Sáng 23-11, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị 3 gồm: ĐB Nguyễn Phước Lộc, ĐB Phan Thị Bình Thuận và ĐB Lâm Quang Đại đã tiếp xúc với cử tri quận Bình Tân sau kỳ họp thứ 10 QH khóa XIV.
Nhiều cử tri quận Bình Tân đã nêu về dự án xây dựng nhà máy ép rác trên công viên thuộc Khu dân cư Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B.
Cử tri Nguyễn Hữu Ngữ bày tỏ ý kiến không đồng tình với việc xây dựng nhà máy rác. Ảnh: LÊ THOA
Cử tri Thừa Quang Lại nói: “Quốc hội vừa thông qua Luật Bảo vệ môi trường nói rằng phải để người dân được sống trong môi trường trong sạch. Thế mà bây giờ lại đưa một nhà máy ép rác vào giữa công viên cây xanh là vô lý”.
Cử tri Bùi Quang Thăng cho biết nhiều người dân ở khu vực không đồng ý với dự án xây dựng nhà máy ép rác nên vừa qua có giăng băng rôn phản ứng. Bởi khu dân cư này hiện có hàng ngàn hộ dân với hàng chục ngàn nhân khẩu sinh sống. Ông đề nghị quận Bình Tân đưa dự án này sang một khu đất trống khác.
Cử tri Nguyễn Hữu Ngữ cũng không đồng tình khi từ tháng 7-2020, người dân đã nêu ý kiến không đồng ý với dự án và yêu cầu được giải quyết nhưng năm tháng qua vẫn chưa nhận được thông tin.
Trước bức xúc của cử tri, ĐBQH Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương nhìn nhận, nếu chính quyền đặt mình vào tâm trạng của người dân để giải quyết vấn đề thì cử tri sẽ không có bức xúc như hôm nay. Làm sao để trong quá trình điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo phải giải quyết cái gốc của vấn đề dựa trên tinh thần phục vụ nhân dân.
ĐBQH Nguyễn Phước Lộc trả lời cử tri quận Bình Tân. Ảnh: LÊ THOA
“Những gì thuộc thẩm quyền cấp trên khó hơn, phải xin ý kiến thì cũng phải trả lời cho dân biết việc xin ý kiến đó đã được thực hiện tới đâu, dân phải chờ đợi bao lâu” – ĐB Lộc đề nghị.
Về vấn đề nhà máy rác bị người dân phản ứng, ĐB Lộc cũng nhìn nhận đây là thực tế được đặt ra vì hàng ngày chúng ta xả rác thì phải xử lý rác theo quy định pháp luật nhưng cũng phải đúng nguyện vọng của người dân.
ĐB Lộc đã dẫn chứng việc người dân huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định và người dân tỉnh Hải Dương cũng từng có phản ánh kéo dài về việc xây dựng một nhà máy rác. Tuy nhiên sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định và Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã đứng ra đối thoại, tiếp xúc thì mới nhận được sự đồng thuận từ người dân.
“Phải là người đứng đầu, người có trách nhiệm cao nhất của địa phương đó đứng ra đối thoại và tiếp xúc dân, chứ đừng cử người không có thẩm quyền, chỉ giải thích về mặt chuyên môn nghiệp vụ thôi” – ĐB Lộc khẳng định.
Theo đó, ĐB Nguyễn Phước Lộc đã kiến nghị Bí thư, Chủ tịch quận Bình Tân phải sắp lịch đối thoại với công dân để giải quyết vấn đề người dân kiến nghị, đặc biệt là ý kiến về nhà máy xử lý rác. Sau đó quận Bình Tân phải trả lời văn bản cho ĐBQH TP để ĐB giám sát.
ĐB Lộc cũng đề nghị HĐND quận, Ủy ban MTTQ quận phối hợp với đoàn thể, mời chuyên gia giám sát trên kiến nghị nhân dân, phát huy quyền dân chủ của người dân. Nếu kiến nghị đó là đúng thì Ủy ban MTTQ có phản biện xã hội về dự án này đối với nhà đầu tư và chủ trương đầu tư.
“Nếu vụ việc chưa hợp lòng dân thì lấy ý kiến điều chỉnh dự án; nếu xâm hại lợi ích của dân thì dừng dự án nhưng khi dừng dự án rồi thì vấn đề xử lý rác của quận phải có phương án khác” – ĐB Lộc đề nghị.
Nếu xây công trình quốc gia, dân sẵn sàng hiến đất Cử tri Nguyễn Tấn Khoa, phường Tân Tạo đã nêu bức xúc khi bị thu hồi một diện tích đất tương đối lớn trong Khu dân cư 329 ha để giao cho một công ty kinh doanh. Khi bị thu hồi, ông chỉ được đền bù với giá 2-3 triệu đồng/m2 mà không nhận được hỗ trợ về tái định cư.
“Tôi sẵn sàng hiến 2.000 m2 đất để nhà nước xây dựng công trình trọng điểm quốc gia. Còn thu hồi đất của tôi giao cho một công ty làm kinh tế thì phải bồi thường xứng đáng cho tôi” – ông Khoa nói và mong muốn có được giá bồi thường hợp lý. Về việc này, ĐBQH Nguyễn Phước Lộc nhìn nhận đây là một dự án mang tính phát triển kinh tế. Vì vậy, quận phải tổ chức đối thoại với người dân, để tìm tiếng nói chung giữa lợi ích nhà đầu tư và quyền lợi của người dân. |