, theo báo Detroit News, có thể là một bước đi trong kế hoạch trên. Ông Biden đang dẫn trước ông Trump hơn 150.000 phiếu phổ thông ở Michigan.
Một nhân viên đếm phiếu lại ở TP Marietta, bang Georgia - Mỹ hôm 15-11. Ảnh: AP
Hướng đi mới được triển khai sau khi nỗ lực đảo ngược kết quả bằng con đường tố tụng và yêu cầu đếm lại phiếu hết sức gập ghềnh với Tổng thống Trump. Mới đây nhất, vào ngày 19-11, bang Georgia đã hoàn tất việc đếm lại gần 5 triệu phiếu bầu và kết quả một lần nữa khẳng định ông Biden là người chiến thắng tại bang này.
Dù vậy, ê-kíp Tổng thống Trump chưa có dấu hiệu từ bỏ cuộc chiến pháp lý. Tại cuộc họp báo cùng ngày 19-11, luật sư riêng của Tổng thống Trump, ông Rudy Guiliani, tuyên bố sẽ trình thêm nhiều đơn kiện mới và cáo buộc Đảng Dân chủ tiến hành "âm mưu quốc gia" để cướp cuộc bầu cử năm nay nhưng không trưng ra chứng cứ. Theo một quan chức cấp cao giấu tên của chính quyền Tổng thống Trump, đây là một phần của nỗ lực gieo rắc hoài nghi về kết quả bầu cử tại các bang chiến trường nhằm gây sức ép, buộc các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa can thiệp bằng cách bổ nhiệm những đại cử tri ủng hộ Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, theo AP, giới lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại các bang chiến trường như Pennsylvania, Georgia và Wisconsin tuyên bố sẽ không trao phiếu đại cử tri cho Tổng thống Trump bằng cách thay thế đại cử tri đoàn. Họ không muốn dính dáng đến bất cứ chiến lược nào nhằm thay đổi kết quả bầu cử vì lo ngại hình ảnh của Đảng Cộng hòa tại các bang của họ bị ảnh hưởng xấu, đặc biệt là khi giới chức bầu cử từng nhiều lần khẳng định không có dấu hiệu về "gian lận bầu cử quy mô lớn".
Tại Mỹ, một ứng viên trở thành tổng thống nhờ vào thắng phiếu đại cử tri chứ không phải phiếu phổ thông. Về cơ bản, các bang sẽ công nhận danh sách đại cử tri của bang mình tùy theo ứng viên nào thắng phiếu phổ thông. Ngày 8-12 tới là hạn chót để các bang giải quyết rốt ráo các tranh chấp bầu cử và gút lại danh sách đại cử tri. Các đại cử tri đoàn sẽ tập trung vào ngày 14-12 để chính thức bỏ phiếu chọn tổng thống.
Hiện tại, theo nhiều cơ quan truyền thông Mỹ, ông Biden đang nắm trong tay 306 phiếu đại cử tri, vượt xa con số 232 phiếu của ông Trump. Giả sử ông Trump lấy được 36 phiếu của 2 bang Michigan và Pennsylvania thì "tỉ số" giữa hai ông Biden và Trump là 270-268. Trong trường hợp đó, phía ông Trump phải "lật" thêm một bang nữa.
Về phần mình, ông Biden hôm 19-11 chỉ trích Tổng thống Trump "vô trách nhiệm" vì không hợp tác chuyển giao quyền lực ôn hòa, khiến đội ngũ của ông không nhận được những thông tin cần thiết liên quan đến đại dịch Covid-19. Cùng ngày, ông Biden - người được truyền thông Mỹ dự đoán đắc cử, đã có cuộc hội đàm qua điện thoại với ban lãnh đạo của Hiệp hội Thống đốc quốc gia, bao gồm 5 thành viên Đảng Cộng hòa và 4 thành viên Đảng Dân chủ. Trong ngày 20-11, ông gặp gỡ giới lãnh đạo của Đảng Dân chủ tại quốc hội Mỹ.
Đến thời điểm này, ông Biden đã giành được số phiếu phổ thông kỷ lục là hơn 80 triệu, nhiều hơn Tổng thống Trump gần 6 triệu phiếu (tương đương 3,8 điểm %).
Xem thêm: nhc.70915429012110202-pmurt-gnoht-gnot-auc-iom-hnit-naot/nv.fefac