Ngày 7-12, kỳ họp thứ tư, HĐND TP.HCM khóa X đã khai mạc. Đây là kỳ họp thường kỳ cuối năm, tập trung xem xét, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2022.
Tìm hướng đi mới sau đại dịch
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết: Năm 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân trên cả nước và đặc biệt là TP.HCM.
Bắt đầu từ quý IV, khi TP.HCM dần mở cửa trở lại nền kinh tế, các hoạt động kinh tế - xã hội từng bước trở lại với nhịp độ bình thường nhưng theo dự báo thì khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp và xây dựng; khu vực dịch vụ… sẽ tiếp tục giảm.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình báo cáo tại kỳ họp.
Ảnh:HOÀNG GIANG
Do vậy, bà Lệ cho biết HĐND TP sẽ tập trung đánh giá sâu sắc, toàn diện những nỗ lực của TP.HCM trong thời gian qua. Đồng thời tìm ra hướng đi mới trong thời gian tới, nhất là trong lúc TP tích cực xây dựng kế hoạch tổng thể phòng chống dịch trong thời gian tới, tập trung phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025.
Tại kỳ họp, HĐND TP cũng sẽ tập trung thảo luận, xem xét thông qua nghị quyết phát triển liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, đô thị, văn hóa - xã hội năm năm 2021-2025; kế hoạch đầu tư công năm 2022... Đây là những nghị quyết tác động trực tiếp đến đời sống của người dân TP. Do vậy, bà Lệ yêu cầu các đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ để có những ý kiến đóng góp đúng, chất lượng cho từng nội dung, nhằm giúp cho HĐND TP có cơ sở thông qua những nghị quyết bảo đảm chất lượng, khả thi và sát với tình hình thực tế của địa phương, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM trong tình hình mới.
HĐND TP quan tâm thảo luận và cho ý kiến cụ thể việc xây dựng và triển khai chiến lược y tế, trọng tâm là củng cố hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng. Cùng đó là tăng cường nhân lực y tế; nâng cao ý thức xã hội, làm cho từng cấp, từng ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị và mỗi người dân là một chủ thể của chiến lược phòng chống dịch. Bí thư Thành ủy TP.HCM NGUYỄN VĂN NÊN phát biểu tại kỳ họp |
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết mặc dù GRDP ước giảm 6,78% và không đạt chỉ tiêu nhưng trong điều kiện dịch bệnh, một số ngành vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 370.000 tỉ đồng (đạt 101,3% dự toán năm 2021).
Về nhiệm vụ và giải pháp năm 2022, ông Bình cho biết một lợi thế đồng thời là điều kiện then chốt để TP.HCM tự tin thực hiện mở cửa, từng bước khôi phục kinh tế trong năm 2022 là tỉ lệ người dân đã tiêm vaccine cao. Đến nay, tỉ lệ tiêm vaccine mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt gần 100%, mũi 2 đạt trên 85% và TP đang tiến hành tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi.
Trong năm 2022, TP.HCM đề ra 19 chỉ tiêu, trong đó tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6%-6,5%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP; tỉ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%.
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, ông Bình cho biết TP.HCM sẽ triển khai các giải pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; triển khai các chương trình phát triển kinh tế ở các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp.
Cùng đó, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị; cải thiện môi trường đầu tư; hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng của TP; phát triển mạnh mẽ kinh tế số, xây dựng TP thông minh...
Dùng kinh phí dự phòng nâng cấp y tế cơ sở
Chiều cùng ngày, HĐND TP đã bước vào phiên thảo luận tổ. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là chính sách cho tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là lực lượng cán bộ.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, đại biểu huyện Bình Chánh, cho biết Trạm y tế xã Vĩnh Lộc A chỉ có 8-10 cán bộ y tế nhưng phải chăm lo cho khoảng 170.000 dân, dẫn đến quá tải trong công việc. “Chúng ta yêu cầu cán bộ cơ sở phải nâng chất, linh hoạt trong từng công việc. Đôi khi dù rất muốn nhưng họ lực bất tòng tâm” - bà Dung nói và đề nghị cần phân bổ lực lượng y tế phù hợp cho những nơi đông dân.
Tương tự, đại biểu Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho rằng nên bố trí nguồn vốn, con người để nâng cấp trạm y tế vì cuộc chiến chống dịch COVID-19 còn kéo dài. “Nên dùng nguồn kinh phí dự phòng, trước hết các quận, huyện và TP Thủ Đức nên rà soát để báo cáo Sở Y tế” - ông Tùng kiến nghị.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết nhân lực của hệ thống y tế cơ sở chỉ đủ đảm bảo hoạt động trong điều kiện bình thường. “Khi đợt dịch thứ tư bùng phát đã không đáp ứng được với số bệnh nhân tăng cao, dẫn đến tình trạng quá tải điều trị, nhiều trường hợp chuyển nặng, tử vong” - ông Châu nói.
Theo ông Châu, hiện TP có 310 trạm y tế, tỉ lệ nhân viên y tế chỉ 2,31 người/vạn dân, thấp hơn bình quân trên cả nước là 6-7 người/vạn dân. “Đúng là có phường, xã có số dân cao trên 100.000 dân mà biên chế chỉ dựa vào địa giới hành chính, dẫn đến không đáp ứng nhu cầu” - ông Châu nói.
Do vậy, ông cho biết vừa qua Sở Y tế đã lập đề án về chính sách tăng cường năng lực y tế cơ sở với nhiều giải pháp. Trong đó có những giải pháp cần xin phép trung ương. “Có thực trạng một bác sĩ mới ra trường nếu về bệnh viện thì một năm sau sẽ học lên thạc sĩ, 10 năm sau thành tiến sĩ; phát triển thành bác sĩ chính, bác sĩ cao cấp. Mà việc này rất khó nếu bác sĩ về địa phương, về cơ sở thì cơ hội đi học, nâng cao trình độ rất khó” - ông Châu phân tích và cho biết đây là chính sách vĩ mô của Bộ Y tế.
Phó giám đốc Sở Y tế thông tin trong chính sách cho y tế cơ sở có việc xin tăng thêm biên chế, chế độ bồi dưỡng thu hút nhân viên địa phương, chế độ ký thêm hợp đồng… Sở Y tế đã có tờ trình UBND TP nhưng còn chờ ý kiến các bộ, ngành trung ương vì liên quan tiền lương và tiền công nên chưa trình cho HĐND TP.
TP.HCM trình 27 dự án cần thu hồi đất năm 2022 Tại kỳ họp, UBND TP.HCM có tờ trình về việc thông qua danh mục 27 dự án cần thu hồi đất trong kế hoạch sử dụng đất năm 2022. Trong số này có 12 dự án cần thu hồi đất (trong đó có đất trồng lúa). Cụ thể, về 15 dự án cần thu hồi đất, đáng chú ý là dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa và khu tái định cư (15,28 ha); xây dựng nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất (16,05 ha); sửa chữa và nâng cấp đường Nguyễn Hữu Tiến (quận Tân Phú); chỉnh trang hẻm 30 Mạc Đĩnh Chi (quận 1). Ngoài ra còn có các công trình, dự án như kè chống sạt lở ven rạch Mốc Keo bảo vệ khu dân cư ấp An Hòa (huyện Cần Giờ); xây dựng đường Tân Hiệp 9 (huyện Hóc Môn); xây dựng nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức)...
Đối với danh mục dự án cần thu hồi đất (trong đó có đất trồng lúa), có hai dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên 10 ha gồm dự án đường dây 500 kV Củ Chi - Chơn Thành - Đức Hòa (26,53 ha) và dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Cửu Phú (hương lộ 14) trên địa bàn huyện Bình Chánh (10,92 ha). Các dự án cần thu hồi đất (trong đó có đất trồng lúa) dưới 10 ha, đáng chú ý có dự án đường Phạm Thế Hiển nối dài (quận 8); xây dựng Trường Tiểu học Xuân Thới Đông (huyện Hóc Môn); xây dựng Trường Mầm non Bà Điểm 1; xây dựng Trường Mầm non Xuân Thới Sơn (cùng ở huyện Hóc Môn); cùng một số dự án nâng cấp hẻm trên địa bàn huyện Nhà Bè... • Bên hành lang Quốc hội, lãnh đạo TP.HCM cũng cho hay đang xem xét hoãn việc cho học sinh lớp 1 đến trường học trực tiếp vì phụ huynh chưa an tâm, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. |