Một bức ảnh duy nhất chụp ở thời kỳ đầu của biệt thự này lại là một bức ảnh đen trắng và cũng chỉ có chút thềm nhà được vào ảnh.
Đó là bức ảnh chụp gia đình người Pháp - chủ nhân của căn biệt thự đứng trước cửa nhà, phía cổng mà hiện nay là số 46 Hàng Bài.
Tuổi Trẻ Online đã trao đổi với ông Emmanuel Cerise - chuyên gia Pháp hỗ trợ chuyên môn cho dự án bảo tồn biệt thự 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Chuyên gia Pháp này đã có 12 năm làm việc tại Hà Nội. Hiện ông là đại diện vùng Ile-de-France tại Việt Nam, giám đốc Cơ quan Hợp tác quốc tế vùng Ile-de-France tại Việt Nam.
Ông chính là người tìm ra màu sắc gốc cho căn biệt thự Pháp cổ đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
Không ủng hộ thay đổi màu vôi gốc nhưng có thể đổi
Ông cho biết không còn bản vẽ nào của công trình này bởi đây là nhà của một tư nhân nên không có quy định phải lưu hồ sơ xây dựng. Giả sử có bản vẽ cũng là đen trắng, không thể hiện màu sắc của ngôi nhà.
Ông đã tìm ra màu sắc gốc của biệt thự dựa vào hai căn cứ.
Quá trình nghiên cứu hiện trạng công trình, các chuyên gia Pháp đã thám sát các lớp vữa phủ bên ngoài tường. Khi róc lần lượt các lớp vôi đã được phủ lên bức tường trong nhiều lần cải tạo, trùng tu, các chuyên gia tìm được lớp vữa gốc có màu vàng xen kẽ những ô màu đỏ giả gạch.
Thêm một căn cứ nữa, trong lô ảnh màu về Hà Nội đầu thế kỷ XX của nhà nhiếp ảnh Léon Busy cho thấy Hà Nội có nhiều biệt thự được quét vôi hai màu vàng, đỏ gạch đó.
Dù khá xác tín với màu vôi gốc tìm được cho căn biệt thự, ông Emmanuel nói các chuyên gia vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và sẽ hoàn thiện dần.
Ông cho biết rất nhiều công trình kiến trúc Pháp mà Hà Nội trùng tu gần đây lại đi theo hướng chọn những gam màu thuận mắt, với tường vàng và thêm một chút đường kẻ trắng. Nhưng trên thực tế nó lại không phản ánh được công trình gốc ban đầu.
Còn màu sắc mà dự án trùng tu biệt thự 49 Trần Hưng Đạo khi chưa hoàn thiện có thể nhìn hơi chói, rực quá so với thẩm mỹ hiện nay. Nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn, dưới tác động của thời tiết sẽ dịu đi nhiều.
Trước câu hỏi liệu có nên thay đổi màu sắc của công trình để "ưa nhìn" hơn, ông Emmanuel nói dưới góc độ nhà chuyên môn ông không ủng hộ việc này. Ông mong muốn đây sẽ là dự án điển hình của việc tôn trọng đặc điểm gốc của công trình.
Nhưng nếu phải thay đổi màu vôi, ông nói đó không phải quyết định quá tệ vì màu sắc ngôi nhà chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng thể một dự án được trùng tu tốt như dự án này.
Nhưng ông cảnh báo tuyệt đối không chọn cách chỉ sơn một màu duy nhất (vàng hay trắng) như nhiều dự án trùng tu kiến trúc Pháp ở Việt Nam đã làm. Vì nó sẽ làm giảm giá trị công trình đi rất nhiều.
Ngoài ra còn có một cách khác để công trình trông có màu thời gian mà cộng đồng mong muốn. Tại Pháp hiện nay có công nghệ sơn phủ làm cho công trình có vẻ nhuốm màu thời gian nhưng nó rất tốn kém nếu đưa từ Pháp sang.
Xà nhà, gạch bông từ Pháp, gạch vồ từ thành Hà Nội
Tôn trọng và đánh giá cao việc dư luận có ý kiến, dù là chê, công trình trùng tu mà ông Emmanuel tham gia, nhưng ông cho biết dự án bảo tồn này tìm ra rất nhiều câu chuyện thú vị về công trình mà người dân không được dễ nhìn thấy như lớp vôi phủ ngoài.
Quá trình thám sát công trình cho các chuyên gia biết chủ nhà sử dụng những xà thép được nhập khẩu từ Pháp. Gạch lát sàn là loại gạch bông nhập khẩu từ Pháp, mặt dưới của gạch có con dấu của một công ty ở miền Nam nước Pháp.
Gạch xây công trình là loại gạch do người Pháp sản xuất nhưng ở Việt Nam. Đặc biệt tầng 1 tòa nhà được xây bằng nhiều loại gạch, trong đó có cả những viên gạch vồ được các chuyên gia tin chắc là nó được dỡ ra từ tường thành Hà Nội khi thành bị phá.
Các chuyên gia còn tìm thấy nền sân bao quanh công trình này nằm sâu 40 - 45cm dưới mặt đất chứ không phải nền sân như bây giờ. Điều này cho thấy mặt nền đất khu phố Pháp ở Hà Nội đầu thế kỷ 20 thấp hơn hiện nay rất nhiều.
Xung quanh tòa nhà có hệ thống rãnh thu nước được làm rất cẩn thận.
Cộng đồng, giới chuyên gia về kiến trúc và bảo tồn di sản đều đang ‘không ưa’ màu vôi quá ‘kệch’ của căn biệt thự cổ 49 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) sau dự án trùng tu được coi là kiểu mẫu. Số tiền cho việc trùng tu này là 14 tỉ đồng.
Xem thêm: mth.91522902241403202-oan-eht-ar-mit-coud-oad-gnuh-nart-94-uht-teib-auc-cog-iov-uam/nv.ertiout