Vấn đề xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại doanh nghiệp có vai trò quan trọng - Ảnh: Đ.TRUNG
Sáng 4-12, Ban Kinh tế trung ương và Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp tổ chức Hội thảo "Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước ngang tầm nhiệm vụ: Thực trạng và giải pháp".
Phát biểu mở đầu hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong - phó trưởng Ban Kinh tế trung ương - cho rằng doanh nghiệp nhà nước đã có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, trong đó đội ngũ lãnh đạo chủ chốt đóng vai trò then chốt. Vì vậy xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước.
Theo đó, có nhiều vấn đề vướng mắc liên quan công tác cán bộ của doanh nghiệp nhà nước, ảnh hưởng sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước. Đơn cử như việc tuyển chọn nhân lực của cấp quản lý, quản trị doanh nghiệp chưa đủ độ mở để tuyển chọn được người tài giỏi đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh quốc tế, dẫn tới thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực như đánh giá của Nghị quyết 26/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Cũng theo ông Phong, một số chủ trương đổi mới về vấn đề cán bộ của Đảng chưa được thể chế hóa để đưa vào cuộc sống liên quan đến việc tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Đơn cử như việc tách người quản lý doanh nghiệp nhà nước khỏi chế độ viên chức, công chức. Triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác trong doanh nghiệp. Vấn đề xây dựng chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài".
Ngoài ra, việc bổ nhiệm cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp nhà nước còn chịu sự điều chỉnh của quy định không bố trí phân công các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong doanh nghiệp nếu không phải là cấp ủy viên hoặc cùng cấp…
Theo ông Chu Đình Động - trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương - vẫn còn một bộ phận cán bộ chủ chốt chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực quản lý, điều hành; tầm nhìn và khả năng hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh còn hạn chế, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng đến mức phải xử lý theo quy định.
Trong khi đó, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp còn hạn chế. Việc bổ nhiệm cán bộ còn nể nang, ngại va chạm; tiêu chí đánh giá cán bộ chưa được lượng hóa cụ thể nên chưa sâu, chưa kịp thời đưa ra cảnh báo, ngăn chặn vi phạm cán bộ; công tác nhân sự mới chỉ tập trung ở nhiệm vụ trước mắt mà chưa tính đến tầm nhìn dài hạn...
Từ thực tiễn trên, ông Nghiêm Xuân Đa - phó tổng giám đốc tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - cho rằng công tác quy hoạch cán bộ cần phải bảo đảm tính "mở" và "động", mở rộng dân chủ và công khai, không khép kín. Cán bộ đưa vào quy hoạch phải bảo đảm về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có năng lực thực tiễn, thể hiện được uy tín thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm và kết quả đánh giá cán bộ hằng năm.
Đồng thời, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phát hiện sớm nguồn cán bộ trẻ có đức, có tài, có triến vọng về khả năng lãnh đạo, quản lý, đưa vào quy hoạch để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng.
TTO - Chính phủ yêu cầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước không để xảy ra lợi ích nhóm khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và không để xảy ra thất thoát, lãng phí khi xử lý lại, sắp xếp nhà đất.
Xem thêm: mth.36970120140211202-coun-ahn-peihgn-hnaod-oad-hnal-ioig-iougn-nohc-ed-om-ud-auhc-ehc-oc/nv.ertiout