vĐồng tin tức tài chính 365

Loạt giải pháp cấp bách đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế sau dịch

2021-12-01 12:41

Đảm bảo an ninh năng lượng để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là một trong những nội dung quan trọng cần được tính toán và có giải pháp kịp thời. Để không lâm vào tình trạng thiếu hụt điện như các nước trên thế giới gặp phải thời gian gần đây, ngoài các giải pháp về đáp ứng nguồn cung, cần có biện pháp mạnh mẽ hơn trong tiết kiệm năng lượng. 

Miền Bắc nguy cơ thiếu điện trong năm 2022

Câu chuyện “nguy cơ thiếu điện” lại một lần nữa được “hâm nóng” khi hàng loạt các quốc gia ở Châu Á, thời gian vừa qua phải “vật lộn” với cuộc khủng hoảng năng lượng. Trung Quốc, Ấn Độ... đang đứng trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng điện do phụ thuộc quá nhiều vào nhiệt điện, trong khi nguồn cung than đá lại thiếu trầm trọng. Ở Ấn Độ, điện than chiếm khoảng 70% sản lượng điện của quốc gia này.

Còn tại Việt Nam, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”, những ngày này, nhiều nhà máy hoạt động “hết công suất” để đáp ứng các đơn hàng Tết cho đối tác Mỹ, Châu Âu. Lượng tiêu thụ điện cũng từ đó mà tăng cao; dự kiến sẽ tăng đột biến trong năm 2022.

Thống kê của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), trong quý III/2021, nhu cầu phụ tải điện toàn quốc tăng trưởng thấp do ảnh hưởng các đợt giãn cách xã hội kéo dài vì COVID-19. Luỹ kế 10 tháng, tổng sản lượng điện toàn hệ thống là 213 tỉ kWh, tăng 3,3% so với cùng kỳ 2020 và thấp hơn 5,7 tỉ kWh kế hoạch năm.

Nhưng sang năm 2022, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội sẽ ở mức cao, khi chiến lược phòng dịch chuyển sang thích ứng an toàn, sống chung với COVID-19 và kinh tế mở cửa trở lại. Nguy cơ thiếu điện có thể xảy ra - nếu không có các kịch bản ứng phó kịp thời.

Tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), công suất đỉnh phụ tải tại miền Bắc trong năm 2022 có thể đạt 23.927-24.791 MW, tăng 2.076-2.870 MW so với năm 2020. Như vậy, khu vực miền Bắc sẽ thiếu khoảng 1.500-2.400 MW trong một số giờ cao điểm, thời tiết cực đoan. “Đây cũng là khu vực tiềm ẩn rủi ro thiếu hụt công suất đỉnh trong các ngày nắng nóng” - ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN nhận định.

Theo ông Võ Quang Lâm, mối lo miền Bắc thiếu điện trong mùa khô năm sau hiện hữu khi thuỷ điện cung ứng trên 45% điện cho khu vực này. Trong khi đó, các nhà máy thuỷ điện đang gặp thách thức khi mực nước về các hồ thuỷ điện thiếu so với các năm. Tính đến tháng 10, khu vực các hồ Lai Châu, hồ Sơn La và Hòa Bình, thiếu hụt khoảng 41% so với trung bình nhiều năm, tần suất 84-98%.

Thực tế, tổng sản lượng thủy điện lũy kế 10 tháng đầu năm theo nước về đạt 62,5 tỉ kWh, thấp hơn 1,7 tỉ kWh so với kế hoạch năm. Ước tính đến cuối tháng 12, tổng lượng nước tích tại các hồ thuỷ điện là 14,3 tỉ kWh, giảm 738 triệu kWh. Riêng sản lượng tích nước tại miền Bắc hơn 7,46 tỉ kWh, thiếu hụt 465 triệu kWh.

Sẵn sàng các kế hoạch tăng trưởng

Để đảm bảo cấp điện cho mùa khô năm 2022, ông Võ Quang Lâm cho rằng, cần tích nước các hồ thuỷ điện lên mức cao nhất có thể vào cuối năm 2021, nhất là các hồ khu vực miền Bắc và điều tiết giữ ở mức cao đến cuối mùa khô để nâng công suất khả dụng cho các nhà máy thuỷ điện. Tập đoàn này cũng tính tới phương án sẽ huy động tối ưu các nguồn điện phía Bắc, truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc.

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc EVN, tập đoàn này đã ký phụ lục hợp đồng với các nhà máy thuỷ điện nhỏ, điều chỉnh khung giờ cao điểm vào các giờ phù hợp với nhu cầu phụ tải điện. 

“Điều này góp phần rất lớn trong việc giảm thiếu điện trong các giờ cao điểm của miền Bắc. Ngoài ra, tập đoàn cùng các đơn vị sẽ tăng cường nghiên cứu đầu tư các hệ thống lưu trữ điện, tăng nhập khẩu điện từ Lào” - ông Lâm chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho rằng, việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn 2020-2025 sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Vì vậy, song song với việc khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Làm sao để giảm thiểu rủi ro về năng lượng?

Để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, đồng thời tránh rủi ro về “nguy cơ thiếu điện”, trao đổi với Lao Động, ông Sean Huang - Quản lý Phát triển của Copenhagen Offshore Partners (COP), đơn vị đang tham gia phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn cho biết, sự biến động của giá than và khí thiên nhiên hóa lỏng trên thị trường toàn cầu là một thách thức đối với Việt Nam trong việc quản lý hoạt động và cân bằng giữa chi phí nhiên liệu và hiệu quả thời kỳ hậu COVID-19.

“Chính vì vậy, việc gia tăng các nguồn năng lượng ít phụ thuộc hơn vào nhiên liệu hóa thạch, tức là năng lượng tái tạo và phát triển hệ thống lưới điện thông minh hơn với các hệ thống lưu trữ năng lượng sẽ giúp Việt Nam khắc phục và giảm thiểu rủi ro về an ninh năng lượng”, ông Sean Huang nêu quan điểm.

 Đánh giá lại toàn bộ nguồn cung 

Để tránh nguy cơ thiếu điện, chuyên gia năng lượng Nguyễn Tài Sơn - nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 cho Lao Động biết, các nhà hoạch định chính sách cần phải đánh giá lại toàn bộ các nguồn cung trước mắt và lâu dài, xác định cơ cấu nguồn hợp lý, sử dụng chính sách giá mua điện để kích thích hoặc hạn chế đầu tư loại nguồn điện. 

Đây là giải pháp tổng hợp liên quan đến khả năng của nguồn cung cấp, độ tin cậy của đối tác và chi phí của hệ thống; khai thác tối ưu các nguồn năng lượng trong nước hiện có, bao gồm cả chính sách tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Thực hiện loạt giải pháp cấp bách tránh “nguy cơ thiếu điện”

“Để đảm bảo cung cấp điện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân - cần thực hiện rà soát các dự án điện đang xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn 2020-2025, đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng và vận hành các công trình nguồn và lưới điện. 

Đồng thời, rà soát các dự án có khả năng đẩy sớm tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành để bổ sung khả năng cấp điện sớm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Khẩn trương triển khai xây dựng các đường dây, trạm biến áp giải tỏa công suất các dự án hiện hữu, nhất là các công trình năng lượng tái tạo. Đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện nhập khẩu điện” - Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương.


Xem thêm: odl.355979-hcid-uas-et-hnik-neirt-tahp-ohc-neid-ud-oab-mad-hcab-pac-pahp-iaig-taol/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Loạt giải pháp cấp bách đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế sau dịch”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools