Hai chiến lược gia cấp cao Marko Kolanovic và Bram Kaplan của JPMorgan nhận định với những gì đã biết, biến thể Omicron dường như dễ lây nhiễm hơn nhưng lại ít nguy cơ khiến người mắc tử vong. Điều này phù hợp với quá trình biến hóa của các loại virus từng được biết trong lịch sử. Nếu đúng, biến thể gây náo loạn này cuối cùng có thể trở thành dấu hiệu tích cực với thị trường khi báo hiệu đại dịch sắp kết thúc.
"Omicron có thể là chất xúc tác cho việc mở rộng (không phải làm phẳng) đường cong lợi suất, xoay vòng từ tăng trưởng sang giá trị. Những cổ phiếu được hưởng lợi từ đại dịch cũng sẽ không còn hấp dẫn như những cổ phiếu hưởng lợi từ quá trình mở cửa trở lại. Chúng tôi coi đợt bán tháo gần đây trong nhóm cổ phiếu hưởng lợi này chính là cơ hội để mua vào", các chiến lược gia của JPMorgan cho biết.
Sự xuất hiện của biến chủng mới đã làm chao đảo thị trường trong những ngày gần đây, bao gồm cả việc một số quốc gia trên thế giới gia tăng các biện pháp hạn chế đi lại. Trong khi một số quan chức y tế cho rằng cần mất nhiều tuần để đưa ra đánh giá cuối cùng về Omicron, người đứng đầu cơ quan y tế Australia cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy nó gây chết người nhiều hơn các biến chủng khác.
Kolanovic, người trở thành giám đốc chiến lược toàn cầu của JPMorgan hồi đầu năm, cũng đã từng ủng hộ các khoản đầu tư vào những cổ phiếu có giá trị khi đại dịch bùng phát. Ông lập luận rằng thị trường đã phản ứng quá mức với mối đe dọa từ biến thể Delta.
Trong khuyến nghị mới, Kolanovic nói rằng biến thể mới của Covid-19 dường như phù hợp với mô hình lịch sử tiến hóa của virus, trong đó các biến thể ngày càng lây lan mạnh hơn nhưng sẽ ít nguy hiểm hơn. Biến thể Omicron có thể trở thành chất xúc tác để biến đại dịch chết người thành một thứ gì đó giống với bệnh cúm mùa.
"Nếu kịch bản đó xảy ra, WHO đáng lẽ phải đặt tên biến thể này là Omega (chữ cuối cùng trong bảng chữ cái Hy Lạp) thay vì đặt là Omicron", các chiến lược gia của JPMorgan cho biết.
Sự xuất hiện của Omicron đã tạo ra một tuần sóng gió với chứng khoán Mỹ và thị trường tài chính toàn cầu. Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/12, Dow Jones đã mất gần 60 điểm xuống còn 34.580,08 điểm, kết thúc một tuần rung lắc dữ dội. Trước đó, khi thông tin về Omicron khiến cả thế giới hoảng sợ, Dow Jones đã mất hơn 900 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần trước.
S&P 500 và Nasdaq cũng chịu chung số phận. Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng có một tuần giao dịch không mấy khả quan khi bán tháo xảy ra trong nhiều ngày. Tuy nhiên, khi thế giới bình tĩnh hơn với biến thể Omicron, cũng có những phiên thị trường phục hồi trở lại nhưng không bù được những mất mát.
Ở thời điểm hiện tại, biến thể Omicron đã lan tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Thậm chí, một số ca mắc biến thể này còn ở trên người dân địa phương chứ không phải du khách hay những người có tiền sử du lịch nước ngoài. Hiện tại, cả thế giới vẫn đang chờ thông báo của các nhà khoa học về mức độ kháng vắc xin và độc tính của nó.