Ngày 22-11, kênh truyền hình Fox News cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở, một hiệp ước quốc tế cho phép các nước thành viên thực hiện những chuyến bay giám sát trên không phận của nhau để thu thập dữ liệu về lực lượng quân sự.
Trước đó, Mỹ cáo buộc Nga đã vi phạm các điều khoản của thỏa thuận trong nhiều năm khi cấm các chuyến bay qua lãnh thổ của Nga, bao gồm thành phố Kaliningrad, nơi bị nghi ngờ có lưu trữ vũ khí hạt nhân.
Vào ngày 22-5, Mỹ ra thông báo ý định rút khỏi Hiệp ước quốc phòng này với các quốc gia ký kết hiệp ước, trước sáu tháng theo quy định trong khoản 2 điều 15.
“Sau sáu tháng kể từ thời điểm thông báo, từ ngày 22-11, Mỹ không còn là quốc gia thành viên của Hiệp ước Bầu trời Mở nữa” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Cale Brown cho biết.
Vào đầu mùa hè năm nay, Lầu Năm Góc tuyên bố rằng “việc tiếp tục là một thành viên của hiệp ước không còn cho Mỹ lợi ích nữa khi Nga không giữ các cam kết thỏa thuận của mình”.
“Trong khi Mỹ và các quốc gia thành viên của hiệp ước đã tuân thủ và làm theo các cam kết cùng nghĩa vụ của mình, Nga đã vi phạm các điều khoản theo nhiều cách khác nhau và trong nhiều năm” – Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói.
Máy bay OC-135B của Mỹ cất cánh tại căn cứ không quân Kubinka của Nga. Ảnh: AFP
Từ ngày 22-11, Mỹ sẽ không thể đưa các máy bay do thám không vũ trang đến không phận của Nga hay của các nước thành viên khác trong hiệp ước quốc phòng này.
Tuy nhiên, theo hãng tin RT, nhiều người lo ngại rằng Mỹ vẫn sẽ có được các thông tin về quân đội Nga từ các đồng minh châu Âu thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn còn tham gia Hiệp ước Bầu trời Mở, trong khi cấm các chuyến bay do thám của Nga tới những cơ sở quân sự của Mỹ.
Cùng ngày 22-11, Bộ Ngoại giao Nga gọi động thái trên là “không thể chấp nhận được” và tuyên bố rằng Moscow “sẽ tìm kiếm sự đảm bảo rằng các quốc gia thành viên còn lại sẽ thực hiện nghĩa vụ của họ”.
“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng sẽ không có rào cản nào ngăn chặn việc giám sát không phận của nhau. Chúng tôi cũng yêu cầu các nước không cung cấp những bức ảnh từ các chuyến bay do thám cho các nước thứ ba không phải là thành viên của hiệp ước – Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.
Hiệp ước Bầu trời Mở được ký kết vào năm 1992 và có hiệu lực từ năm 2002, cho phép 35 quốc gia thành viên thực hiện các chuyến bay giám sát trên không phận của nhau.