Những cuộc tụ tập liên hoan hát karaoke không cách âm dễ gây ảnh hưởng tiếng ồn đến hàng xóm - Ảnh: Q.Đ.
Cả gia đình tôi đang sống tại một chung cư ở quận Tân Phú (TP.HCM). Vợ chồng tôi quyết định chọn lựa căn hộ ở chung cư này ngay khi vừa kết hôn, vì đảm bảo an ninh và một số tiện ích khác.
Tuy nhiên, sau khoảng thời gian sống chung trong không gian của tòa nhà, gia đình tôi bắt đầu gặp phải những vấn đề bất cập.
Đủ các kiểu ô nhiễm
Một trong số đó là nhiều người hàng xóm thường xuyên xả rác, thả rông động vật và hát karaoke với âm thanh cực đại bất chấp giờ giấc nghỉ ngơi của mọi người xung quanh. Vốn dĩ các căn hộ tại chung cư thường liền kề nhau, ít có khả năng cách âm nên bất kỳ mọi âm thanh to tiếng nào từ tiếng vợ chồng cãi nhau, la hét con cái đến các buổi nhậu nhẹt liên hoan, những lần hát karaoke bất chấp thời gian... thì "cả xóm cùng nghe".
Nếu may mắn ở cạnh, dưới hoặc trên căn hộ của những người hàng xóm văn minh, biết cách tôn trọng mọi người xung quanh thì rất dễ dàng. Nhưng nếu không may bạn phải ở cạnh nhà của một số người hàng xóm không có ý thức giữ gìn không gian chung, thậm chí thường xuyên thích hát karoke, tổ chức tiệc tùng thì câu chuyện sẽ không dừng lại ở sự khó chịu.
Bản thân tôi sau những giờ làm việc mỏi mệt, khi quay về nhà lại vô cùng chán ngán, thậm chí trầm cảm vì hàng loạt tiếng ồn từ hai nhà cạnh bên.
Dù muốn ôn hòa với hàng xóm nhưng bản thân tôi thật sự không thể làm được. Tôi đã vài lần góp ý trực tiếp với họ và ban quản lý chung cư, nhưng thực tế vẫn không cải thiện được bao nhiêu.
Ngược lại, chính bản thân những hộ gia đình bị góp ý còn phản ứng ngược lại, thậm chí không tiếc lời mắng nhiếc, đe dọa gia đình tôi và một số người đồng quan điểm. Mối quan hệ đang yên lành phút chốc hóa căng thẳng chỉ vì những bất đồng trong việc giữ gìn mỹ quan, hạn chế tiếng ồn ở chung cư.
Thời điểm giãn cách phòng dịch cũng "không tha"
Vào thời điểm dịch bệnh, mọi người phải cách ly tại nhà nhưng chung cư nhà tôi vẫn ồn ào tiếng người, đặc biệt là tiếng của bọn trẻ con nghịch ngợm ngoài hành lang hoặc sân chơi chung ở công viên dưới nhà.
Dù bản tính trẻ con vốn dĩ vô tư nhưng trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, thiết nghĩ các bậc phụ huynh nên có cách quản lý trẻ trong nhà nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Một vài người lớn vẫn vô ý thức đến độ cùng dắt trẻ ra ngoài chơi, mang theo cả bát cháo, ít bánh mì…rồi hồn nhiên đút cho con cháu mình ngay tại sân hoặc không gian chung giữa các tầng lầu của chung cư.
Thậm chí, có người còn vứt rác, khạc nhổ, cho động vật đi vệ sinh lung tung ngay tại khoảng sân chung ấy. Nhiều gia đình do ở nhà quá lâu càng có nhu cầu được xuống khoảng sân chung của khu phố để thư giãn.
Do dịch bệnh nên chung cư hạn chế số lượng nhân viên vệ sinh quét dọn, khiến số rác bẩn không được xử lý đúng cách bốc mùi hôi thối, làm cho môi trường chung bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bản thân tôi và một số gia đình phải "tự thân vận động" bằng cách nhặt rác, ra sức quét dọn, xịt khuẩn các khu vực hành lang, thang máy và sân chung của tòa nhà nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh, làm thoáng đãng hơn môi trường sống.
Chúng tôi vốn dĩ không nề hà khó khăn khi dọn dẹp không gian sống xung quanh mình. Tuy nhiên, nếu có sự chung tay và đoàn kết từ tất cả mọi người trong tập thể thì vẫn cảm thấy vui vẻ và hân hoan hơn.
Chung cư vốn là nơi chung sống của rất nhiều hộ gia đình, là không gian chung nên càng dễ phát sinh nhiều mâu thuẫn do khác biệt về tư duy và lối sống. Mỗi người đều có trách nhiệm và quyền hạn chung trong việc tôn trọng cuộc sống của nhau. Chỉ cần một người thiếu ý thức là có thể dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường và tiếng ồn, mất thẩm mỹ cảnh quan xung quanh.
Do đó, thay vì tranh cãi vì những hiện tượng tiêu cực, chúng ta hãy đồng lòng cùng bảo vệ môi trường, xây dựng một cuộc sống văn minh, hiện đại hơn.
Kính mời bạn đọc gửi bài viết tham gia diễn đàn qua email: baoky@tuoitre.com.vn hoặc báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM; ngoài bì thư ghi rõ "Bài tham gia diễn đàn: Môi trường nơi tôi sống".
TTO - Nhà tôi sống trong một khu chợ nhỏ tại quận 3, TP.HCM. Mỗi khi hết phiên chợ sáng hoặc chiều, bản thân tôi đều cảm thấy rất mỏi mệt vì lượng rác thải sinh hoạt, vô số túi nilông, hộp nhựa thực phẩm... bị vất vương vãi khắp các lối đi.
Xem thêm: mth.70064749040211202-gnuhc-naig-gnohk-gnort-not-iahp-gnos-iot-ion-gnourt-iom-nad-neid/nv.ertiout