GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, trưởng ban đào tạo đại học và sau đại học (ĐH Quốc gia Hà Nội):
Tự chủ không có nghĩa muốn làm gì cũng được
"Vụ việc Trường ĐH Đông Đô là lời cảnh tỉnh cho các cơ sở giáo dục đại học, cũng như người học, nếu cấp chứng chỉ giả, sử dụng bằng giả sẽ tự mình đánh mất uy tín.
Nhưng thông qua vụ việc này tôi cũng thấy có một vấn đề, đó là việc đào tạo ngoại ngữ ở Việt Nam cả cấp phổ thông và đại học hiện nay chưa tốt. Học sinh tốt nghiệp phổ thông, cũng như sinh viên tốt nghiệp đại học rất ít em đạt tiêu chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Yêu cầu đầu vào cho nghiên cứu sinh phải có chứng chỉ B2 là đúng, tuy nhiên để được như vậy cần có lộ trình.
Thực tế đào tạo tại ĐH Quốc gia Hà Nội tôi thấy có rất nhiều em đến từ khu vực nông thôn học rất giỏi, chỉ có tiếng Anh hơi kém do trường THPT dạy chưa tốt, hoặc vì điều kiện khó khăn không thể học thêm tiếng Anh. Nhưng vì các em ấy có năng lực thật sự nên chỉ cần có thời gian là sẽ bù đắp được. Ngoài ra có nhiều chuyển tiếp sinh (tức diện sinh viên làm nghiên cứu sinh) có khả năng đọc tài liệu tiếng Anh để làm nghiên cứu, nhưng nói không tốt, nên chưa thể có bằng B2 ngay. Do đó ĐH Quốc gia Hà Nội có chính sách cho các chuyển tiếp sinh nợ bằng tiếng Anh.
Nếu không làm như vậy thì nhiều em có năng lực nghiên cứu nhưng chưa có bằng B2 tiếng Anh sẽ bỏ ra ngoài đi làm, chỉ làm vài năm là các em không muốn quay trở lại nghiên cứu nữa.
Nên chăng Bộ GD-ĐT điều chỉnh lại yêu cầu đầu vào ngoại ngữ là B1, đầu ra là B2 thì tốt hơn. Hiện nay vì không thể đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT nên nhiều người đã tìm cách lách luật. Không lấy được chứng chỉ quốc tế thì họ xoay ra lấy văn bằng 2 tiếng Anh.
Qua vụ việc này, tôi thấy cần đặt ra vấn đề nâng cao việc đào tạo tiếng Anh ở các cấp học, cần phải thắt chặt kỷ cương đối với các cơ sở giáo dục đại học, giao cho tự chủ không có nghĩa là muốn làm gì cũng được, tự chủ phải gắn với trách nhiệm giải trình".