vĐồng tin tức tài chính 365

Doanh thu của hơn 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục giảm, nguy cơ “kiệt quệ” về tài chính

2021-12-06 03:12

Đây là một trong những kết quả khảo sát được nêu ra trong tham luận của TS. Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi đến Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững ngày 5/12.

Cũng tại diễn đàn này, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; đại diện Hiệp hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nêu lên một số kiến nghị về các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.

93,9% DOANH NGHIỆP CHỊU TÁC ĐỘNG "HOÀN TOÀN TIÊU CỰC" BỞI DỊCH

TS. Đậu Anh Tuấn cho biết, theo kết quả khảo sát do VCCI thực hiện từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 9/2021 với gần 3.000 doanh nghiệp phản hồi đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy có tới 93,9% doanh nghiệp cho biết tác động của dịch ở mức độ "hoàn toàn tiêu cực" và "phần lớn là tiêu cực". Con số này tăng so với mức 87,2% của khảo sát năm 2020.

Cụ thể, trong khảo sát năm 2021 có khoảng 60% doanh nghiệp cho biết tác động của dịch COVID-19 "phần lớn là tiêu cực". Đáng lưu ý, tỷ lệ doanh nghiệp nhận định dịch COVID-19 tác động "hoàn toàn tiêu cực" lên tới 34%, cao đáng kể so với mức 15% của khảo sát năm 2020.

Khảo sát tháng 9/2021 cũng ghi nhận chỉ có khoảng 4% doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch và chưa đến 2% doanh nghiệp cho biết nắm bắt được cơ hội để phát triển.

Theo Trưởng Ban Pháp chế VCCI, dịch bệnh COVID-19 kéo dài trong gần hai năm qua đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ trên nhiều khía cạnh như duy trì lực lượng lao động, giữ ổn định chuỗi giá trị và đảm bảo khả năng tăng trưởng doanh thu.

Về lao động, trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Nói cách khác, cứ khoảng 10 doanh nghiệp thì có xấp xỉ 9 doanh nghiệp chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

Tình trạng người lao động mất việc làm diễn ra phổ biến nhất ở các ngành dịch vụ. Theo đó, trên 97% doanh nghiệp ở các ngành giáo dục và đào tạo, hoạt động hành chính và dịch vụ và dịch vụ lưu trú và ăn uống trả lời khảo sát đã phải giảm số lao động trong thời gian dịch bệnh.

Tình trạng người lao động mất việc làm do ảnh hưởng từ dịch bệnh phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung với lần lượt 95%, 93% và 92% doanh nghiệp đang hoạt động ở các vùng này báo cáo việc cho người lao động thôi việc. Tỷ lệ tương ứng ở các khu vực khác thấp hơn 90% nhưng cũng tương đối cao; nơi ít nhất là đồng bằng sông Hồng, nhưng cũng có 78% doanh nghiệp phải giảm số lao động.

Về chuỗi giá trị, trung bình có 96,2% doanh nghiệp gặp ít nhất một trong các vấn đề liên quan đến chuỗi giá trị. Các vấn đề này có thể là khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, khó khăn khi quản lý nhân công hay đứt gãy chuỗi cung ứng.

Về doanh thu, đại dịch COVID-19 kéo dài khiến 71% doanh nghiệp báo cáo doanh thu dự kiến năm 2021 giảm so với năm 2020. Kết quả ước tính doanh thu năm 2021 (năm dịch bệnh thứ hai) tiếp tục giảm so với năm trước đó dự báo tình trạng "kiệt quệ" về tài chính của rất nhiều doanh nghiệp trong thời gian tới nếu không có những giải pháp hỗ trợ phù hợp và kịp thời.

Doanh thu của hơn 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục giảm, nguy cơ “kiệt quệ” về tài chính - Ảnh 1.

Doanh thu dự kiến năm 2021 so với năm 2020 theo quy mô doanh nghiệp

Theo khảo sát, các nhóm doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ bị giảm doanh thu đáng kể nhất bởi dịch bệnh với lần lượt 71% và 72% doanh nghiệp thuộc các nhóm này dự đoán tình hình suy giảm doanh thu so với năm đầu đại dịch. 70% doanh nghiệp quy mô vừa cho biết bị giảm doanh thu, trong khi cũng có tới 65% doanh nghiệp quy mô lớn cho biết tình trạng tương tự.

Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi để vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 ông Tuấn đề xuất một số các giải pháp ngắn hạn như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin; tránh áp dụng máy móc và cực đoan các biện pháp hạn chế, phong tỏa; triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp lập và triển khai các kế hoạch sản xuất kinh doanh liên tục; quan tâm giải quyết các khó khăn tài chính cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh; hỗ trợ đào tạo cho người lao động; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính...

Về trung và dài hạn ông Tuấn cho rằng, bên cạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng, các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững cũng cần được xây dựng ngay từ bây giờ.

Cụ thể, cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng; có lộ trình phục hồi kinh tế rõ ràng để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế; có kịch bản sống chung dài hạn với dịch bệnh có tính khả thi và khả năng chống chịu của doanh nghiệp.

Đồng thời, cần nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và xử lý các vướng mắc về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong các FTA.

Ngoài ra, cần cải thiện hạ tầng logistics cũng như thủ tục hành chính có liên quan để tạo thuận lợi cho các hoạt động vận tải và xuất nhập khẩu; tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư; phát triển kinh tế số để tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, thị trường nội ngành.

ĐỀ XUẤT THU XẾP GÓI HỖ TRỢ LÃI SUẤT 100.000 TỶ ĐỒNG CHO DNNVV

Cùng tham gia tham luận tại diễn đàn TS. Phạm Huy Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cho biết, DNNVV Việt Nam chiếm 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp tới 45% GDP, 31% vào tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động.

Tuy nhiên, do quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp, nên khi đại dịch COVID -19 diễn biến phức tạp, lan rộng, hoạt động của DNNVV gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Do đó, ông Hùng đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho DNNVV. Trước hết là xử lý điểm nghẽn khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại (NHTM).

Cụ thể, về vấn đề bảo đảm tiền vay, hiện rất ít DNNVV đáp ứng được các yêu cầu của NHTM đưa ra, vì thế để giảm rủi ro trong cho vay, các NHTM yêu cầu phải có tài sản bảo đảm. Ông kiến nghị Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV chủ yếu là bảo lãnh tín chấp để đẩy mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng có sự bảo lãnh của quỹ.

Bên cạnh đó, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV cần rà soát lại điều kiện doanh nghiệp được bảo lãnh theo hướng "thoáng" hơn điều kiện vay vốn từ ngân hàng, phối hợp với ngân hàng tăng cường thẩm định tính hiệu quả của phương án, dự án vay vốn, tăng cường kiểm tra sau khi cấp bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, đảm bảo rằng doanh nghiệp được bảo lãnh vay vốn sẽ trả nợ gốc và lãi vay đủ, đúng hạn cho ngân hàng.

Về lãi suất ngân hàng, theo ông Hùng cần tiếp tục rà soát theo hướng giảm lãi suất cho vay sâu hơn đối với DNNVV.

Cùng với xử lý điểm nghẽn khi vay vốn tại các ngân hàng, ông Hùng cho rằng cần thực hiện gói hỗ trợ lãi suất giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Theo đó, ông đề xuất Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trình Chính Phủ, Quốc hội thu xếp gói hỗ trợ lãi suất (khoảng 7-10% GDP), tương đương với mức dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng với thời gian tối đa 2 năm để hỗ trợ DNNVV.

Ngoài ra, ông Hùng đề nghị phát triển nền tảng gọi vốn cộng đồng cho DNNVV. Theo ông, tại Việt Nam, trong điều kiện các DNNVV còn nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, thì việc huy động vốn cộng đồng thông qua hình thức trực tuyến là biện phát rất cần được phát triển.

Hoàng Hà

Nhịp sống doanh nghiệp

Xem thêm: nhc.28531119150211202-hnihc-iat-ev-euq-teik-oc-yugn-maig-cut-peit-auv-av-ohn-peihgn-hnaod-07-noh-auc-uht-hnaod/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Doanh thu của hơn 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục giảm, nguy cơ “kiệt quệ” về tài chính”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools