Nhiều nhà đầu tư tiếp tục tăng vốn mở rộng sản xuất
Hùng Lê
(TBKTSG Online) - Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 11 tháng đầu năm nay, cả nước có 1.051 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,3 tỉ đô la, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản xuất của một doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Ảnh: Hùng Lê |
Tăng vốn mở rộng sản xuất trên nhiều lĩnh vực
Việc tiếp tục tăng vốn mở rộng sản xuất của các nhà đầu tư tại Việt Nam đã trở thành điểm sáng duy nhất về thu hút đầu tư nước ngoài trong 11 tháng đầu năm trong bối cảnh dòng vốn FDI mới và vốn đầu tư qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A) bị sụt giảm do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Tập đoàn phát triển bất động sản công nghiệp và logistics BW Industrial gần đây đã đón giấy chứng nhận đầu tư để triển khai nhà xưởng, kho bãi trên diện tích gần 20 héc ta đất tại khu công nghiệp Tân Phú Trung (TPHCM).
Dự án có vốn đầu tư hơn 80 triệu đô la Mỹ này là bước đi tiếp theo của nhà đầu tư đến từ Hà Lan sau khi đã phát triển hàng loạt dự án đầu tư ở nhiều tỉnh thành khác trên cả nước, trong đó Bình Dương là điểm đến đầu tiên kể từ giữa năm 2018.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ cung cấp hơn 150.000 m2 kho xưởng, dự kiến sẽ đáp ứng được nhu cầu sử dụng của thị trường trong nước và quốc tế trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Theo ông C.K Tong, Tổng giám đốc BW Industrial, Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu của nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhờ vị trí chiến lược, lực lượng lao động trẻ dồi dào, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như kinh tế vĩ mô vững chắc và linh hoạt.
Theo ông, nỗ lực của Chính phủ đang đặt Việt Nam vào vị thế nổi bật hơn so với các quốc gia khác, đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á hay châu Á. Không chỉ các nhà sản xuất hàng đầu mà các công ty khởi nghiệp cũng xem Việt Nam là điểm đến quan trọng.
Trong khi đó, Công ty TNHH Brotex (Việt Nam) 100% vốn Trung Quốc với dự án nhà máy sản xuất sợi Brotex tại tỉnh Tây Ninh) gần đây cũng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 50 triệu đô la sau khi đã rót hàng trăm triệu đô la vào mảng nguyên phụ liệu dệt may tại địa phương này.
Đáng chú ý là dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tập đoàn SCG (Thái Lan) đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư từ 1,386 tỉ đô la lên 5,4 tỉ đô la.
Tuy nhiên, hoạt động rót vốn và tăng mạnh nguồn vốn đầu tư hiện hữu phải kể đến các nhà đầu tư Nhật Bản. Trước đó, theo ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam ngày càng có xu hướng mở rộng đầu tư mà gần đây, cụm từ “Việt Nam + 1” được giới doanh nghiệp nước này nhiều lần nhắc đến giữa dịch Covid-19 xảy ra.
"Việt Nam +1" là xu hướng của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang có dự án sản xuất tại Việt Nam muốn mở thêm nhà máy nữa, ông Hirai Shinji nói.
Người đứng đầu JETRO tại TPHCM cho biết trước xu hướng này, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đang nghiên cứu để đưa thuật ngữ “Việt Nam + 1” vào các ấn phẩm chính thức.
Việc các doanh nghiệp FDI mở rộng sản xuất phần nào giúp gia tăng dòng vốn vào Việt Nam, giảm nhẹ tình trạng giảm sâu của vốn ngoại giữa mùa Covid. Ảnh minh họa: TTXVN |
Chờ đợi những luồng vốn dẫn dắt xu hướng
Đại diện của JETRO cũng nhắc lại chuyện có đến một nửa trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản tại Đông Nam Á được chính phủ nước này lựa chọn cho chương trình "Hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài" là đang hoạt động ở Việt Nam.
Sự hỗ trợ này giúp doanh nghiệp tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất hoặc đầu tư nhà máy mới không chỉ cho thấy sự quan tâm của doanh nghiệp nước này mà còn là sự ưu tiên hỗ trợ đầu tư của Chính phủ Nhật Bản.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 11 tháng đầu năm nay, cả nước có 1.051 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,3 tỉ đô la, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả tăng trưởng này cũng là điểm sáng hiếm hoi về thu hút nguồn vốn ngoại trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư toàn cầu hiện nay.
Theo giới phân tích, những nhà đầu tư hiện hữu này tiếp tục mở rộng đầu tư không những cho thấy niềm tin của họ vào môi trường đầu tư-kinh doanh ở Việt Nam mà còn là cơ hội để đất nước quảng bá thu hút các nhà đầu tư mới một cách hiệu quả hơn.
Trong khi đó, cùng thời gian trên cả nước có 2.313 dự án FDI được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 13,6 tỉ đô la, giảm 33,5% về số dự án và giảm 7,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, cùng thời gian này, cả nước có 5.812 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn đạt 6,5 tỉ đô la, giảm 41,8%.
Như vậy, tính chung tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ đầu năm đến ngày 20-11 vừa qua bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,4 tỉ đô la, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng ước tính đạt 17,2 tỉ đô la, chỉ giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước. |
Hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tin tưởng và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Nhưng theo giới quan sát, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục bị ảnh hưởng.
Số dự án mới và cả số lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đều giảm so với cùng kỳ. Tuy vậy, xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì kết quả này tốt hơn nhiều quốc gia khác, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế.
Xem thêm: lmth.taux-nas-gnor-om-nov-gnat-cut-peit-ut-uad-ahn-ueihn/902113/nv.semitnogiaseht.www